IAEA: thế giới có thể học từ sự cố hạt nhân ở Fukushima
Phóng to |
Bể chứa thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 4 Nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi (Nhật) xả ra nhiều phóng xạ do hệ thống làm mát bị hỏng -Ảnh: Reuters |
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chính sách Mỹ (IPS), số lượng thanh nhiên liệu đã qua sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân Mỹ và khả năng gây ô nhiễm phóng xạ của chúng lớn gấp nhiều lần các nhà máy Nhật (http://www.ips-dc.org/files/3200/spent_nuclear_fuel_pools_in_the_US.pdf). “Các bể chứa đầy những thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, không được bảo vệ một cách hiệu quả là mối đe dọa cực lớn đối với cộng đồng” - Robert Alvarez, chuyên gia chính sách năng lượng IPS, khẳng định.
Nơi phóng xạ tập trung nhiều nhất
Báo cáo “Bể chứa thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ở Mỹ: giảm thiểu nguy cơ chết người” dẫn số liệu của Viện Năng lượng quốc gia Mỹ cho biết hiện các nhà máy điện hạt nhân Mỹ chứa khoảng 65.000 tấn nhiên liệu đã qua sử dụng, 75% nằm trong các bể chứa, 25% còn lại nằm trong các kho chứa khô. Mỗi bể chứa một số lượng thanh nhiên liệu đã qua sử dụng nhiều đến mức xả ra khoảng 1 triệu rem phóng xạ/giờ, tỉ lệ cực kỳ nguy hiểm đối với ai tiếp xúc phải phóng xạ. Tổng cộng 51 địa điểm ở Mỹ chứa khoảng 30 triệu thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.
Báo cáo của IPS khẳng định đây là những khu vực “nơi phóng xạ tập trung ở mức độ cao nhất trên Trái đất”. Các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng luôn đầy nước và cần một lượng điện rất lớn để đảm bảo chúng không nóng lên quá mức. Nếu bể chứa cạn nước, các thanh nhiên liệu sẽ nóng lên và bốc cháy, xả ra những đồng vị phóng xạ nguy hiểm như cesium 137 hay plutonium.
Cesium 137 gây lo ngại lớn nhất bởi chu kỳ bán rã của nó lên tới 30 năm, và tồn tại dạng lỏng ở nhiệt độ thấp. Khi có hỏa hoạn xảy ra, cesium 137 rất dễ phát tán ra môi trường bên ngoài. Sau thảm họa động đất - sóng thần ở Nhật, các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng ở Nhà máy Fukushima Daiichi đã xả ra môi trường một lượng phóng xạ lớn.
Theo báo cáo, các địa điểm có nguy cơ cao ở Mỹ bao gồm hai lò phản ứng ở Trung tâm năng lượng Indian Point, cách thành phố New York khoảng 40km. Nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trong các bể chứa của hai lò phản ứng này chứa phóng xạ cao gấp ba lần toàn bộ các bể chứa trong bốn lò phản ứng bị hư hại ở Nhà máy Fukushima Daiichi. Các nghiên cứu cho biết một vụ hỏa hoạn bể chứa có thể gây thiệt hại 461 tỉ USD và khiến hàng nghìn người thiệt mạng vì nhiễm phóng xạ.
Tại Nhà máy điện Diablo Canyon gần Los Angeles, các bể chứa có lượng phóng xạ cao gấp 2,7 lần Fukushima Daiichi. Tương tự, các bể chứa trong lò phản ứng ở Nhà máy Turkey Point, cách Miami 104 km, có lượng phóng xạ cao hơn Fukushima Daiichi 2,5 lần. Nhà máy điện hạt nhân Vermont Yankee ở Vermont có thiết kế tương tự Nhà máy Fukushima Daiichi, và các bể chứa có lượng phóng xạ cao hơn nhà máy Nhật 7%.
Không được bảo vệ hiệu quả
Các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân Mỹ thường ở dạng hình chữ nhật, sâu khoảng 12-15 m. Bao quanh chúng là các bức tường bêtông dày 1,2-1,5m, có lớp lót bằng thép không gỉ. Tuy nhiên, báo cáo của IPS cho biết một số bể chứa không có lớp lót thép, do đó có thể bị rò rỉ hoặc bị ăn mòn.
Theo báo cáo của Viện Khoa học quốc gia Mỹ từ năm 2004, các bể chứa này dễ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố. Nguy cơ hỏa hoạn cũng rất lớn. Các bể chứa cần điện để bơm nước làm nguội thanh nhiên liệu và ngăn chặn phóng xạ rò rỉ. Tuy nhiên, chính quyền liên bang Mỹ không áp dụng quy định để đảm bảo các bể chứa có hệ thống điện dự phòng trong trường hợp mất điện.
Chuyên gia Robert Alvarez cho biết trong vòng 10 năm qua, ở các nhà máy điện hạt nhân Mỹ đã có ít nhất 10 trường hợp các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng bị mất một lượng nước đáng kể. Trong một số vụ khác, hệ thống đảm bảo các bể chứa hoạt động bình thường bị quá tải.
Chuyên gia Alvarez cho biết một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phần lớn các bể chứa tại các nhà máy điện hạt nhân Mỹ đã hoạt động hết công suất. Phần lớn các lò hạt nhân Mỹ, đặc biệt các lò đã hoạt động nhiều năm, chứa lượng nhiên liệu đã qua sử dụng lớn hơn rất nhiều so với dự báo khi chúng được thiết kế. Do đó, nguy cơ phóng xạ rò rỉ là có thật và rất đáng kể.
IPS đề xuất chính quyền Mỹ di dời các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng vào các kho chứa khô có hệ thống làm lạnh bằng không khí sau khi chúng nằm trong bể chứa khoảng năm năm - đủ nguội để di dời.
Dự án đó sẽ kéo dài khoảng mười năm với tổng chi phí lên đến 3-7 tỉ USD. “Kho chứa khô là lựa chọn an toàn hơn rất nhiều - chuyên gia Robert Alvarez khẳng định - Một số người cho rằng giải pháp này quá tốn tiền, nhưng trước nguy cơ ô nhiễm phóng xạ cực lớn, cái giá phải trả cho việc không hành động là không thể cân đong đo đếm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận