18/02/2012 09:27 GMT+7

Mở đất từ bãi bồi lấn biển - Kỳ 4: Giữ bãi đến cùng

QUỐC VIỆT - ĐỨC BÌNH
QUỐC VIỆT - ĐỨC BÌNH

TT - Ông Phan Văn Chấn gửi đơn lên Đài Tiếng nói VN, rồi ra cột điện treo loa của xã, chờ đài phát để thu âm luật sư trả lời việc thu hồi bãi của mình đúng hay không.

Những đêm lo lắng mất ngủ, ông ngồi lặng viết nhật ký bằng chính những vần thơ chân chất nhưng quay quắt nỗi lòng của người nông dân trước nguy cơ mất đất: Loại kẻ cuồng điên phá bãi ngao/Mười tám buổi đài loa rêu rao/Phải phá tan tành, cấm nuôi ngao/Mười sáu hộ dân rất xôn xao/Tiền vốn vay thuê tốn biết bao/Bị phá thì nên đành chết sớm/Sống thì gia cảnh sẽ ra sao...

Kỳ 1:Cha, con và “cuộc chiến” lấn biển...Kỳ 2:Bàn tay tóe máuKỳ 3:Nước mắt của biển

I1dmcb3C.jpgPhóng to
Ông Phan Văn Chấn: “Theo dõi vụ Tiên Lãng, tôi thấy mình cũng suýt bị dồn nén cùng đường như vậy!” - Ảnh: Q.V.

Không thể cùng... nghèo hết!

Cách đây đúng 16 năm, một buổi sáng mùa đông năm 1996, ông Phan Văn Chấn cùng các con vác sào tre, lưới cuộn ra biển xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, Thái Bình, quây đất bãi bồi. Trước đó, bãi biển được bồi đắp bằng phù sa cửa Ba Lạt, sông Hồng này vẫn còn bỏ hoang. Người dân chỉ mày mò ra đây tìm kiếm tự nhiên, thấy con gì bắt con đó. May mắn có buổi họ đổi được vài cân gạo, lắm hôm chỉ lấm bùn mà về giỏ không. Ở trong làng, dân Đông Minh vẫn quay quắt nghèo với mảnh ruộng chật hẹp nhiễm chua mặn và đồng muối khét nắng. Nhà ông Chấn cũng từng nhiều đời làm muối. Ký ức về gia đình làm diêm dân, ông Chấn chua xót kể: “Nhiều vụ 20 cân muối đổi một cân gạo, thế mà vẫn chẳng ai chịu đổi. Tôi còng lưng bên những đống muối cao ngót đầu mà cay đắng nhìn con mình phải ăn cơm độn, húp cháo loãng cầm hơi!”.

Sau đổi mới, những năm đầu thập niên 1990, người dân duyên hải các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh ùa ra bãi bồi. Họ tiến ra biển vì chén cơm manh áo, vì hi vọng thoát đói nghèo. Nhưng lý do quan trọng nhất là chính sách đã “mở cửa” cho kinh tế tư nhân, không còn cảnh người người cầm cuốc núp bóng nhau trên cánh đồng tập thể và động tay động chân theo hiệu lệnh kẻng nữa. Chứng kiến sự đổi thay sinh tử này, cha con ông Chấn mừng lắm. Nhiều buổi vẫn còn ngồi bên mâm cơm độn sắn nhưng ông nói với các con: “Bố tin mai này chén cơm các con sẽ đầy hơn. Dân mình đã đói rét, nghèo khổ lâu rồi, chẳng lẽ cứ lầm lũi mãi sao”. Tuy nhiên, cuộc tiến ra bãi bồi của người dân Đông Minh có phần rời rạc và chậm hơn các địa phương khác. Nhiều lý do, nhưng trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là có quan điểm cứ để bãi hoang tự nhiên cho ai cũng được ra nhặt, lượm.

Mùa đông năm 1996, ông Chấn quyết định tiến ra bãi cũng là lúc đã bạc đầu ở tuổi 64. Thời kỳ này chính sách bãi bồi khá thoáng. Ai có chí, có sức, đủ vốn cứ làm. Địa phương xem xét giao đất. Cha con ông Chấn lặn ngụp trên bãi đúng bảy ngày thì quây được 13ha. Phương tiện làm bãi chủ yếu chỉ có cọc tre và lưới. Nhưng cứ 5m cắm một cọc tre quây lưới nên họ cũng tốn nhiều tiền bạc. Đến giờ ông Chấn vẫn chưa quên chuyện mình ngửa tay đi vay mượn thế nào: “Lúc ấy đã có gì thế chấp để gõ cửa ngân hàng. Còn đi vay nóng bà con bên ngoài, có người hỏi vặn tôi: tiền bạc mà ông đem vứt xuống biển thì lấy gì trả? Tôi phải đem cả ông bà tổ tiên nhà mình ra thề thốt họ mới cho vay”.

Là một trong những người hiếm hoi đi đầu trên bãi bồi Đông Minh, ông Chấn gặp rất nhiều trắc trở. Ban đầu ông chỉ nuôi nghêu đỏ tự nhiên của bãi biển. Sản phẩm thu được chẳng đáng bao nhiêu, bán ra cũng chẳng mấy người mua. Nhiều ngày ông thuê nhân công đi khai thác, rồi về tính lại thấy mình còn lỗ cả tiền công! Tuổi già mất ngủ, làm ăn lận đận lại càng quay quắt khó ngủ. Nhiều đêm ông nằm ôm radio tới sáng. Một đêm, bất ngờ ông nghe đài phát phóng sự về mô hình nuôi nghêu trắng rất thành công ở Bến Tre. Hất tung chăn màn, ông bật dậy nói với các con: “Chuẩn bị cho bố vào Bến Tre mua con giống ngay”. Các con trố mắt nhìn ông, nhưng họ biết ông đã quyết rồi thì khó thay đổi.

Hôm vào Nam, không chỉ có ông mà còn cả con trai và người em. Họ đi bằng xe đò cho tiết kiệm, nhưng quay ra bằng máy bay để chở nhanh nghêu giống Bến Tre khỏi chết ngạt. Ông Chấn nhớ chính tay họ cẩn thận xúc nghêu giống biển Nam đưa ra bãi Bắc. Máy bay vừa xuống Nội Bài, lại thuê ngay một chiếc xe chạy tốc hành về Thái Bình để kịp thả nuôi nghêu giống còn sống.

Mất bãi thì còn đường chết

Vụ nuôi nghêu Bến Tre đầu tiên ở bãi Đông Minh, cha con ông Chấn trúng đậm. Nhưng chưa kịp vui thì mấy vụ sau ông Chấn lại trắng tay. Lý do là sau chuyến vào Nam trực tiếp lấy giống, các chuyến sau họ đặt hàng qua điện thoại. Có thùng nghêu giống tốt, nhưng nhiều thùng kém chất lượng, nhất là nghêu bị ướp đá khi thả xuống bãi không sống nổi. “Có vụ đi qua bãi nuôi phải bịt mũi vì nghêu chết thối nồng nặc. Chúng tôi lại bấm bụng thuê người vét nghêu chết làm sạch bãi để nuôi mới”- ông Chấn nói và cho biết thanh toán xong tiền công dọn nghêu chết, họ lại thấy mình mắc nợ. Lúc này cũng không còn đường lùi. Mồ hôi, nước mắt, nợ nần chồng chất. Nếu lùi bước, họ không bỏ nhà đi biệt xứ thì chỉ còn lao đầu xuống biển tự tử!

Lại vật vã làm lại từ đầu, lại phập phồng mất ăn mất ngủ... Ông Chấn kể nhiều lần cha con ông đã suýt bỏ mạng ngoài biển vì cố quây bao bãi chắn bão. Sóng cuồn cuộn như quăng quật họ ra biển. May là họ kịp ôm lấy mấy cọc sào và quyết không tuột ra dù bàn tay bật máu! Sau cơn bão, bãi nghêu lại tan hoang, mất trắng vì sóng gió cuốn hết ra biển không thu hoạch được.

Tuy nhiên, cú sốc lớn nhất trong hành trình chinh phục bãi bồi của cha con ông Chấn không phải là thất bát, cũng không phải bão tố mà chính là con người. Ông trầm giọng kể khi bãi nghêu Đông Minh vừa ổn định thì bất ngờ địa phương báo sẽ thu hồi bãi. Trời quang mây tạnh mà ông thấy như cuồng phong ập xuống đầu. Được khuyến khích ra làm kinh tế trên bãi hoang, ông đã vay hàng tỉ đồng bỏ xuống. Mồ hôi, nước mắt cha con ông đã hòa cùng nước biển mặn đắng! Thu hồi đột ngột như thế là đưa ông đến đường cùng rồi!

Trong lúc nhiều ngày liền xã phát loa thu hồi bãi bồi, ông Chấn lọc cọc đạp xe lên xã, rồi lên huyện, tỉnh để hỏi ra lẽ. Ông hỏi thẳng: “Tại sao thu hồi bãi?”. Có người trả lời: “Để hoang tự nhiên cho mọi người cùng được khai thác”. Biết có thể còn những lý do bên trong nhưng ông nói thẳng: “Dù có để tự nhiên thật thì cũng trái chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước rồi. Các anh là lãnh đạo mà muốn dân cứ giẫm chân lên nhau, nghèo khổ mãi sao!”.

Không ai trả lời ông! Về nhà ông làm đơn, kêu gọi 23 hộ dân khác cùng ký đơn xin được tiếp tục giao đất. Để nắm vững luật, ông còn gửi đơn lên Đài Tiếng nói VN nhờ trả lời thắc mắc về Luật đất đai và thu âm cả bài trả lời của đài cũng như quyết định thu hồi đất được phát lên loa xã. Nhiều đêm ông nghẹn giọng nói với các con: “Có gì các con nhớ ngày thu hồi đất chính là ngày giỗ bố!”. Cũng may là cuộc khiếu nại kiên trì của ông đã chiến thắng. Chủ trương thu hồi bãi được dừng lại để mọi người tiếp tục yên tâm sản xuất.

Đứng trước biển ông tâm sự với chúng tôi: “Theo dõi vụ Tiên Lãng tôi thấy mình cũng suýt bị dồn nén cùng đường như vậy. Rất mừng là chính quyền địa phương quê tôi đã kịp sửa đổi quyết định hợp lòng dân”...

----------------------------------------------------------

Có người đã kiệt sức khi đổ mồ hôi, nước mắt quai đê lấn biển và họ đã thành công. Trong số báo tiếp theo, mời bạn đón đọc một câu chuyện như thế từ Nam Định.

Kỳ tới: Mồ hôi, nước mắt và nụ cười

QUỐC VIỆT - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên