15/12/2016 20:21 GMT+7

Miền Trung đối mặt với đợt lũ đặc biệt lớn kéo dài

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Đó là nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương trong bản tin lũ khẩn cấp trên các sông ở miền Trung phát ra chiều 15-12.

Trường tiểu học Phổ Văn (huyện Đức Phổ) ngập chìm trong lũ - Ảnh: TRẦN MAI
Trường tiểu học Phổ Văn (huyện Đức Phổ) ngập chìm trong lũ - Ảnh: TRẦN MAI

Theo cơ quan dự báo khí tượng, chiều 15-12 không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết phía Tây Bắc bộ và giữa miền Trung. Ở vịnh Bắc bộ và ngoài khơi Trung bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8. Đêm 15-12, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc bộ và giữa miền Trung.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh Bắc bộ đến Thừa Thiên - Huế trời rét, vùng núi phía Bắc rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét này phổ biến 13-16 độ C, vùng núi cao dưới 12 độ C. Hà Nội trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-16 độ C.

Không khí lạnh gây gió mùa đông bắc kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông, nên từ nay đến hết ngày 17-12 ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa trên 200mm). Riêng các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa to đến rất to (300-400 mm/đợt).

Đến ngày 18-12 vùng mưa vừa, mưa to có xu hướng thu hẹp và duy trì ở các tỉnh ven biển phía nam miền Trung đến khoảng ngày 20-12.

 Về diễn biến lũ trên các sông, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết đến sáng 16-12, lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế lên chậm, các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục lên nhanh; các sông ở Phú Yên lên lại.

Mực nước sông Bồ tại Phú Ốc (Huế) ở mức 4,6m, trên báo động 3 là 0,1m (dự kiến lưu lượng xả hồ Hương Điền là 1.980 m3/ giây); sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (Quảng Nam) lên 9,8m, trên báo động 3 là 0,8m (dưới mức lũ năm 1999 là 0,37m).

Các sông lớn trong khu vực đều phổ biến ở mức báo động 3 hoặc vượt báo động 3 từ 0,3 đến 1,3m. Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên.

“Đây là đợt lũ đặc biệt lớn xảy ra trên diện rộng, kéo dài. Tình hình lũ còn diễn biến rất phức tạp. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông và mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên” - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định.

Thủ tướng chỉ đạo chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngày 15-12, Thủ tướng đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và các cơ quan, bộ ngành liên quan đề nghị chủ động ứng phó, khắc phục mưa lũ.

Thủ tướng nhận định đây là đợt mưa lớn, trong khi dung tích trữ của nhiều hồ chứa nước trong khu vực đã cơ bản đạt mức thiết kế nên sẽ phải vận hành xả lũ, đồng thời khu vực này đã bị ngập lụt nhiều ngày trong các đợt mưa lũ vừa qua.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, kịp thời khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân trong và sau lũ, Thủ tướng yêu cầu: Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, tổ chức dự báo, cung cấp thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ.

UBND các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” và cấp báo động; chủ động xử lý các tình huống, sự cố phát sinh trong và sau mưa lũ, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên