23/07/2010 06:40 GMT+7

Miếng rửa chén triệu USD

BẠCH HOÀN
BẠCH HOÀN

TT - Miếng rửa chén, miếng chùi xoong nồi... dù là mặt hàng đơn giản, trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được nhưng cũng đang góp phần vào con số nhập siêu. Chỉ trong một thời gian ngắn mặt hàng này đã được nhập khẩu ồ ạt và tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước.

Zrs1nAnR.jpgPhóng to
Miếng rửa chén nhập từ Trung Quốc được bán tại siêu thị Big C, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ảnh chụp ngày 18-7) - Ảnh: H.T.Vân

Kỳ 1: Mua tăm tre từ Trung Quốc Kỳ 2: Nấm ngoại tung hoànhKỳ 3:Chi hàng triệu USD nhập cám gạo

Các nhà nhập khẩu ước tính mỗi năm VN chi không dưới 10 triệu USD để nhập miếng rửa chén, miếng chùi xoong nồi.

59 triệu USD

Đó là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng rau quả từ Trung Quốc vào VN trong sáu tháng đầu năm 2010. Theo Tổng cục Hải quan VN, đứng sau Trung Quốc là Thái Lan với kim ngạch nhập khẩu 21,2 triệu USD, tiếp đến là Mỹ với kim ngạch 12,77 triệu USD.

B.HOÀN

Toàn hàng ngoại

Khảo sát tại các chợ bán lẻ, siêu thị trên địa bàn TP.HCM cho thấy miếng rửa chén, chùi xoong nồi là mặt hàng có sức tiêu thụ lớn. Tại siêu thị Metro An Phú (Q.2), gần như toàn bộ mặt hàng này đều là hàng nhập ngoại, xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Trong khi đó, tại dãy hàng bán đồ tiêu dùng, nhà bếp của siêu thị Maximark, trong tổng số 27 ngăn bày bán các loại mút, miếng rửa chén, chùi xoong nồi, hàng sản xuất trong nước chỉ lác đác trên hai ngăn.

Hiện miếng rửa chén xuất xứ Trung Quốc gần như chiếm 80% thị phần hàng nhập khẩu. Các sản phẩm ngoại nhập rất đa dạng về kích cỡ và chất liệu. Đặc biệt, sản phẩm nhập từ Trung Quốc được chia thành ba nhóm với ba mức giá khác nhau, loại nhỏ 3.000-4.000 đồng/miếng, loại trung bình 7.000-8.000 đồng/miếng và loại lớn 11.000-12.000 đồng/miếng.

Ngoài ra, còn có loại cao cấp 20.000-26.000 đồng/miếng. Tương tự, sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng chủ yếu có giá trên 20.000 đồng/miếng. Mỗi miếng mút được bọc trong một túi nilông có in nhãn mác, xuất xứ.

Tuy không phải là mặt hàng thiết yếu trong đời sống tiêu dùng nhưng mút rửa chén, chùi xoong nồi lại có đối tượng tiêu dùng lớn, gần như bếp ăn gia đình nào cũng sử dụng những sản phẩm này.

Chị Thanh Lan, bán hàng tại chợ An Khánh (Q.2), cho biết các mặt hàng tiêu dùng bán tại sạp của chị (trong đó có mút rửa chén, miếng chùi xoong nồi) đều không phải lấy hàng ở đâu xa, tất cả đều có các đầu mối bỏ sỉ mang đến tận nơi. “Gần ba năm bán hàng tạp hóa nhưng tôi chưa bao giờ thấy đầu mối bỏ sỉ đem đến mút rửa chén do VN mình làm cả. Hầu hết là hàng Trung Quốc”, chị Lan cho biết.

Theo chị Lan, từ đầu năm đến nay giá mút rửa chén tăng thêm khoảng 500 đồng/miếng loại nhỏ và 1.000-1.500 đồng/miếng loại lớn. Tuy nhiên, dù tăng giá các bà nội trợ vẫn phải mua vì không có nhiều lựa chọn.

Không chỉ nhận hàng trực tiếp tại sạp, theo các tiểu thương kinh doanh hàng tạp hóa tại các chợ Tân Định (Q.1), Tân Thuận (Q.7)... người bán lẻ còn có thể lấy hàng tại chợ An Đông (Q.5).

Bất ngờ với kim ngạch nhập khẩu

Dù được nhập khẩu ồ ạt nhưng mặt hàng này dường như ít được cơ quan quản lý hàng xuất nhập khẩu chú ý. Mới đây, một cán bộ lãnh đạo ngành hải quan TP.HCM đã giật mình khi xem thống kê mới biết mặt hàng này có kim ngạch nhập khẩu khá lớn.

Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (nơi đang chiếm 81% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu về khu vực TP.HCM), từ đầu năm 2010 đến nay kim ngạch nhập khẩu miếng rửa chén, chùi xoong nồi thông quan qua cảng Cát Lái (Q.2) đã lên tới 5,73 triệu USD.

Với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, ước tính mỗi năm VN phải bỏ ra không dưới 10 triệu USD để mua miếng chùi xoong nồi. Một cán bộ lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu chủ yếu, trong đó hàng Trung Quốc chiếm đa số.

Hiện mức thuế đối với mặt hàng là 31% thuế nhập khẩu và 10% thuế giá trị gia tăng.

Bút Trung Quốc, bì thư Thái Lan...

Theo thống kê từ hải quan cảng Cát Lái, từ đầu năm đến nay có gần 13,8 triệu sản phẩm văn phòng phẩm, gồm bút viết, bút chì, thước kẻ, bì thư, vở, sổ ghi chép, tẩy... được thông quan qua cảng, chủ yếu từ hai thị trường lớn là Trung Quốc và Thái Lan.

Lãnh đạo hải quan cảng Cát Lái khẳng định các mức thuế đối với hàng văn phòng phẩm nhập khẩu có thể “hỗ trợ” được hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu lại cho rằng hàng Trung Quốc và Thái Lan có thể vượt qua rào cản thuế nhờ ưu thế mẫu mã đẹp và tiện dụng.

Hiện thuế nhập khẩu thấp nhất của nhóm này là 20%, cao nhất 27%, cộng với 10% thuế giá trị gia tăng nhưng hàng văn phòng phẩm từ Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh thị trường.

Tại các nhà sách, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, mặt hàng sổ ghi chép, bút chì, bì thư... nhập khẩu bán ở giá tương đương hoặc cao hơn hàng trong nước 5-10% tùy mặt hàng.

Kỳ tới: Nhà sản xuất trong nước lên tiếng

BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên