TT - Việc các doanh nhân làm bóng đá thuyết phục được Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) bỏ mô hình ban tổ chức giải thay bằng mô hình điều hành bởi một công ty đã tạo nên làn sóng hồ hởi trong làng thể thao. Hôm qua, rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực thể thao đã gọi điện cho chúng tôi bày tỏ sự ủng hộ tinh thần đổi mới, bắt nguồn từ những gì đã diễn ra ở VFF.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - phó chủ tịch Liên đoàn Quần vợt VN, một tổ chức cũng đang có lắm vấn đề gần đây - bày tỏ: ”Theo dõi những gì đã diễn ra trong cuộc họp của các ông bầu bóng đá với VFF, tôi ước ao tinh thần đổi mới quyết liệt đó cũng sẽ đến với quần vợt. Chỉ tiếc quần vợt chưa có lực lượng mạnh như bóng đá nên chưa biết bao giờ mới có được bước ngoặt lịch sử”.
Tương tự, một chuyên gia trong lĩnh vực bóng chuyền cũng ước: ”Có không ít doanh nhân yêu thích bộ môn bóng chuyền nhưng sự trì trệ đã khiến nhiều người bỏ đi. Không biết đến bao giờ bóng chuyền mới có những doanh nhân quyết liệt như ông Kiên, ông Đức, ông Thắng bên bóng đá. Phải mạnh mẽ như thế mới đập vỡ được chiếc áo cũ kỹ làm xơ cứng liên đoàn nhiều năm nay”.
Tuy nhiên, cũng có người bày tỏ sự hoài nghi: ”Không hiểu khi thành lập công ty, các đội bóng trở thành cổ đông, khi ấy với đội rớt hạng thì sao? Họ không chịu chuyển nhượng cổ phần lại cho đội lên hạng thì thế nào? Theo Luật doanh nghiệp, làm sao ép cổ đông phải nhượng lại cho người khác được? Hoặc giả nếu nhượng nhưng họ đòi giá trên trời thì tính sao?”.
Ông Võ Quốc Thắng giải tỏa thắc mắc này như sau: ”Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp ra đời không đặt mục đích kiếm tiền lên hàng đầu mà mục tiêu chính là điều hành minh bạch để hướng đến việc có những giải đấu trong sáng, hấp dẫn. Từ đó mới hi vọng bóng đá VN phát triển mạnh mẽ. Trên tinh thần đó, những người tham gia sẽ ký đồng ý với điều lệ của công ty: nếu đội bóng của mình xuống hạng, cổ phần phải nhượng lại cho đội lên hạng bằng giá gốc. Sẽ có nhiều chuyện phức tạp nho nhỏ khác nữa nhưng chúng tôi, với kinh nghiệm điều hành các doanh nghiệp quy mô lớn, cam kết sẽ giải quyết tốt đẹp”.
Ông Thắng cũng cho biết hiện tại nhóm các doanh nhân làm bóng đá đã bắt tay soạn thảo chi tiết đề án thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN. Sau đó sẽ gửi đến tất cả đội bóng, lãnh đạo VFF để mọi người cùng góp ý trên tinh thần dân chủ, công khai và minh bạch.
Nhà báo Vũ Công Lập đã có lý khi cho rằng ”có thể lệch trái một tí, lệch phải một tí” nhưng cơ bản đã có chuyển động. Và có chuyển động thì mới hi vọng bóng đá VN sẽ dịch chuyển và tìm ra con đường đi đúng.
Người mở đường bao giờ cũng khó khăn, chúng ta hãy cùng chúc cho các doanh nhân thành công.
TRƯỜNG HUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận