07/06/2016 08:14 GMT+7

Miếng ngon khó bỏ

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TTO - Không cần phải là những chuyên gia tài chính tầm cỡ cũng thấy rằng nếu Nhà nước mạnh dạn thoái vốn hết tại các doanh nghiệp lớn này, số tiền mà các nhà đầu tư bỏ ra để sở hữu số cổ phần này chắc chắn rất lớn.

Sản xuất sữa bột tại Công ty CP Sữa VN (Vinamilk) - Ảnh: T.V.N.
Sản xuất sữa bột tại Công ty CP Sữa VN (Vinamilk) - Ảnh: T.V.N.

Trong danh mục triển khai bán vốn thuộc sở hữu nhà nước của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) năm 2016 vừa được công bố, một lần nữa lại không có tên một loạt doanh nghiệp “đại gia” như Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), Công ty CP nhựa Bình Minh hay Tổng công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - doanh nghiệp đã cổ phần hóa gần chục năm nay...

Như vậy, dù HĐQT của Vinamilk vừa thống nhất tăng tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% (thay mức 49%) tại kỳ họp đại hội cổ đông diễn ra mới đây, nhà đầu tư vẫn phải “ngóng cổ” chờ với hi vọng SCIC sẽ đưa Vinamilk vào danh sách thoái vốn của năm 2017! Không chỉ giới đầu tư, mà ngay cả người trong cuộc cũng bày tỏ sự thất vọng.

“Năm nào họp đại hội cổ đông tôi cũng phải trả lời về việc khi nào SCIC thoái hết vốn nhà nước tại Vinamilk, nhưng chưa năm nào có câu trả lời chính thức. Vì tôi đâu biết được khi nào SCIC làm việc này!” - bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Vinamilk, từng thốt lên như vậy khi trao đổi về câu chuyện thoái vốn này.

Tương tự, dù phương án thoái vốn nhà nước đã được trình lên Thủ tướng và chỉ còn chờ ngày phê duyệt nhưng ông Võ Thanh Hà, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Sabeco, thừa nhận: “Trong phạm vi, quyền hạn của Sabeco, chúng tôi không thể quyết định được lộ trình khi nào thoái vốn, thoái cho ai, thoái như thế nào, tỉ lệ bao nhiêu...”.

Vì sao những doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, giữ thị phần thống lĩnh trên thị trường chưa được SCIC “nhả” ra?

Trả lời câu hỏi này không khó nếu nhìn vào khoản cổ tức mà SCIC nhận từ những công ty này mỗi năm. Với tỉ lệ cổ phần đang nắm giữ tại Sabeco (gần 90%), Vinamilk (45,06%) và Nhựa Bình Minh (38,4%), hằng năm SCIC “ngồi không” cũng thu về hàng ngàn tỉ đồng tiền cổ tức, chưa kể các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả khác mà SCIC vẫn chưa đưa vào danh sách thoái vốn nhà nước.

“Trước khi đặt câu hỏi SCIC có muốn thoái vốn khỏi Vinamilk hay không, tôi xin hỏi ngược lại rằng có ai muốn từ bỏ hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận thu về hằng năm hay không? Mình không làm được thì SCIC chắc cũng vậy! Nhưng SCIC không thể như thế mãi được. Vì Chính phủ đã xác định Nhà nước không cần phải nắm giữ cổ phần chi phối ở ngành sữa nữa” - bà Lê Thị Băng Tâm, chủ tịch HĐQT Vinamilk, bày tỏ quan điểm.

Không chỉ lo mất khoản tiền cổ tức hằng năm, không ít ý kiến từ cơ quan chủ quản bày tỏ lo ngại nếu thoái vốn hoàn toàn tại các thương hiệu lớn, doanh nghiệp trong nước sẽ bị thôn tính thương hiệu hoặc bị nước ngoài “mua đứt”.

Tuy nhiên, bà Mai Kiều Liên cho rằng không ai mua Vinamilk để xóa thương hiệu của Vinamilk làm gì. “Bởi nhà đầu tư tìm đến Vinamilk là vì thương hiệu của Vinamlik, hiện đang là thương hiệu sữa số 1 của VN” - bà Liên khẳng định.

Trong khi đó, không cần phải là những chuyên gia tài chính tầm cỡ cũng thấy rằng nếu Nhà nước mạnh dạn thoái vốn hết tại các doanh nghiệp lớn này, số tiền mà các nhà đầu tư bỏ ra để sở hữu số cổ phần này chắc chắn rất lớn.

Khoản tiền thu được một lần này có thể dùng để đầu tư vào các hạng mục phục vụ công ích xã hội, hạ tầng đô thị - vốn cần rất nhiều tiền, thay vì ngồi chờ nhận cổ tức hằng năm và gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Chưa kể nếu nhìn từ nhu cầu thị trường đang rất cần thêm nguồn cung cổ phiếu có chất lượng, có tính thanh khoản cao, thậm chí là cơ hội tốt cho kênh huy động vốn phát huy công năng của mình, việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này lẽ ra cần được ủng hộ và thúc đẩy nhanh hơn thay vì trì hoãn.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên