Bài học thực tế từ game Flappy Bird
Có thể lần đầu tiên ở nước ta có một game do chính một bạn trẻ VN tạo ra lại gây sốt trong cộng đồng mạng thế giới đến vậy. Mà có lẽ cũng chính vì lần đầu tiên nên mới gây nhiều tranh cãi, làm xáo trộn phần nào cuộc sống mà ngay cả Nguyễn Hà Đông chắc cũng không thể hình dung hết khi bắt tay lập trình trò chơi này. Thích thú, tự hào, cả chút đố kỵ, ghen ghét và thậm chí là “bới lông tìm vết” là những điều đã được nói quá nhiều những ngày qua, ngay cả khi con chim đã... chết.
Điều có lẽ nên nói ở đây chính là thái độ tiếp cận, thừa nhận và cổ vũ cho cái mới. Còn nhớ khi đối thoại với đại biểu tại Đại hội Hội Sinh viên VN toàn quốc hồi cuối tháng 12-2013, chính Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã không ít lần nhắc đi nhắc lại với các đại diện của sinh viên cả nước: “Khi có một ý tưởng mới, xã hội hãy cổ vũ cho điều ấy, đừng quá khắt khe. Lớp trẻ phải đi đầu khơi dậy, cổ vũ cho cái mới”. Và động thái mới nhất mà vị phó thủ tướng ấy làm, như lời kêu gọi của chính ông, là gặp
Nguyễn Hà Đông để cổ vũ và khích lệ Đông hãy tiếp tục sáng tạo.
Trả lời chính thức về quan điểm của Hội LHTN VN, Chủ tịch Hội Phan Văn Mãi cũng khẳng định sự ủng hộ dành cho Đông. Nhưng sâu xa hơn, anh Mãi mong không ai khác mà chính mỗi bạn trẻ đừng quá e dè, xét nét, hãy xây dựng tinh thần chấp nhận và cổ vũ cho cái mới, sự sáng tạo như là tiền đề cho sự phát triển. Anh Mãi cũng nhắc đến hai chữ “mở lòng”, điều mà không phải tất cả nhưng có không ít bạn trẻ lỡ quên!
Ở đây, sự ủng hộ của ông phó thủ tướng hay chủ tịch Hội LHTN VN không còn nằm ở phạm vi của một trò chơi đóng dấu ấn của một bạn trẻ VN. Đấy còn là lời nhắc nhở mỗi chúng ta khi đứng trước nhiều biến cố, sự kiện xảy ra mỗi ngày. Sự ủng hộ đó hẳn sẽ không thể không khiến chúng ta, trước hết là mỗi người trẻ, có chút day dứt, nặng lòng bởi có thể trong một phút vô tình nào đấy, chính mình cũng đang góp viên đá chôn vùi một cái mới vừa le lói xuất hiện trong dòng chảy của cuộc sống.
Sáng tạo và đi đến cùng sáng tạo để hiện thực hóa điều ấy vào cuộc sống thực mới khó chứ vùi dập và phủ nhận thành quả của người khác lại là điều khá dễ dàng, nhất là trong thời buổi mà tâm lý đám đông, tư duy hùa theo số đông đang thịnh hành hiện nay.
Bài học từ câu chuyện của Nguyễn Hà Đông và game Flappy Bird đã một lần nữa nhắc mỗi chúng ta về điều ấy, một bài học về sự thừa nhận cái mới và cổ vũ cho sáng tạo. Mong là vậy!
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Game chấn động Flappy Bird có thể bị tác giả kết liễu?Flappy Bird “hớp hồn” thế giới, tác giả thu tiền tỉChàng trai Việt làm thế giới phát sốt với game di động Flappy BirdVì sao game gây chấn động Flappy Bird bị tác giả gỡ bỏ?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận