08/11/2005 19:45 GMT+7

Mở một cánh cửa nhìn về VN cho khán giả Trung Quốc

Theo Thể thao & Văn hóa
Theo Thể thao & Văn hóa

Nhà văn Hà Phạm Phú, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà Văn, đại diện cho phía đối tác VN trong dự án hợp tác làm phim Hà Nội, Hà Nội cho biết, phim có kịch bản hay, đầu tư thích đáng và đội ngũ làm phim chuyên nghiệp, vì vậy hy vọng sẽ được người xem đón nhận.

GwcPAAyG.jpgPhóng to
Nhà văn Hà Phạm Phú, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà Văn, đại diện cho phía đối tác VN trong dự án hợp tác làm phim Hà Nội, Hà Nội cho biết, phim có kịch bản hay, đầu tư thích đáng và đội ngũ làm phim chuyên nghiệp, vì vậy hy vọng sẽ được người xem đón nhận.

* Lý do nào khiến các ông hợp tác với Trung Quốc làm phim Hà Nội, Hà Nội mà không phải là Tướng Nguyễn Sơn như kế hoạch đã định từ hai năm trước?

- Hãng phim Dân tộc Vân Nam vừa được giao nhiệm vụ mở rộng giao lưu văn hóa - kinh tế với các nước Đông-Nam Á và họ đã chọn việc giao lưu với VN làm "đột phá khẩu" cho chương trình mang tầm chiến lược quốc gia này.

Qua điều tra của họ, phần lớn khán giả Trung Quốc ít biết về xã hội VN đương đại. Vì thế, họ muốn mở một "cánh cửa" để khán giả Trung Quốc có thể nhìn thấy VN đổi mới, VN hội nhập... Cánh cửa đó chính là phim Hà Nội, Hà Nội...

* Có dư luận cho rằng, vì muốn tranh thủ đầu tư của đối tác, nên kịch bản (KB) Hà Nội, Hà Nội đã đưa vào những chi tiết, tình huống nặng về... "tưởng tượng" khi đề cao nhân vật nữ là người Trung Hoa?

- Quan điểm hợp tác của Hãng phim Dân tộc Vân Nam là phải phát hành được bộ phim này ở thị trường Trung Quốc và phải có lãi. Muốn vậy phim phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật; chất lượng nghệ thuật cao...

Đặc biệt, nếu nhân vật chính là người Trung Quốc thì con đường đến với khán giả Trung Hoa càng thuận lợi. Vì thế, sau khi đọc hai KB "thuần Việt" mà chúng tôi dịch và gửi sang (Khát chữ của Đào Quang Thép và Nội tình muôn năm của Lê Ngọc Minh), đối tác gợi ý nên viết một KB khác. Chúng tôi và đối tác đã trao đổi kỹ, thống nhất cốt truyện, sau đó giao cho nhà biên kịch Trung Quốc Cao Húc Phàm viết KB lần 1.

Trên cơ sở KB của Cao Húc Phàm, nhà biên kịch Lê Ngọc Minh (VN) viết lại lần 2. Tiếp đó hai bên trao đổi, sửa chữa và hoàn thiện. Kịch bản hoàn thiện này đã được hội đồng duyệt 2 nước chấp nhận và ai đọc KB này đều khẳng định nó có chất lượng nghệ thuật, hấp dẫn. Nếu có ai "chê"... thì là do người đó đã đọc KB lần đầu của Cao Húc Phàm, tác giả này là người Trung Quốc, đương nhiên sự hiểu biết về cuộc sống, con người VN đương đại có hạn chế.

* Chịu "ngang" mức đầu tư, tại sao VN lại không nhận vai trò đạo diễn chính?

- Cần phải thừa nhận là "tay nghề", trình độ chuyên nghiệp và khả năng dàn dựng của các nhà làm phim Trung Quốc cao hơn ta. Tôi càng thấy rõ điều đó khi hợp tác với Trung Quốc làm phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong.

Mục đích làm phim của chúng tôi là để có người xem, là phát hành được tại Trung Quốc để khán giả nước này hiểu hơn về đất nước, con người VN đổi mới. Vậy thì tại sao không tận dụng triệt để thế mạnh của đối tác để làm phim hấp dẫn để phim không bị cất vào kho?

Đối tác đã mời đạo diễn Lý Vỹ từ Bắc Kinh về làm đạo diễn chính; quay phim chính của phim là "tay máy" nổi tiếng Vương Tiến Lực.

Về phía VN, vị trí đạo diễn thứ 2, chúng tôi đã "ngắm" Bùi Tuấn Dũng (đạo diễn phim Đường thư). Anh này còn trẻ, làm phim đầu tay rất có "gu"; tư duy làm phim hiện đại... Người trẻ làm phim về lớp trẻ, cho lớp trẻ... sẽ có nhiều thuận lợi vì không bị cách biệt về lối sống, quan niệm; cảm xúc...

* Ông có thể nói rõ hơn về bộ phim Hà Nội, Hà Nội?

- Mạch chính của phim là cuộc tìm kiếm người thân của một cô gái Trung Quốc mang trong mình một nửa dòng máu Việt. Hơn 30 năm trước, mẹ cô - một phụ nữ có nghề thuốc Bắc tại Hà Nội, đã yêu một người đàn ông VN làm công tại cửa hàng. Cuộc tình đến độ mặn nồng thì cô gái phải về Trung Quốc chịu tang cha. Vì muốn cậu con trai riêng của mình với người vợ đã khuất học được nghề thuốc, người đàn ông đã gửi con cho cô gái mang về Trung Quốc...

Nhưng cô gái đã để lạc cậu bé trước khi qua biên giới... 22 năm sau, cậu bé bị thất lạc năm xưa đã trở thành một lái xe từng trải trên tuyến đường Lào Cai - Hà Nội. Còn cô gái trẻ nọ... là kết quả mối tình của người đàn bà Trung Hoa với bố cậu lái xe năm xưa. Hai anh em cùng cha khác mẹ đồng hành trên chuyến xe từ Lào Cai về Hà Nội với rất nhiều tình huống bi, hài xảy ra...

Theo chặng đường chiếc xe đã đi, cuộc sống, con người, văn hóa VN, những phong cảnh đẹp nhất trên tuyến đường Lào Cai - Yên Bái - Quảng Ninh - Hà Nội... sẽ được "ôm trọn" vào khuôn hình... để đến với khán giả Trung Quốc.

* Nghe nói các ông định mời Triệu Vy vào vai nữ chính?

- Quan điểm của phía VN và đối tác Trung Quốc là diễn viên phải đẹp, diễn xuất giỏi. Nếu được Triệu Vy thì tốt quá, nhưng cát-sê 1 triệu Nhân dân tệ cho cô ấy thì chúng tôi không kham được. Vì thế, sẽ là người khác, nhưng đảm bảo tiêu chuẩn đẹp, ấn tượng và diễn xuất giỏi.

* Ông có vẻ rất tin vào sự thành công của phim này?

- KB hấp dẫn đầu tư thích đáng; đội ngũ làm phim chuyên nghiệp... đáng tin quá đi chứ.

* Vậy tại sao Hãng phim Hội Nhà văn chưa sẵn sàng khởi quay?

- Chúng tôi cần 3 tỷ để góp vốn. Có một đạo diễn VN đề nghị được góp 1,5 tỷ với điều kiện chỉ một mình anh ta làm đạo diễn phim này. Vì hiệu quả nghệ thuật phim, chúng tôi không chấp nhận. Một số hãng phim trong nước cũng bắn tin sẽ hợp tác... nhưng tiền thì vẫn chưa thấy.

Trong khi đó, đối tác Trung Quốc liên tục giục, vì họ đã mời đạo diễn, quay phim từ Bắc Kinh về Vân Nam, một ngày chờ là một ngày mất tiền trả cho nghệ sĩ. Hiện tại, chúng tôi đang chạy đôn đáo khắp nơi, sẽ cố gắng để phim có thể quay vào cuối tháng 11.

Theo Thể thao & Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên