Mố cầu Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) bị xói lở, sụt lún nghiêm trọng - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Theo kết quả kiểm tra mới nhất tại hiện trường cầu Hàm Rồng (thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) của Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa, tình trạng xói lở, sụt lún nghiêm trọng tại vị trí móng, mố phía nam cầu Hàm Rồng bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 9 và diễn biến phức tạp từ tháng 11 đến nay.
Phần mố cầu và nhiều hạng mục phía hạ lưu cầu Hàm Rồng đã và đang bị xói lở nặng. Tổng chiều dài sạt lở liên quan trực tiếp đến cầu Hàm Rồng là 25m, sâu từ 0,7-1,2m.
Nhiều vết nứt quanh khu vực mố cầu kéo dài từ 12-13,5m, rộng 0,5-0,6m. Vị trí tiếp giáp giữa mặt cầu và đường đầu cầu bị tụt hàm ếch, nguy cơ làm gãy bản giảm tải, gây mất an toàn cho các phương tiện khi lưu thông qua cầu này.
Nguyên nhân gây ra tình trạng xói lở được cơ quan chức năng nhận định là do ảnh hưởng của đợt mưa lũ hồi tháng 9 và tháng 10-2018.
Vào thời điểm trên, mưa lũ từ thượng nguồn sông Mã kéo dài đổ về, gây nước xoáy vào mố cầu và dòng chảy mạnh thúc vào làm mố phía nam và phía hạ lưu cầu Hàm Rồng bị xói lở nặng, làm gãy chân khay của mố cầu, gây sụt lún, nứt lớn tại khu vực này.
Ông Hoàng Gia Khánh, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Thanh Hóa, cho biết những ngày qua công ty đã xử lý bằng cách thả rọ đá bao quanh mố cầu Hàm Rồng để chống sạt lở có thể lan rộng, kè lát mái chống xói lở bờ sông hai bên để bảo vệ mố cầu này.
Cơ quan chức năng đã báo cáo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị cho phép xử lý khẩn cấp tại khu vực đang bị xói lở, sụt lún ở mố phía nam cầu Hàm Rồng, nhằm đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt Bắc - Nam và đường bộ qua cầu Hàm Rồng.
Một hạng mục của cầu Hàm Rồng bị hư hỏng, xuống cấp - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, cầu Hàm Rồng (cũ) do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Cầu này bị phá hủy năm 1946, đến năm 1962 mới được khởi công xây dựng lại, khánh thành ngày 19-5-1964.
Cầu Hàm Rồng mới gồm hai nhịp dầm thép, giữa cầu là đường sắt, hai bên là đường dành cho các phương tiện giao thông khác gồm: ôtô, xe máy, xe đạp, xe kéo, người đi bộ…
Sau khi cầu Hoàng Long bắc qua sông Mã nằm trên quốc lộ 1A đưa vào sử dụng tháng 12-2000, cầu Hàm Rồng chỉ dành cho tuyến đường sắt và đường bộ nội thành phố Thanh Hóa.
Hiện nay cầu Hàm Rồng là cầu đường sắt duy nhất bắc qua sông Mã, là di tích lịch sử, điểm tham quan của du khách mỗi khi đến tỉnh Thanh Hóa.
Cơ quan chức năng đánh dấu vị trí sụt lún tại cầu Hàm Rồng - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Một hạng mục trên cầu Hàm Rồng bị hư hỏng nặng - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận