28/12/2017 14:37 GMT+7

Mì gói ảnh hưởng thế nào đến "dạ dày" của bạn?

PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên viện phó viện dinh dưỡng Quốc Gia
PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên viện phó viện dinh dưỡng Quốc Gia

TTO - Một số ý kiến cho rằng ăn nhiều mì gói sẽ dễ bị nóng, nổi mụn, đặc biệt là khó tiêu, gây hại dạ dày. Thực hư việc này như thế nào?

Mì gói ảnh hưởng thế nào đến dạ dày của bạn? - Ảnh 1.

Sản xuất mì gói trên dây chuyền - Ảnh: Acecook Việt Nam

Mì cũng như thức ăn khác

Thực tế có nhiều người rất thích mì gói nhưng lại e ngại tới mức không dám ăn. Thật ra, với quá trình làm việc của bộ máy tiêu hóa của cơ thể, mì gói cũng đi vào con đường chuyển hóa trong cơ thể giống như mọi thức ăn khác.

Hàng ngày khi chúng ta đưa thức ăn vào cơ thể, hệ tiêu hóa có nhiệm vụ "phá vỡ" và chuyển thức ăn thành các chất dinh dưỡng để có thể "hấp thu" vào máu, nuôi dưỡng các tế bào trong cơ thể. Các chất cặn bã và cả thức ăn không được tiêu hóa cần được đào thải ra ngoài.

Quá trình tiêu hóa thức ăn trong cơ thể trải qua một chặng đường dài, đi từ miệng đến thực quản, dạ dày, ruột non và cuối cùng là ruột già, với sự trợ giúp của các cơ quan khác như tuyến tụy, gan và túi mật. Quá trình này xảy ra với mọi loại thức ăn, kể cả mì gói.

Thời gian chuyển hóa (bao gồm tiêu hóa và hấp thu) cho một lần ăn tùy vào loại thức ăn, số lượng thức ăn và thời gian dành cho mỗi bữa ăn, nồng độ axit trong dạ dày cũng như khả năng làm việc của gan, mật, tuyến tụy và thói quen sinh hoạt của mỗi người… 

Khi thức ăn được đưa vào miệng thường lưu lại chỉ khoảng một phút, thức ăn được nghiền nhỏ nhờ động tác nhai, được nhào trộn với nước bọt có chứa enzym amylase... giúp bôi trơn và phá vỡ thức ăn.

Sau đó thức ăn được chuyển xuống dạ dày và được lưu giữ khoảng 3-4 giờ. Dạ dày có nhiều men tiêu hóa giúp chuyển thức ăn thành chất dinh dưỡng. Các thức ăn chứa chất đạm (protein) sẽ được tiêu hóa nhờ axit clohydric và men pepsin của dạ dày.

Tại ruột non, thức ăn tiếp tục được chuyển hóa, hấp thu và đưa vào nuôi dưỡng cơ thể qua máu, với thời gian từ 3-4 giờ. Tại đây, gan và tuyến tụy hỗ trợ quá trình tiêu hóa rất tích cực. 

Gan cung cấp mật giúp nhũ tương hóa chất béo, trong khi đó tuyến tụy cung cấp các enzyme để tiêu hóa mọi loại thức ăn. Cuối cùng, những chất mà cơ thể không cần hay không thể sử dụng sẽ được đưa đến đại tràng và đào thải ra ngoài. 

Khi ăn mì gói, một phần tinh bột có trong sợi mì đã được tiêu hóa ngay tại khoang miệng. Và theo quá trình tiêu hóa như vậy, việc mì gói tồn tại 3-4 giờ trong dạ dày là bình thường.

Ăn mì đúng cách

Không có loại thức ăn duy nhất nào là tốt nhất đối với cơ thể chúng ta nhưng chúng ta có thể tạo ra bữa ăn tốt nhất đó chính là bữa ăn đa dạng, bữa ăn biết kết hợp nhiều thực phẩm khác nhau để đảm bảo cung cấp cho cơ thể đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. 

Vì vậy, với một bữa ăn sáng, một bữa ăn phụ để giải quyết cơn đói, một bữa ăn nhanh bằng một loại thực phẩm duy nhất như mì gói thì khó có thể yêu cầu phải là một bữa ăn cân đối và hợp lý được. 

Mì gói ảnh hưởng thế nào đến dạ dày của bạn? - Ảnh 2.

Mì gói tồn tại 3-4g trong dạ dày là bình thường - Ảnh: Acecook Vietnam

Vậy nên, chúng ta nên chọn và ăn mì gói như thế nào để đảm bảo sức khỏe? Để vừa được thưởng thức mì gói, vừa có một bữa ăn tốt hơn cho sức khỏe, người tiêu dùng nên lưu ý một số điểm sau:

Thứ nhất: Thưởng thức mì gói kèm với các loại rau củ như cải xanh, rau má, rau muống, cà rốt, cà chua… 

Ngoài các vitamin và khoáng chất thì sự hiện diện của chất xơ trong rau củ làm tinh bột được hấp thu chậm hơn, tăng lượng phân đào thải giúp tránh táo bón, giảm nguy cơ bị bệnh trĩ, ngăn ngừa cholesterol máu cao, giảm nguy cơ bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường tuýp 2. 

Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam (Bộ Y tế phê duyệt năm 2016) thì mỗi 1.000 Kcal ăn vào cần 14g chất xơ.

Thứ hai: Thưởng thức mì gói kèm thực phẩm giàu đạm: Nên bổ sung thêm vào mỗi bát mì khoảng 3-4 lát thịt bò, thịt heo hoặc 2-3 con tôm để bữa ăn từ mì gói được cân đối hơn về năng lượng đến từ chất đạm, đặc biệt là cân đối giữa đạm động vật và thực vật.

Trong trường hợp không dự trữ sẵn các loại thực phẩm hoặc khi không có đủ thời gian, người tiêu thụ có thể sử dụng mì ăn liền đơn thuần như một giải pháp tình thế để cung cấp năng lượng cho cơ thể nhưng các bữa ăn sau thì nên chú ý bổ sung các loại thực phẩm khác nữa để có bữa ăn cân bằng.

Thứ ba: Kiểm tra chất lượng gói mì trước khi lựa chọn như xem hạn sử dụng, an toàn đóng gói và đặc biệt là cần được cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền.

Ngay cả các loại mì chiên nếu được sản xuất theo quy trình hiện đại, kiểm soát tốt chất lượng dầu chiên, hạn chế transfat (chất béo chuyển hóa), các nguyên vật liệu được kiểm tra nghiêm ngặt và được cấp phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền thì hoàn toàn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, một số sản phẩm mì gói đã được nhà sản xuất bổ sung thêm rau củ, thịt, trứng, rong biển… nhằm đa dạng thực phẩm, tăng giá trị dinh dưỡng và hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Người tiêu dùng có thể tìm hiểu để có thêm nhiều lựa chọn cho bản thân và gia đình.

PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên viện phó viện dinh dưỡng Quốc Gia
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên