Nhập khẩu “hàng lạ”
Phóng to |
Nhiều bà nội trợ chọn mua mặt hàng này thay vì mua tăm sản xuất trong nước như trước đây. Sự có mặt của tăm tre nhập khẩu với các lợi thế về hình thức, bao bì, giá cả... đang dần lấn át mặt hàng tăm sản xuất trong nước.
Tăng gấp 6 lần
"Trong khi tiểu thương mua tăm trong nước về bán lẻ chỉ lời được 20% thì bán tăm nhập khẩu có thể lời tới 50%. Do đó, nhiều tiểu thương đã chuyển sang bán hàng nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay, lượng tăm tiêu thụ của công ty chỉ đạt 60-70% chỉ tiêu đặt ra" |
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tăm tre là mặt hàng mới xuất hiện trong danh mục hàng nhập khẩu về qua cảng Cát Lái (Q.2, TP.HCM). Tuy nhiên, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay lượng tăm tre nhập về từ nhiều nước đã lên đến 714 tấn, kim ngạch tương đương 99.679 USD.
Đáng chú ý, từ cuối tháng 5 đến nay mặt hàng này được nhập về dồn dập. Chỉ riêng lượng hàng về trong tháng 6-2010 đã nhiều hơn gấp sáu lần so với toàn bộ hàng về trong năm tháng trước đó. Theo các nhà nhập khẩu, phần lớn mặt hàng tăm tre nhập có xuất xứ Trung Quốc đại lục và Đài Loan. Chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, tăm tre nhập khẩu từ Trung Quốc về TP.HCM khoảng 286 tấn, trị giá gần 40.000 USD.
Anh Trần Văn Phước, chuyên nhập khẩu và kinh doanh mặt hàng tăm tre ở TP.HCM, cho biết giá tăm tre nhập khẩu rẻ hơn nhiều so với tăm tre sản xuất trong nước. Hiện giá mặt hàng này khoảng 2,6 triệu đồng/tấn (chưa có thuế), chỉ bằng một nửa giá tăm trong nước. Do giá rẻ nên nhiều tiểu thương chọn tăm nhập khẩu thay vì bán tăm tre sản xuất trong nước.
Cũng theo anh Phước, giá tăm nhập khẩu từ hai thị trường lớn là Trung Quốc đại lục và Đài Loan tương đương nhau. Một số thời điểm, giá tăm Đài Loan cao hơn tăm Trung Quốc 70.000-100.000 đồng/tấn. Tuy vậy, hàng Trung Quốc lại có lợi thế hơn do thuế nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc là 10%, trong khi Đài Loan tới 25%.
Xâm nhập chợ, siêu thị
Công ty BT (TP.HCM) chuyên nhập khẩu tăm tre cho biết đa số hàng nhập về được bán tại siêu thị, các cửa hàng, chợ bán lẻ trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, khách hàng của công ty này còn ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An... thậm chí hàng còn được chuyển ra các tỉnh miền Trung. Lượng hàng bán ra khoảng 30-35 tấn/ tháng.
Khảo sát trên thị trường TP.HCM cho thấy tăm tre nhập khẩu được bán ở cả chợ và siêu thị. Ngay khu vực Q.Phú Nhuận, TP.HCM, nhiều cửa hàng tạp hóa trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Huỳnh Văn Bánh, chợ Phú Nhuận... đều có bán tăm tre Trung Quốc với giá 3.500 đồng/bịch. Chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Nguyễn Văn Trỗi cho biết đối tượng tiêu thụ mặt hàng này đa số là người tiêu dùng trong nước. Rất nhiều bà nội trợ thường xuyên mua tăm Trung Quốc về sử dụng.
Tại siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM), tăm tre Trung Quốc được đóng gói giá 3.900 đồng/gói. Tại chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp, TP.HCM), tăm Đài Loan cũng được đóng trong các hộp nhựa bóng, giá bán 6.000 đồng/hộp. Theo các tiểu thương, so với tăm tre Việt, giá bán lẻ tăm nhập khẩu không có chênh lệch lớn.
Phóng to |
Đũa nhập khẩu từ Trung Quốc bày bán tại siêu thị Big C, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: H.T.V. |
Mất thị phần vì hàng ngoại
Đũa tre, rổ tre... nhập khẩu tràn ngập Tại thị trường TP.HCM, các mặt hàng như đũa tre, rổ tre, lồng hấp làm bằng tre... nhập khẩu từ Trung Quốc cũng đang được bày bán tràn ngập, không chỉ tại siêu thị mà ở khắp các chợ, cửa hàng bán lẻ. Tại siêu thị Metro An Phú (Q.2, TP.HCM), Big C Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận)... mặt hàng đũa tre nhập khẩu từ Trung Quốc được bán phổ biến với mức giá tương đương đũa tre VN. Tại các chợ bán lẻ như chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chợ Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) và nhiều cửa hàng tạp hóa ở Q.2, Q.Gò Vấp... đũa tre nhập khẩu bán với giá 11.000-12.000 đồng/bịch năm đôi. |
Lượng tăm nhập khẩu về nhiều đã ảnh hưởng khá tiêu cực đến hoạt động sản xuất của các cơ sở làm tăm tre trong nước. Theo ông Vũ Ngọc Quỳnh, giám đốc chi nhánh TP.HCM Công ty tăm tre Á Đông - đơn vị sản xuất tăm tre cung cấp tại nhiều siêu thị và cửa hàng bán lẻ ở Hà Nội và TP.HCM, do giá tăm tre nhập khẩu rẻ hơn tăm tre trong nước nên đã ảnh hưởng nặng nề đến lượng tiêu thụ của doanh nghiệp.
Tương tự, một cơ sở sản xuất tăm tre tại TP.HCM cho hay khoảng nửa năm trở lại đây - từ khi có tăm tre nhập khẩu - cơ sở này đã mất một số mối giao hàng. Lượng hàng bán ra giảm 20% so với trước đó.
Khảo sát thị trường tăm tre trên địa bàn TP.HCM cho thấy tại siêu thị, tăm nhập khẩu từ Trung Quốc được đóng trong các bịch nhỏ, bao bì in chữ Trung Quốc. Bên ngoài dán thêm nhãn phụ bằng tiếng Việt, ghi tên nhà nhập khẩu. Khác với hàng sản xuất trong nước thường làm nhọn hai đầu, đa số tăm nhập khẩu chỉ làm nhọn một đầu, đầu còn lại vót tròn, để bằng và có khắc một số nét hoa văn trang trí. Nhìn bề ngoài tăm nhập khẩu mang lại cảm giác “hàng cao cấp” hơn hẳn tăm sản xuất trong nước.
Chị Hằng Nga, khách hàng tại siêu thị Maximark Cộng Hòa, cho hay thường mua tăm tre nhập khẩu. “Tôi dùng quen nên thấy cây tăm cứng, không hay gãy như tăm nhọn hai đầu. Hơn nữa, tăm được đóng trong bọc nhỏ, vừa dùng” - chị Nga giải thích lý do chọn tăm ngoại thay vì mua tăm nội. Trong khi đó, tăm Trung Quốc bán tại cửa hàng tạp hóa và chợ lại có giá bình dân hơn, khoảng 3.500 đồng/bịch (số lượng gấp đôi so với loại bán tại siêu thị). Loại tăm này được vót nhọn hai đầu, không có sự khác biệt so với tăm trong nước. Tuy nhiên, giá bán chỉ bằng 70-80% tăm nội.
Theo các đầu mối chuyên nhập khẩu tăm tre từ Trung Quốc và Đài Loan, không chỉ nhập khẩu tăm tre tiêu dùng (xỉa răng), mà các loại tăm dài 10-15cm các gia đình vẫn thường mua về để ăn trái cây hoặc sử dụng trong quá trình nấu ăn... cũng được nhập về khá nhiều. Đáng chú ý, loại tăm bằng tre dài, chỉ cần chẻ nhỏ, để thô, dùng làm nhang cũng đang được nhập về VN với số lượng lớn.
Công ty ĐTTH (TP.HCM) - nhà nhập khẩu tăm nhang - cho biết mặt hàng này được sử dụng rộng rãi khắp từ Bắc đến Nam, hầu hết có xuất xứ Trung Quốc. Mặt hàng này được bán theo phương thức người mua đặt hàng trước rồi nhà nhập khẩu mới chuyển hàng về.
Kỳ 2: Nấm ngoại “đánh bại” nấm nội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận