29/11/2011 07:00 GMT+7

Mệnh lệnh trái tim - Kỳ 4: Trung "khùng" nghĩa hiệp

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Gần 12 giờ đêm, chuông điện thoại reo liên hồi. Đầu dây bên kia là giọng của Trung run run: “Anh ơi, anh ấy chết rồi. Em sợ quá, anh ra với em một chút được không? Em đang ở Bệnh viện Gia Định...”. Tôi chỉ kịp khoác chiếc áo rồi tức tốc lao đến bệnh viện.

03DnApld.jpgPhóng to

Vũ Hoàng Trung vui chơi với một bé bị bại não trong chương trình Trung thu do một nhóm từ thiện tổ chức - Ảnh: Dương Huy

Kỳ 1: Không thể làm ngơKỳ 2: Cứu người trong đêmKỳ 3: Người tài xế vô danh

Ngồi cạnh cái xác đã trùm chăn trên băng ca là Trung với nét mặt biến sắc, áo quần dính đầy máu và đôi mắt rớm lệ. Siết chặt tay tôi, Trung cứ lắp bắp: “Sao lại thế hả anh? Giá như em đến sớm một chút thì chắc đã cứu được anh ấy... Em thấy như mình là người có lỗi!”. Nhiều ngày sau đó, tâm trạng “có lỗi” cứ ám ảnh lấy chàng sinh viên năm 3 của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM.

“Xin lỗi đã không cứu được anh!”

Đó là một ngày cuối năm 2009, TP.HCM trời se lạnh. Trung đang trên xe buýt từ Thủ Đức về lại nhà trọ ở Gò Vấp, đến đầu cầu Sài Gòn thì xe kẹt cứng. Nhìn qua cửa kính, anh thấy một người đàn ông nằm co quắp trên vũng máu. Xung quanh là đám đông hiếu kỳ đứng nhìn. Chẳng kịp suy nghĩ, Trung kêu tài xế xe buýt mở cửa rồi lao thẳng tới nạn nhân, ẵm người bị nạn lên rồi vẫy taxi. Một vài chiếc taxi đi qua lờ như không thấy. Ở ngoài đám đông hiếu kỳ bàn tán: “Thằng nào khùng dữ vậy? Coi chừng rước họa vào thân...”. Kệ, Trung ẵm nạn nhân ra giữa đường chặn taxi rồi đưa đến bệnh viện. Đến ngã tư Hàng Xanh, khi đưa tay lên ngực nạn nhân thì anh mới biết người bị nạn đã tắt thở. Trung giục tài xế: “Nhanh lên, còn nước còn tát!”.

Đến Bệnh viện Gia Định, bác sĩ hỏi gì Trung cũng gật đầu để làm thủ tục cấp cứu cho nạn nhân một cách nhanh nhất. Hơn 30 phút sau, bác sĩ ra thông báo với anh: “Nạn nhân đã không qua khỏi, xin chia buồn với gia đình!”. Lúc này Trung mới giật mình, bảo rằng mình không phải là người nhà rồi nhờ bác sĩ lục điện thoại để gọi cho gia đình nạn nhân. Mọi thủ tục khai báo đã xong, nhưng Trung vẫn không chịu ra về. Anh cứ đứng ngoài phòng nạn nhân nhìn vào, miệng lầm bầm: “Em xin lỗi vì đã không cứu được anh!” Một giờ sau người nhà nạn nhân mới tới, Trung chỉ kịp lắp bắp chia buồn với gia đình rồi lặng lẽ ra ngồi trước sân bệnh viện.

Đêm đó Trung không về nhà, anh lang thang suốt đêm ngoài phố chỉ để tìm một câu trả lời cho chính bản thân mình: “Tại sao mọi người lại đứng nhìn mà không đưa nạn nhân đi cấp cứu? Giá như những người hiếu kỳ kia đưa nạn nhân đến bệnh viện sớm hơn thì người vợ, những đứa con thơ kia có mất đi người cha hay không?”. Nghe hỏi có sợ không khi cứu người như vậy, Trung nói thật thà: “Em chỉ nghĩ nếu là người thân của mình bị nạn như vậy thì mình có làm ngơ hay không mà thôi. Ngày thường em là đứa nhút nhát, sợ ma lắm, vậy mà chẳng hiểu sao lúc đó em quên hết...!”.

Chia sẻ với Trường Sơn

Sinh năm 1987, đến từ thị trấn Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, Trung hay bị bạn bè gọi là Trung “khùng” bởi những hành động hơi “khác người” một tí. Tôi biết Trung trên một chuyến xe khách tình cờ từ Đắk Lắk đi Đà Nẵng giữa đường Trường Sơn vào năm 2008. Xe đang bon bon chạy thì lâu lâu Trung lại hối tài xế dừng lại, nhảy xuống xe nhìn nhìn, ngó ngó rồi lại nhảy lên xe đi tiếp. Khoảng hơn năm lần như thế thì tài xế cáu: “Ông đi đâu? Bộ khùng hay sao mà cứ bắt tui dừng hoài vậy cha nội?”. Trung chỉ im lặng, dán mắt ra ngoài cửa xe xem xét. Tôi thấy lạ, bắt chuyện, Trung cởi mở: “Em là sinh viên năm 2 Đại học Công nghiệp TP.HCM. Chuyến nghỉ hè này em muốn làm một việc gì đó cho lũ nhỏ ở Tây nguyên!”. Hỏi nơi nào em sẽ đến, Trung chỉ lắc đầu: “Em cũng không biết nữa anh ạ. Em chỉ biết đó là một ngôi làng nhỏ nằm cạnh một con suối trên đường Trường Sơn”. Những người ngồi cạnh cười ồ: “Ông này khùng rồi, ngôi làng nhỏ cạnh suối ở Trường Sơn này thì có cả trăm ngôi làng... Không nói địa chỉ cụ thể thì sao biết được”.

Mặc cho mọi người dồn ánh mắt dò xét về phía mình, Trung thản nhiên kể tiếp: “Năm rồi em cùng gia đình về Nghệ An thăm họ hàng, ngồi trên xe em thấy mấy đứa trẻ lem luốc ở truồng tắm bên suối mà lòng thắt lại. Vì thế em tự hứa với lòng mình là sẽ quay lại đây để chia sẻ với bản làng, với lũ trẻ dù là điều nhỏ nhoi nhất có thể...”. Xe vừa trờ tới thôn Rô, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam thì Trung hối tài xế: “Cho em xuống đây!”. Hành trang về với bản làng của chàng sinh viên nghèo chỉ là cái balô nhỏ với vài bộ áo quần, một ít lương khô và hơn 400.000 đồng làm lộ phí đi về. Nhìn Trung hăm hở khoác balô đi vào bản trong ánh nắng chiều, tôi chợt nhớ đến lời tâm sự của anh trước lúc chia tay: “Em cũng chẳng biết sẽ giúp được gì cho bà con ở đây, nhưng em nghĩ cứ chia sẻ thì niềm vui sẽ đến với cả người nhận và người cho...!”.

Suốt hơn một tháng ở lại với thôn Rô, ban ngày thì Trung theo người lớn lên rẫy làm cùng với họ. Chỉ cho họ cách bón phân cho cây, cùng họ đào mương lấy nước để tưới rẫy. Đêm thì Trung dạy thêm cho đám nhỏ, chỉ cho chúng biết cách sống vệ sinh hơn. Hay đơn giản chỉ là dạy cho sắp nhỏ cách chế tác các đồ chơi từ các thứ bỏ đi như giấy cũ, vỏ chai... Thôn Rô những ngày có Trung về như được tiếp thêm sức sống. Những người già trong làng ai cũng xem Trung như con cái trong nhà. Ngày Trung rời làng, cả làng ai cũng bịn rịn ra đầu đường đưa tiễn. Mấy tháng sau gặp lại, Trung tâm sự: “Trước đây em cứ nghĩ có tiền thì mới giúp được người khác. Nhưng bây giờ em nghĩ khác rồi, không có tiền mình vẫn có thể chia sẻ được với những người kém may mắn hơn mình. Đôi khi chỉ một nụ cười, một lời nói hay một hành động sẻ chia thật lòng của mình thôi cũng đủ làm người khác ấm lòng, giúp họ thêm tin yêu vào cuộc sống...”.

Trở lại TP.HCM, ngoài giờ học gần như Trung dành hết thời gian còn lại để đi thăm hỏi, chia sẻ với những mảnh đời khó khăn mà tình cờ mình biết được. Qua một diễn đàn từ thiện Trung biết được hoàn cảnh của Đoàn Minh Phú, một thanh niên sinh năm 1989 bị ung thư giai đoạn cuối. Thấy Phú nhà nghèo, hằng ngày phải quằn quại với cơn đau, sau giờ đi học về Trung lại đón xe buýt qua nhà Phú ở tận phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân để chăm sóc như anh em ruột thịt. Trung còn nhịn từng bữa ăn sáng của mình để mua sách rồi tối tối qua đọc cho Phú nghe để quên đi cơn đau đang hành hạ... Ngày Phú qua đời, Trung cũng là một trong những người có mặt đầu tiên để chia sẻ nỗi đau với gia đình Phú.

Hỏi Trung về những chuyện đã qua, anh chỉ trăn trở: “Tại sao làm việc tốt với một số người lại khó đến thế? Em chỉ mong mọi người hãy xem đó là chuyện bình thường của lẽ sống, của đạo làm người. Bởi em nghĩ được chia sẻ với đồng loại là niềm hạnh phúc lớn nhất của con người...”.

_______________________

Tai nạn làm cơ thể một chàng trai tàn phế, chỉ còn duy nhất ngón tay út cử động được. Với ngón tay út cùng một trái tim không tật nguyền, anh đã viết lên một câu chuyện tuyệt đẹp trên thế giới mạng...

Kỳ tới: Trái tim không tật nguyền

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên