Vụ sản phụ tử vong: Công an Cam Ranh vào cuộcThêm sản phụ tử vong bất thường
Trước đó, Công an Cam Ranh nhận được đơn khiếu nại của chồng chị Hảo vào sáng 6-6.
Ngay trong ngày, Công an Cam Ranh giao bộ phận hình sự phân công điều tra viên thụ lý vụ việc.
Trong khi đó sáng 6-6, chánh thanh tra kiêm người phát ngôn Sở Y tế Khánh Hòa Lâm Quang Chứng cho biết thanh tra sở chưa vào cuộc, vì theo quy định trình tự về giải quyết khiếu nại tố cáo, Bệnh viện Cam Ranh (đối tượng bị khiếu nại) phải đứng ra giải quyết trước. Về thời hạn, Bệnh viện Cam Ranh có một tháng để giải quyết.
Theo đơn khiếu nại, chị Hảo vào Bệnh viện Đa khoa khu vực TP Cam Ranh sáng 31-5. Các bác sĩ khám và cho biết sức khỏe mẹ và thai nhi đều tốt, chỉ định mổ đẻ chủ động. 14g ngày 1-6 chị Hảo lên bàn mổ (BS Trần Lê Quốc Sơn, phó khoa phụ sản, phụ trách kíp mổ).
Cháu bé sinh khỏe mạnh. Riêng chị Hảo đến 17g cùng ngày chảy máu nhiều ở vết mổ, tụt huyết áp, chân tay lạnh, bầm tím. 22g cùng ngày, mổ lại lần 2 (BS Lê Quang Vinh, phó giám đốc bệnh viện, phụ trách kíp mổ), huy động người nhà tiếp 3 đơn vị máu nhưng máu vẫn chảy nhiều.
2g sáng 2-6, tiếp tục truyền máu, chị Hảo đã rất yếu, phải thở ôxy, sốt cao. Đến 17g ngày 2-6, chị Hảo sốt rất cao, bụng trướng lớn, hôn mê, được chuyển lên bệnh viện tỉnh ở TP Nha Trang (cách TP Cam Ranh 60km). Bệnh viện tỉnh cố cứu chữa nhưng không qua khỏi. Giấy báo tử đề nguyên nhân chết: “Choáng nhiễm trùng từ phổi, suy đa tạng, rối loạn đông máu, hậu phẫu mổ lấy thai”.
Theo lãnh đạo khoa phụ sản bệnh viện tỉnh, chị Hảo chết do lỗi của Bệnh viện Cam Ranh chuyển tuyến trên quá muộn, tiên lượng quá xấu, hội chẩn cho thấy không thể qua khỏi. Một bác sĩ phụ sản có chuyên môn cao của bệnh viện tỉnh cũng cho biết theo kinh nghiệm, trường hợp trên phải cắt tử cung để cầm máu, nhưng Bệnh viện Cam Ranh không cắt mà chỉ thắt các động mạch lớn.
Làm việc với báo chí, lãnh đạo Bệnh viện Cam Ranh phân trần tai biến sản khoa rất phức tạp và rất khó tránh. Xét nghiệm máu trước khi mổ lần này, các chỉ số cơ bản đều không có gì bất thường để có thể tiên liệu chứng rối loạn đông máu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận