Phóng to |
Ðiều đáng giá của triển lãm này với người xem không phải chỉ là được thấy tận mắt những trang báo nổi danh theo từng giai đoạn, mà còn hình dung được một tiến trình phát triển của báo chí gắn với những biến đổi của bối cảnh văn hóa xã hội.
Chẳng hạn, có thể thấy từ tờ báo quốc ngữ đầu tiên (Gia Ðịnh Báo) ra đời năm 1865 đến năm 1931, những tờ nổi tiếng như Gia Ðịnh Báo, Ðăng Cổ Tùng Báo, Ðông Dương tạp chí, Trung Bắc Tân Văn, Nam Phong, Phụ Nữ Tân Văn, Tân Á tạp chí... vẫn còn đếm được trên đầu ngón tay thì từ những năm 1932 đến trước 1945 đã hình thành một đời sống báo chí sôi động, đánh dấu những chuyển động mạnh mẽ về văn học và tư tưởng, nơi lưu trữ nhiều kiệt tác văn học, nhiều tranh luận học thuật và văn chương của những nhà văn hóa tiên phong (An Nam tạp chí, Văn Học tạp chí, Phụ Nữ Tân Tiến, Phong Hóa, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Mai, Ngày Nay...).
Những tờ báo hướng tới độc giả chuyên biệt là phụ nữ, trẻ em, hay những báo ngành nghề như Người Săn Bắn Ðông Dương, Nghề Ruộng... cũng đem lại hình dung thú vị về một thời báo chí đã qua.
Những gợi mở của triển lãm này có lẽ sẽ đặc biệt hữu ích với người nghiên cứu văn chương và nghiên cứu quốc ngữ. Ý thức về quốc ngữ cũng chính là ý thức dân tộc, trước những ngã ba đường.
Báo chí - tiếng nói của công luận, của cộng đồng (chứ không hiện diện với tư cách cá nhân như văn chương) - rõ ràng chính là không gian sống động nhất của ngôn ngữ, do đó cũng chính là không gian có thể đặt ra những vấn đề về quốc ngữ. Những cuộc tranh luận về viết tiếng Việt, chữ Việt, giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt hiện nay vẫn là đề tài thường trực trên các báo.
Vấn đề báo chí quốc ngữ như một kênh đưa văn học tới toàn dân mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đặt ra tại buổi tọa đàm "Quá trình phát triển báo chí quốc ngữ giai đoạn 1865-1954" cũng là một mảng đất màu mỡ cho nghiên cứu văn chương Việt Nam. Sự tồn tại các tờ báo của các nhóm chủ trương khác nhau lúc ấy đã kích thích mạnh mẽ sự hình thành và phát triển của văn học - một điều khác biệt lớn với báo chí hiện nay. Ngay các báo văn chương ngày nay cũng không có được những sinh hoạt tích cực và thu hút sự quan tâm của công luận đến thế.
Trước những trang báo đã ngả ố, những trang báo mà hầu hết chỉ còn được điểm tên trong các bài viết về lịch sử báo chí, người ta bỗng vỡ lẽ: hóa ra cái tờ báo chứa thông - tin - nhật - dụng tưởng vô ích ngay sau khi đọc xong lại là nơi lưu giữ những chứng tích văn hóa, lưu giữ tiếng nói, chữ viết và cả đời sống tinh thần của một thời đã qua mà không thể không liên đới đến cái hôm nay...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận