Phóng to |
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (phải) bắt tay Tom Hanks trên thảm xanh TIFF 2013 - Ảnh: Trung Nghĩa |
LHP quốc tế Tokyo khai mạc trong sắc màu
Tại Tokyo ngày 18-10, đạo diễn Trần Khải Ca - trưởng ban giám khảo chấm 15 bộ phim tranh giải năm nay - đã nhắc lại câu nói của Tom Hanks trong bộ phim đoạt sáu giải Oscar năm 1994 Forrest Gump: “Cuộc sống giống như một hộp sôcôla, bạn không bao giờ biết những gì bạn sẽ nhận được. Làm phim giống như rọi một tia sáng vào bóng tối, bạn được miêu tả những cảm xúc, lời tuyên bố và đức hi sinh của con người”. Câu nói được nhắc lại đó càng hâm nóng bầu không khí của LHP.
Ban tổ chức LHP quốc tế Tokyo (TIFF) năm nay đã làm được một việc rất khó: biến thành hiện thực cú bắt tay ngoạn mục giữa một chính trị gia hàng đầu như Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và ngôi sao Hollywood hai lần đoạt giải Oscar Tom Hanks trên thảm xanh đặc trưng của LHP này (mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về môi trường xanh sạch).
Và bức ảnh khai mạc gồm thủ tướng, Tom Hanks, đạo diễn phim khai mạc Thuyền trưởng Phillips Paul Greengrass, hai đạo diễn Nhật kỳ cựu Koji Yakusho (Hồi ức một geisha) và Koki Mikitani (phim chiếu bế mạc The kiyosu conference) đứng bên nhau trong tiếng hô vang dội của hàng ngàn khán giả yêu điện ảnh vây quanh khu liên hợp văn hóa thương mại Roppongi Hills (nơi tổ chức LHP) hàm ý sự hậu thuẫn rất lớn cho “những người làm phim trẻ, tài năng” của Nhật, châu Á và thế giới.
Có mặt tại Tokyo, nhà báo Mark Schilling của tạp chí Variety đánh giá các phim tranh giải chính hoặc các phim ở hạng mục thể hiện “sức mạnh của điện ảnh ở châu Á”. Các phim được chú ý nhất phản ánh những vấn đề gai góc ở mỗi địa phương song cũng có thể là vấn đề mang tính toàn cầu. Ví dụ Ravi Kumar (Ấn Ðộ) với phim Cầu nguyện trời mưa miêu tả tai nạn ở một nhà máy hóa chất tại Ấn, Những kẻ bất chấp (Sakaki Hideo) khai thác rất sâu tâm lý một người đàn ông bất hạnh và chán đời, hay Sống và chết ở Ordos của nữ đạo diễn Trung Quốc Ning Ying nói về sự thay đổi ở một thành phố Mông Cổ với các mối quan hệ nam nữ, khoảng cách giàu nghèo, những lao động nhập cư và xung đột xã hội...
Trong bối cảnh đó, những ngày diễn ra TIFF chợt bật lên một thông điệp mạnh mẽ: muốn ăn quả phải trồng cây, muốn có phim hay hãy đầu tư cho các nhà làm phim trẻ. Trong cuộc họp báo, đạo diễn Trần Khải Ca - người đã làm phim 29 năm - chia sẻ: “Chúng ta đều hiểu rằng để làm ra những bộ phim hay đòi hỏi tài năng. Nhưng đôi khi tôi cảm thấy có điều gì đó còn quan trọng hơn tài năng, đó là sự thấu hiểu của một cá nhân về thế giới. Ðiều kỳ lạ là chúng ta chỉ thường bắt gặp sự thấu hiểu độc đáo về thế giới ở thời kỳ đầu tiên trong sự nghiệp các nhà làm phim. Ðó là lý do tại sao chúng tôi rất muốn quan tâm sát sao công việc của các nhà làm phim trẻ”.
Tân tổng giám đốc TIFF Yasushi Shiina cũng chia sẻ với các nhà báo quốc tế, trong đó có Tuổi Trẻ, rằng: “Sự thay đổi lớn nhất của TIFF năm nay có lẽ là chúng tôi thật sự tìm kiếm một con đường để hậu thuẫn các nhà làm phim độc lập để họ có thể tiếp tục làm phim ở Nhật lẫn thế giới”.
Giúp đỡ những nhà làm phim trẻ thể hiện được tài năng của họ, được công nhận rộng rãi và tiếp tục có nguồn cảm hứng làm phim tiếp là mục tiêu cốt lõi của TIFF. Và phải chăng đó mới là giá trị của một LHP chứ không phải chỉ đơn giản là chia giải đề huề?
Sự đa góc cạnh là điểm nhấn tại Tokyo năm nay khi các phim được chọn vào vòng tranh giải thưởng lớn “Tokyo Sakura” (trị giá 50.000 USD) có cả các phim đến từ Iran, Iceland, Gruzia hay Philippines. Hạng mục mới tinh tại TIFF “Tương lai châu Á” với giải thưởng trị giá 10.000 USD dành cho các phim đầu tay hoặc phim thứ nhì của các đạo diễn trẻ đang là niềm hi vọng trong giới làm phim lục địa như Kim Jung Hoon (Hàn Quốc) hay phim kinh dị Rigor Mortis của ngôi sao Hong Kong Mạch Tuấn Long. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận