22/05/2019 10:27 GMT+7

Miền Tây chờ những cây cầu 'Mỹ Thuận 2'

TRẦN HIỆP THỦY (Cần Thơ)
TRẦN HIỆP THỦY (Cần Thơ)

TTO - Tròn 19 năm kể từ ngày khánh thành cầu Mỹ Thuận (21-5-2000) nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, người ĐBSCL đang phấn khởi kỳ vọng cầu Vàm Cống vừa khánh thành, thông thương suốt tuyến quốc lộ 1 sẽ chắp cánh cho vùng đất này.

Miền Tây chờ những cây cầu Mỹ Thuận 2 - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Văn Phước (65 tuổi, Đồng Tháp) đạp xe qua cầu Vàm Cống trong ngày khánh thành - Ảnh: T.T.D.

Cách đây tròn 19 năm, ngày 21-5-2000, lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận - cầu dây văng đầu tiên vượt sông Tiền, lớn nhất Đông Nam Á thời đó. Người miền Tây Nam Bộ hân hoan biết bao nhiêu với cây cầu nối đôi bờ Tiền Giang - Vĩnh Long, một dấu son trong bức tranh giao thông đồng bằng.

Những dấu son lịch sử giao thông

Những ngày này, bà con miền Tây lại vui mừng với sự kiện khánh thành cầu Vàm Cống, chiếc cầu thứ hai nối đôi bờ sông Hậu, thôi cảnh đợi chờ trong lịch sử trăm năm phà Vàm Cống (và những chuyến phà trên quốc lộ 1 qua miền Tây). 

19 năm từ cầu Mỹ Thuận đến cầu Vàm Cống là lịch sử phát triển đột phá của giao thông miền sông nước. Hình ảnh những dòng người hối hả ngược xuôi, những chiếc phà xưa cần mẫn vượt sông chỉ còn trong ký ức, nhưng đang mở ra kỳ vọng mới với vai trò kết nối phát triển của những cây cầu hiện đại trên đất Chín Rồng. Thêm một cây cầu mới là thêm niềm vui, kỳ vọng mới của người miền Tây.

Nghe ông tôi kể, thời xa lắm, dân lục tỉnh Nam Kỳ từ miệt trên Châu Đốc, Tân Châu xuống, bên Hà Tiên, Rạch Giá qua, hay từ Sài Gòn, Tân An, Mỹ Tho sang đều phải đi ghe bầu hoặc xuồng ba lá vượt sông Tiền, sông Hậu. Bắc (phà) Cần Thơ nghe đâu được người Pháp xây vào khoảng những năm đầu 1900 phục vụ cho giao thông cơ giới. 

Còn bắc Mỹ Thuận có từ khi nào tôi chẳng rõ, chỉ biết khi ba tôi sinh ra, nó đã có rồi. Những chiếc bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ xuất hiện hơn trăm năm trước, chạy bằng cơ giới chở người và xe vượt sông đã thành sự kiện thời sự của người đồng bằng.

"Sông Mỹ Thuận lục bình trôi tản mạn/Bến Vân Lâu trăng ngập cả khoang đò" là những ca từ da diết trong bài vọng cổ Quán nửa khuya của cố soạn giả Viễn Châu, thời người miền Tây chưa có cầu Mỹ Thuận. 

Khi người Pháp đến xứ này, họ làm thủy lợi, xây đường giao thông, nhưng cũng chưa dám nghĩ đến việc xây cầu vượt sông Tiền, sông Hậu. Rồi người Mỹ với hệ thống giao thông huyết mạch phục vụ cho quân sự, nghe nói họ cũng đã hai lần lên kế hoạch xây cầu Cần Thơ nhưng đều thất bại vì nhiều trắc trở kỹ thuật.

Quốc lộ 1 xuôi dòng từ Hữu Nghị Quan đến Mũi Cà Mau nhưng vẫn gặp cách trở bởi đôi bờ sông Tiền, sông Hậu. Những bến bắc Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ thời "ngăn sông, cấm chợ" như những điểm nút của mạch máu giao thông bị dồn ép, những chiếc phà vẫn đêm ngày gồng mình vượt sông, chở theo những vui buồn bao số phận, tình người. 

Giao thông cách trở đò giang ngày trước đẩy các tỉnh miền Tây ra xa hơn TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bước đầu hội nhập.

Thôi thúc đồng bằng

Từ sau sự kiện cầu Mỹ Thuận, miền Tây sông nước có thêm cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Đầm Cùng, Năm Căn, Cái Lớn, Cao Lãnh và gần đây là Vàm Cống... Mỗi cây cầu tiếp tục vượt sông lớn. Hệ thống giao thông như mạch máu chảy trong cơ thể đồng bằng. Trên đường phát triển mới, người dân đang kỳ vọng những nhịp cầu mới nối những bờ vui.

Nhưng phải thừa nhận hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Còn đó những điểm nghẽn cần được khơi thông để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng này. Phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL vẫn đang đứng trước bài toán khó "vốn ít, nhu cầu đầu tư lớn", cần quan tâm chọn lựa thứ tự ưu tiên và giải pháp khả thi, đầu tư tập trung, đồng bộ.

Tương lai, cầu Mỹ Thuận II tiếp tục vượt sông Tiền với tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Châu Đốc vượt sông Hậu, cầu Đại Ngãi nối liền quốc lộ 60 và nhiều cầu đường bộ khác sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng. 

Kể cả ước mơ xây cầu vượt biển Tây, nối Hà Tiên - Phú Quốc, khoảng cách ngắn nhất giữa đảo ngọc với đất liền cũng sẽ trở thành hiện thực khi nhiều kỹ thuật công nghệ xây cầu hiện đại không còn xa lạ với người Việt.

Hình ảnh những chiếc phà cần mẫn giữa đôi bờ đã, đang và sẽ trôi vào dĩ vãng. Những chiếc cầu sừng sững đang mở ra nhiều kỳ vọng tương lai. Những bến phà trăm năm như phà Vàm Cống có thể mất đi trong hiện thực, nhưng vẫn tồn tại ngàn năm trong lòng người. Niềm hân hoan với cầu mới hôm nay thôi thúc người đồng bằng quyết tâm đi tới trên con đường phát triển mới.

Ngày mai, đang bắt đầu từ ngày hôm nay

cầu Vàm Cống

Người dân đồng bằng đón chờ giờ phút thông xe cầu Vàm Cống - Ảnh: M.TRƯỜNG

Sự kiện khánh thành cầu Vàm Cống, cây cầu thứ 2 bắc qua sông Hậu là niềm vui lớn lao của người dân quê tôi. Ai sống ở miền đất này ắt hiểu và nhớ cảm giác phải chờ phà lâu lắc, nhất là vào buổi tối. Trăm năm hoặc cách nay vài mươi năm thôi, khi chưa có cầu Mỹ Thuận, mấy ai dám nghĩ có thể xây cầu qua sông lớn ở miền sông nước này.

Rồi hôm nay, những chuyến phà Vàm Cống sẽ thành ký ức. Rồi người dân qua lại đôi bờ sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian di chuyển. Thấy trước mắt như với những bệnh nhân cấp cứu thì việc chuyển viện khẩn cấp lên tuyến trên cũng sẽ nhanh hơn trước... Người dân các tỉnh thành An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp thoát được nỗi sợ kẹt phà, kẹt xe mỗi ngày, người phương xa qua đây cũng thôi nỗi lo kẹt phà mỗi dịp cao điểm lễ, tết.

Nhưng cầu Vàm Cống không chỉ là niềm mong mỏi của người dân hai bên bờ sông Hậu, mà còn là mơ ước bấy lâu của vùng ĐBSCL. Bởi việc kết nối trọn vẹn, thông suốt giúp giao thương buôn bán giữa miền Tây với TP.HCM và cả nước thuận lợi hơn, cơ hội thu hút đầu tư vào khu vực thêm hiệu quả.

Những ngày này, người dân An Giang nô nức hòa mình trong sự kiện trọng đại vừa bắt đầu trên quê hương mình. Tôi bỗng nhớ lời bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân: "...Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay". Cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện sẽ giúp kinh tế của vựa lúa lớn nhất cả nước phát triển xứng tầm hơn, đời sống nhân dân được nâng cao hơn. Công trình cầu Vàm Cống tin rằng tạo được động lực "thay da đổi thịt" vùng đồng bằng trù phú. Không chỉ thấy trước mắt rút ngắn được thời gian, khoảng cách địa lý mà chính là rút dần khoảng cách phát triển về kinh tế, xã hội của miền Tây với các vùng miền khác trong cả nước...

KHÔI NGUYÊN (An Giang)

Đề xuất xây cầu Mỹ Thuận 2 với mức đầu tư 5.125 tỉ đồng Đề xuất xây cầu Mỹ Thuận 2 với mức đầu tư 5.125 tỉ đồng

TTO - Ban quản lý dự án 7 (chủ đầu tư) vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đầu kỳ dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền và đường dẫn 2 đầu cầu (tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long).

TRẦN HIỆP THỦY (Cần Thơ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên