22/07/2010 08:19 GMT+7

Chi hàng triệu USD nhập cám gạo

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Ít ai nghĩ rằng nước ta mỗi năm sản xuất trên 35 triệu tấn lúa, lại phải nhập khẩu hàng ngàn tấn cám gạo để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

fP8gIYgd.jpgPhóng to
Cám gạo Ấn Độ được nhập về kho Công ty TNHH chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc Thanh Bình (Đồng Nai) - Ảnh: TRẦN MẠNH

Kỳ 1: Mua tăm tre từ Trung QuốcKỳ 2: Nấm ngoại tung hoành

Hiện tại cám nguyên liệu, đặc biệt là cám gạo, không phải là mặt hàng chính trong cơ cấu nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi truyền thống của VN, bởi chỉ chiếm gần 1% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2009. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã tăng đột biến trong hơn hai năm qua.

Theo số liệu của cơ quan hải quan, trong năm tháng đầu năm 2010 lượng cám gạo nhập khẩu trên 6.000 tấn với kim ngạch trên 10 triệu USD, tăng 170% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ, chiếm 80-90% tỉ trọng trong cơ cấu nhập khẩu.

Theo các nhà nhập khẩu, giá cám nhập khá rẻ so với cám trong nước. Chính vì vậy, thị trường cám gạo nhập khẩu trong nước trở nên sôi động với hàng chục nhà nhập khẩu lớn và hàng trăm nhà buôn nhỏ trên khắp cả nước. Ngay cả những công ty môi giới nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nước ngoài mới đây cũng bổ sung mặt hàng cám gạo tại thị trường VN.

“Bên tôi đang cung cấp cám gạo từ Ấn Độ với giá 167 USD/tấn theo phương thức CNF (người bán thuê tàu) với số lượng lớn” - nhân viên kinh doanh của một công ty Ấn Độ tại TP.HCM cho biết.

Ông Phạm Đức Bình, tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình (Đồng Nai), kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, thừa nhận các doanh nghiệp VN ngày càng nhập khẩu nhiều cám gạo từ nước ngoài do giá bán rẻ hơn cám gạo trong nước.

“Các nhà cung cấp Ấn Độ đang chào hàng công ty tôi giá cám gạo là 155 USD/tấn theo hình thức CNF. Mặt hàng này không bị thuế nhập khẩu, chỉ chịu 5% VAT, cộng chi phí cảng, vận chuyển thì giá về đến kho cũng chỉ ở mức 3.300 đồng/kg, thấp hơn khá nhiều so với giá cám trong nước đang ở mức 4.050 đồng/kg” - ông Bình tính toán.

Theo ông Phạm Đức Bình, không chỉ giá rẻ, chất lượng cám gạo nhập khẩu cũng không thua kém hàng trong nước, thậm chí còn tốt hơn. Bởi vì cám trong nước là cám y (cám nguyên, chưa trích ly lấy chất béo) nên không để được lâu, chỉ 1-2 tuần là hỏng. Trong khi cám nước ngoài đã được lấy dầu nên thời gian bảo quản lâu hơn và độ đạm cũng cao hơn. So với cám trong nước, cám nhập có độ ẩm thấp hơn (9% so với 14%) và độ đạm cao hơn (16% so với 12%).

Tuy nhiên, nhập khẩu cám nước ngoài gặp không ít rủi ro khi giá thế giới biến động mạnh và thời tiết. “Nhập khẩu cám từ Ấn Độ giống như đánh bạc với thời tiết và điều kiện vận chuyển. Chỉ cần sơ hở một chút là cả lô cám bị mốc coi như bỏ đi” - ông Bình cho biết.

Chính vì vậy, các hãng bảo hiểm khi nhắc tới hàng cám nhập này đã thẳng thừng tuyên bố chỉ bảo hiểm cho hàng bị mất chứ không bảo hiểm nếu bị mốc do thời tiết. Chưa kể trong điều kiện giá cả thế giới biến động thất thường thì có thể bị hủy hợp đồng đã ký hoặc nhận phải hàng kém chất lượng.

Theo bà Phan Hồng Liên, chuyên gia phân tích của Công ty Nghiên cứu và phân tích thị trường (Agromonitor), một nước xuất khẩu gạo lớn như VN, mỗi năm cung cấp 5-6 triệu tấn cám gạo cho thị trường thức ăn chăn nuôi, việc phải nhập khẩu cám gạo ngày càng nhiều là điều cần phải xem lại về mặt chiến lược phát triển ngành thức ăn chăn nuôi.

--------------------------------------------

Kỳ tới: Miếng rửa chén triệu đô

jXYRL2aB.jpgPhóng to

Chọn mua gạo Thái Lan tại siêu thị Co.op Mart Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

Theo thống kê của Cục Hải quan TP.HCM, sáu tháng đầu năm 2010 tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng gạo đạt xấp xỉ 1,6 triệu USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng đầu các thị trường nhập khẩu vào VN là Thái Lan, sau đó đến Singapore, Đài Loan, Trung Quốc.

Tuy nhiên con số thực tế cao hơn gấp nhiều lần vì phần lớn gạo nhập chọn con đường tiểu ngạch thông qua các cửa khẩu quốc tế dọc biên giới Campuchia, Lào và VN với con số ngày càng tăng và trải dài khắp ba miền đất nước. Bà Hai, tiểu thương kinh doanh gạo khu vực đường Trần Chánh Chiếu (Q.6, TP.HCM), cho biết gạo ở miền Tây không thiếu nhưng khoảng một năm gần đây gạo Thái bắt đầu về nhiều.

Tại hệ thống Co.op Mart có bày bán khoảng ba loại gạo Thái được đóng gói dưới dạng 5kg của hai nhà cung cấp. Trong đó, gạo ông địa Jasmine Sundee 5kg do Công ty Thế Kỷ Vàng phân phối giá 162.000 đồng và hai loại gạo Hommali Na Siam thơm 5kg, Pathumt Na Siam thơm 5kg do Công ty TNHH Văn Thịnh phân phối.

Theo đại diện Saigon Co.op, gạo ngoại chiếm khoảng 5% trong tổng số 50 mặt hàng gạo đang kinh doanh tại hệ thống, trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 10 tấn. Nếu so với gạo nội loại ngon cao nhất giá 20.000 đồng/kg thì giá trung bình mỗi ký gạo ngoại là 30.000 đồng. Khách hàng là đối tượng thu nhập cao hoặc người nước ngoài sinh sống tại VN.

Gạo ngoại cũng dễ dàng tìm thấy trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm Nhật, Hàn Quốc với giá khá cao, 230.000-310.000 đồng/5kg.

Ông Trần Phương, kinh doanh xuất khẩu gạo, cho biết tùy theo vùng, miền mà gạo Thái nhập vào VN có tên gọi khác nhau, nhưng chủ yếu là hai loại Thái Lan đặc sản giá 20.000-23.000 đồng/kg và Thái Lan con kiến 13.000-15.000 đồng/kg tùy mua theo số lượng.

Theo ông Đ.V.H., nhân viên kinh doanh Công ty xuất nhập khẩu gạo ND, gạo Thái nhập khẩu bằng đường bộ qua cửa khẩu các tỉnh miền Trung bằng xe tải sang Lào trước khi vào thị trường VN.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên