07/04/2012 06:35 GMT+7

Mô hình quân sự mới của Mỹ tại Đông Nam Á

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Các thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ với Úc và Singapore là mô hình mới của chiến lược mở rộng sự hiện diện quân sự của Washington tại khu vực Đông Nam Á.

dDJT0w1J.jpgPhóng to
Những tàu chiến LCS như thế này sẽ được Mỹ luân phiên điều đến Singapore - Ảnh: MSC.Navy.mil

Mỹ đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á khi cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đang dần đến hồi kết. Đây là một phần trong chiến lược tập trung cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ mà Tổng thống Barack Obama đã công bố hồi năm 2011. Các thỏa thuận linh hoạt với Úc, Singapore và Philippines đang giúp Mỹ mở rộng tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á.

Trong quá khứ, Mỹ rất chú trọng đến việc thiết lập các căn cứ quân sự thường trực ở châu Á. Tại Philippines, từ sau Thế chiến 2 đến năm 1991, Mỹ từng có hai căn cứ chiến lược là căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic. Tương tự, Mỹ cũng có gần 20 căn cứ quân sự ở Nhật Bản. Tuy nhiên, việc duy trì các căn cứ quân sự này rất tốn kém và gây phản ứng tiêu cực từ phía người dân địa phương.

Mô hình mới cho sự hiện diện quân sự của Mỹ là tăng cường các cuộc tập trận chung với các quốc gia khu vực, luân chuyển binh sĩ, luân phiên đưa tàu chiến đến các nước tại khu vực và sử dụng các phương tiện tại các nước này... Cách làm này giúp Washington tránh phải thành lập các căn cứ quân sự riêng như trước đây.

Tại Úc, Mỹ đang triển khai kế hoạch hiện diện quân sự ở bốn địa điểm khác nhau. Căn cứ hải quân Úc ở Brisbane sẽ liên tục tiếp đón tàu chiến và tàu ngầm Mỹ. Căn cứ HMAS Stirling ở Perth sẽ đón tàu sân bay, tàu chiến và tàu ngầm Mỹ. Còn ở Darwin, 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ đóng quân thường trực. Trên quần đảo Cocos, Úc sẽ nâng cấp một sân bay để từ đó Mỹ triển khai máy bay do thám P-8 và Global Hawk đến các vùng biển châu Á, trong đó có biển Đông. Từ Úc, lực lượng Mỹ sẽ dễ dàng tiếp cận khu vực Đông Nam Á hơn.

Tại Singapore, như báo chí nước này đưa tin, trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng quốc phòng Singapore Ng Eng Hen ngày 4-4, hai bên đã đạt một thỏa thuận quân sự. Theo đó, hải quân Mỹ sẽ triển khai bốn tàu chiến LCS và máy bay tuần tra ở Singapore, tăng cường đưa tàu chiến đến nước này...

Còn tại Philippines, từ tháng 1-2012 các quan chức Mỹ và Philippines cũng đã thảo luận chiến lược hợp tác quân sự trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, quốc phòng... “Luân chuyển” và “thường xuyên” là những từ được các quan chức quân đội hai bên nhấn mạnh.

Cả Úc, Singapore và Philippines đều bác bỏ khả năng Mỹ thành lập căn cứ quân sự lâu dài và đóng quân tại lãnh thổ quốc gia mình.

Trước đây tại châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ luôn tập trung vào khu vực Đông Bắc Á. Nay trọng tâm của khu vực đang chuyển dần về phía Đông Nam Á. Tại cuộc họp ở Washington hôm 27-1, đô đốc Robert Willard thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương đã thừa nhận Mỹ đã “quá ưu tiên Đông Bắc Á. Giờ đây, áp lực của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương là triển khai và duy trì lực lượng ở Đông Nam Á và Nam Á”.

“Các sáng kiến do Úc và Singapore đưa ra giúp chúng tôi luân chuyển lực lượng từ các địa điểm gần Đông Nam Á hơn. Bộ tư lệnh Thái Bình Dương có cơ hội triển khai sự hiện diện tại đó mà không tốn kém quá nhiều chi phí duy trì. Mỹ không có tham vọng thành lập căn cứ quân sự ở Đông Nam Á” - đô đốc Willard nhấn mạnh.

Trước sự hiện diện quân sự mới này của Washington, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích chiến lược này là nhằm kiềm chế “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, như nước này thường nói. Thế nhưng, Trung Quốc hiện tranh chấp lãnh hải với rất nhiều nước châu Á từ Nhật, Hàn Quốc, Philippines cho đến VN trên ba vùng biển là Hoa Đông, Hoàng Hải và biển Đông.

Trang Asia Times dẫn lời một số nhà phân tích châu Á dự báo nếu Bắc Kinh xác định Mỹ không sẵn sàng can thiệp vào các tranh chấp khu vực, quân đội Trung Quốc sẽ mở các cuộc chiến tranh hạn chế, quy mô nhỏ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà các nước khu vực như Úc, Singapore, Philippines lại sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự và chào đón sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên