21/01/2019 11:11 GMT+7

Mềm sụn thanh quản

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Thường thì không cần thiết phải điều trị tích cực mềm sụn thanh quản khi các triệu chứng của trẻ đều nhẹ và trẻ ăn mà không gặp khó khăn, tăng cân,…

Mềm sụn thanh quản - Ảnh 1.

Mềm sụn thanh quản. Ảnh: Y học Cộng đồng

Mềm sụn thanh quản là nguyên nhân thường gặp nhất của tiếng thở rít ở trẻ sơ sinh. Tiếng có âm sắc cao và the thé nghe được khi hít vào gọi là tiếng thở rít, được nhận thấy từ những tuần đến những tháng đầu tiên của cuộc đời. Âm thanh này được nghe nhiều nhất khi trẻ ăn, bị kích động hay khi khóc. Tiếng thở rít rõ ràng hơn khi trẻ nằm hay ngủ ngửa. Triệu chứng có thể xuất hiện hoặc hết sau vài tháng phụ thuộc vào sự phát triển của trẻ và mức độ hoạt động. Trong hầu hết các trường hợp, mềm sụn thanh quản không cần điều trị. Thông thường trẻ sẽ hết bị mềm sụn khi đến 18-24 tháng tuổi.

Nguyên nhân của mềm sụn thanh quản

Mềm sụn thanh quản là bẩm sinh nhưng có thể không phải do di truyền. Nguyên nhân chính xác chưa được biết rõ. Nó có thể bị gây ra do trương lực cơ yếu và cơ chưa trưởng thành ở đường hô hấp trên.

Đường hô hấp trên bao gồm mũi, miệng, hầu và thanh quản. Thanh quản nằm dưới lưỡi và ở phía trên phổi. Thanh quản có dây thanh âm, dây này mở ra khi trẻ nói, khóc hay thở, đóng lại khi ăn. Thanh quản còn có sụn phễu và nắp thanh môn, nắp thanh môn đóng lại, phủ lên dây thanh âm khi trẻ nuốt để bảo vệ khí quản và phổi tránh những thức ăn và dịch tiết.

Trong mềm sụn thanh quản, nắp thanh môn hoặc sụn phễu bị mềm. Những mô mềm này bị đẩy vào đường dẫn khí khi hít vào gây nên tình trạng tắc nghẽn tạm thời một phần đường dẫn khí. Các mô này bị đẩy ra lại khi trẻ thở ra và mở lại đường thở.

Tiếng thở rít được nghe thấy vì những mô này bị lôi kéo vào việc mở đường dẫn khí trên. Vì sự chênh lệch kích thước giữa phổi và đường dẫn khí trên nên sự co rút hoặc hõm vào của các cơ vùng ngực và cổ có thể thấy được khi trẻ hít vào. Việc này thường nhẹ và diễn ra liên tục.

Chẩn đoán mềm sụn thanh quản

Một bệnh sử hoàn chỉnh và khám thực thể là điều cần thiết giúp chẩn đoán mềm sụn thanh quản. Soi thanh quản cũng thường được tiến hành. Trong thủ thuật này, một ống mềm nhỏ được đưa qua mũi để thấy được đường hô hấp trên. Bằng cách này cho phép bác sĩ thấy được cấu trúc của thanh quản và cách nó chuyển động để chẩn đoán mềm sụn thanh quản và loại trừ những nguyên nhân không thường gặp của thở rít. Thủ thuật này được làm trong phòng khám khi trẻ đang thức. Đây là một thủ thuật nhanh, chỉ hơi khó chịu một chút cho trẻ và không cần phải gây mê.

Bởi vì có thể có những vấn đề khác đi kèm với mềm sụn thanh quản nên chụp X-quang được khuyên làm. X-quang cổ và ngực rất hữu ích để thấy cấu trúc của đường dẫn khí bên dưới nắp thanh môn mà không thể nhìn thấy ở phòng khám. Nội soi huỳnh quang đường thở có thể thấy đường thở và những cấu trúc khác ở cổ và ngực khi trẻ đang thở. Uống chất cản quang barium là một xét nghiệm dùng để nhìn thấy cấu trúc xung quanh đường dẫn khí, thực quản và dạ dày khi trẻ đang nuốt chất lỏng đặc biệt này. Trong một số trường hợp, soi thanh quản và soi phế quản có thể được yêu cầu. Thủ thuật này được làm trong phòng mổ và gây mê toàn thân, cả đường hô hấp trên và dưới sẽ được kiểm tra.

Điều trị mềm sụn thanh quản

Thường thì không cần thiết phải điều trị tích cực khi các triệu chứng của trẻ đều nhẹ và trẻ ăn mà không gặp khó khăn, tăng cân, và đạt được những cột mốc phát triển.

Nhiều trẻ sơ sinh mềm sụn thanh quản bị trào ngược dạ dày thực quản (GER). GER xảy ra khi thức ăn hoặc axit từ dạ dày đi ngược lên thực quản (hoặc đoạn nuốt), hầu họng, và thanh quản. Dịch dạ dày và axit có thể gây kích ứng và viêm thanh quản, có thể làm cho các triệu chứng của mềm sụn thanh quản tồi tệ hơn. Điều trị GER bằng cách giữ bé ở tư thế đứng 15-30 phút sau khi ăn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê toa thuốc ức chế tiết acid.

Một vài trẻ mềm sụn thanh quản bị khó thở, tím tái, ngưng thở hoặc khó ăn và tăng cân. Những trẻ này có thể phải phẫu thuật như nội soi thanh quản, phế quản, và vi phẩu chỉnh sửa thanh quản trên. Khi bé đang ngủ dưới sự gây mê trong phòng mổ, các bác sĩ sẽ xem xét các thanh quản và khí quản trong phạm vi đặc biệt. Các bác sĩ có thể loại bỏ các mô mềm từ thanh quản để cải thiện hô hấp. Trẻ sẽ được theo dõi tại bệnh viện qua đêm sau khi làm thủ thuật này.

Khi nào cần gọi bác sĩ?

Mang trẻ đến bác sĩ hoặc phòng cấp cứu nếu bạn thấy trẻ:

- Tím tái hoặc ngưng thở hoặc tạm dừng thở;

- Co rút hoặc hõm các cơ ngực hoặc cơ cổ trong khoảng thời gian dài;

- Ăn khó khăn, nghẹn với thức ăn, không đủ lượng thông thường, hoặc giảm lượng phân trong tã;

- Khó tăng cân hoặc giảm cân.

Làm gì để tránh biến chứng?

- Theo dõi dấu hiệu của biến chứng và mang trẻ đến bác sĩ hoặc phòng cấp cứu nếu thấy những hiện tượng nêu ở trên;

- Thường xuyên kiểm tra cân nặng;

- Kiểm soát quá trình cho ăn: Cho trẻ tạm nghỉ và dừng lại trong khi cho ăn để trẻ "bắt kịp hơi thở";

- Điều trị trào ngược dạ dày: Sau khi ăn giữ bé thẳng đứng từ 15 đến 30 phút và cho uống thuốc đã được kê toa theo hướng dẫn. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, cần đánh giá bởi một chuyên gia nhi khoa về tiêu hóa.


Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên