Phóng to |
Nhân viên trạm taximet đang dán tem và niêm chì taxi. Những lần sau kiểm tra lại họ cũng không có ý kiến gì khi tem và niêm chì đã bị tháo gỡ |
“Bắn, đá” đồng hồ
Q. “mèo”, một tài xế tám năm trong nghề, hiện làm tài cho một trong những hãng taxi xuất hiện đầu tiên tại TP, bộc bạch: “Lâu năm trong nghề không ai không biết cách “bắn, đá” đồng hồ”. Theo Q. “mèo”, một lần “độ” đồng hồ chỉ mất khoảng 200.000 đồng nhưng lợi nhuận thì vô kể, đó là nguyên cớ khiến một số tài xế vẫn sử dụng chiêu thức này để đối phó với mức khoán của công ty.
Nếu như trước đây “chiêu” làm đồng hồ đứng im, bật số tồn để lừa khách hoặc “chọt” đồng hồ, chuyển dây mát ăn vào buly dàn lạnh để tăng mức cước được xem là tinh vi thì bây giờ đã lỗi thời vì vừa mạo hiểm vừa dễ bị tổ trác: gặp trục trặc tài xế không điều khiển nổi, tiền tăng quá nhanh dễ bị hành khách phát hiện. Chưa kể với “chiêu” này rất dễ làm hư đồng hồ và phải thường xuyên thay dây mát vì dây mau mòn do tốc độ bu-ly quay nhanh.
T. “lé”, cựu tài xế taxi “mù”, tiết lộ: bất kỳ chỗ nào quanh tài xế đều có thể gắn một công tắc để “đá” đồng hồ rất đơn giản, chỉ cần chạm mát sợi dây đấu từ đồng hồ ra là tiền cước sẽ nhảy. Cái hay của “đồng hồ độ” là cứ mỗi lần “đá”, tùy cách tính tiền của mỗi hãng số tiền sẽ nhảy 1.200 - 1.500 đồng, tương ứng số tiền qui định nên rất hiếm người phát giác. “Có nhiều điểm “độ” nhưng hiện ở chợ Nhật Tảo thì đầy, chỉ cần đảo taxi vài vòng là có người đến mời chào ngay” - Q. “mèo” khẳng định.
Trong vai một tay mơ mới vào nghề chúng tôi tìm gặp V., tài xế có thâm niên lái taxi “mù”, để xin“đá” đồng hồ. V. vào đề ngay: “Muốn thì tôi để lại đồng hồ cho vì đầu tháng mười hai này giao xe rồi. Giá tình cảm 1 triệu thôi, độ sẵn hết rồi chỉ cần gắn vào là xài”. Theo lời giới thiệu của V., đồng hồ này “bao kiểm định” luôn vì loại của V. không phải độ “chợ” mà do thợ điện tử “độ”.
Cũng theo quảng cáo của V., do “độ” thêm “sò” điện tử qua dây “xung” (loại dây có nhiều linh kiện điện tử để kích hoạt đồng hồ), cho phép tài xế kiểm soát và định mức đồng hồ theo ý muốn. Nếu không nhấn công tắc thì đồng hồ không nhảy, do vậy có đưa vào kiểm định cỡ nào cũng chính xác. “Có điều những lúc rửa xe thì cẩn thận, để nước vào là thua - V. huyên thuyên - Có lần rửa xe kỹ quá làm chạm dây, lần đó quãng đường khách đi chỉ 40.000 đồng nhưng đồng hồ nhảy lên tới hơn 100.000 đồng, làm tôi phải tắt đồng hồ, khách đưa bao nhiêu thì tùy…” . Để làm tin, V. mời chúng tôi lên xe để biểu diễn, cứ mỗi lần V. đạp vào công tắc để dưới chân trái là đồng hồ lại nhảy tiền, đi chưa đầy 500m mà đồng hồ đã lên tới gần 20.000 đồng…
Để tìm hiểu kiểu gian lận tinh vi mà móc túi hành khách rất táo tợn này, chúng tôi đã nhờ một chuyên viên đồng hồ taxi trình diễn màn dùng xung điện để tác động vào đồng hồ tính cước. Trước mắt chúng tôi, vị chuyên viên này dùng một đầu dây điện nối với dây điện dẫn vào đồng hồ, còn đầu dây kia thì chích vào mạch điện. Không đến ba giây sau, dù xe không chạy giá cước vẫn cứ hiển thị 12.000 đồng lên 15.000 đồng, 16.000 đồng rồi 18.000 đồng… Chưa hết, thay vì chích thẳng vào mạch điện, vị chuyên viên này dùng đầu dây điện chích vào một vỉ sắt gắn ở mạch điện, chỉ trong hai giây giá cước nhảy từ 18.000 đồng lên 30.000 đồng và 38.000 đồng.
Phóng to |
Taxi là phương tiện di chuyển cần thiết nhưng ở TPHCM thì nỗi lo của người dân là chuyện có thể bị "móc túi" một cách oan ức |
Kiểm định đồng hồ chỉ là… hình thức
Chúng tôi có mặt lúc 7g15 ngày 25-11-2003 tại trạm kiểm định taximet (thuộc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3) - trạm kiểm định duy nhất về đồng hồ taxi cho nhiều tỉnh và TP phía Nam (trên quốc lộ 13). Lúc ấy một đoàn taxi lăn bánh vào kiểm định đồng hồ. Anh Nguyễn Tiến Thịnh - nhân viên kiểm định - đưa tay chỉ vào đồng hồ chiếc taxi có số hiệu C110 đã tháo bỏ niêm chì và tem dán trên đồng hồ đã bị rách trước đó. Chúng tôi hỏi vì sao lại bỏ niêm chì và làm rách tem, một số lái xe giải thích: “Đơn vị kiểm tra trước để đỡ mất thời gian chờ chỉnh sửa lại”. Thế nhưng, chỉ sau bốn phút kiểm tra, nhân viên trạm kiểm định xác định đồng hồ xe C110 không hoạt động.
Trong khi một nhân viên của chính công ty dùng chiếc máy chủ (máy điều chỉnh đồng hồ tính cước taxi) chỉnh sửa lại đồng hồ chiếc xe C110 thì taxi số C117 tiến vào trạm kiểm định. Và cũng như chiếc trước, xe này cũng bị tháo bỏ niêm chì và xé tem. Đến 10g cùng ngày, nhân viên trạm kiểm định xác định hơn chục taxi đưa vào kiểm định không có chiếc nào còn nguyên tem và niêm chì. Cùng trong thời gian trên, chiếc xe số 52T-1154 vào trạm kiểm định cũng tháo gỡ chì niêm và tem dán. Vì sao? Lái xe thản nhiên nói do chuyển từ hợp tác xã xe du lịch này qua hợp tác xã xe du lịch khác nên phải tháo niêm chì và tem để điều chỉnh giá cước cho phù hợp!?
Anh Thịnh cho biết thêm không chỉ một, hai đơn vị taxi mà nhiều hãng khác cũng bỏ niêm chì và làm rách tem trước khi đưa xe vào trạm kiểm định với lý do “kiểm tra lại đồng hồ chính xác trước khi đưa vào trạm kiểm định để đỡ mất thời gian quay xe về đơn vị chỉnh sửa đồng hồ”.
Theo ông Đỗ Việt Hùng - trưởng Phòng đo lường 3, thuộc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, nếu thực hiện đúng pháp lệnh về đo lường chất lượng thì các xe tháo niêm chì, làm rách tem hoặc để tem quá hạn kiểm định đều bị xử phạt, nhưng vì chưa có qui định cụ thể nên trạm chỉ ghi nhận hiện trạng và vẫn kiểm định cho tất cả các xe.
Như vậy, hiện nay việc kiểm định đồng hồ taxi chỉ là hình thức. Bởi phải kiểm định taximet (giá 70.000 đồng/lần/năm), theo nhiều lái xe, có cái lợi là được cấp một tem kiểm định taximet gắn trên kính trước xe tạo niềm tin cho hành khách và được giảm 50% phí giao thông. Nói đúng hơn, cánh lái xe taxi sử dụng tem kiểm định taximet như một lá “bùa” che mắt người tiêu dùng.
Ông Đỗ Việt Hùng cho biết chỉ khi nào nhận được đơn tố cáo, khiếu nại, đơn vị ông mới tiến hành kiểm tra đồng hồ taxi. Hơn nữa, cũng khó phát hiện các xe vi phạm bởi vì trước khi đưa xe vào trạm các lái xe đã khéo léo hủy dấu tang chứng. Trạm taximet không có chức năng xử phạt và cũng không có chức năng kiểm tra xe trên đường. Có thể nói với việc quản lý đồng hồ tính cước taxi thì thanh tra đo lường chất lượng, quản lý thị trường, thanh tra giao thông công chánh và cảnh sát giao thông dường như… vẫn còn đứng ngoài cuộc.
Kỳ sau: Cần qui hoạch và chấn chỉnh lại hệ thống taxi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận