10/04/2021 12:33 GMT+7

Mẹ vừa mất, cha không hôn thú kiện con ruột chia tài sản

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Mới đây, TAND hai cấp của tỉnh Bình Dương đã tuyên một bản án khá kỳ lạ bởi phần tuyên án không thuộc điều khoản quy định của pháp luật nào. Nguyên đơn sống với vợ nhưng yêu cầu tòa công nhận hôn nhân với người khác.

Mẹ vừa mất, cha không hôn thú kiện con ruột chia tài sản - Ảnh 1.

Theo đơn gửi báo Tuổi Trẻ, nội dung bản án sơ thẩm của TAND huyện Dầu Tiếng và phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương thì ông Đ.V.N. có vợ là bà H. chung sống với nhau từ năm 1982 và có hai con chung. 

Năm 2012, ông N. và bà H. đăng ký kết hôn tại địa phương. Mặc dù đã có vợ con nhưng ông N. vẫn có quan hệ tình cảm với bà H.N.P. (sinh năm 1959) và sinh một người con chung là Đ.H.P. (sinh năm 1997). Rắc rối nảy sinh sau khi bà H.N.P. qua đời.

Sống với vợ nhưng yêu cầu tòa công nhận hôn nhân với người khác

Người thân của bà P. kể lại, năm 2018 bà P. xây một căn nhà tại thị trấn Dầu Tiếng, khi vừa khánh thành nhà được vài hôm thì bà P. bị cây trụ cổng đè vào người tử vong. 

Sau đó hai tháng, ông N. đâm đơn khởi kiện con trai chung của mình với bà P. ra tòa yêu cầu chia 50% giá trị tài sản bà P. để lại và yêu cầu tòa công nhận hôn nhân giữa ông N. và bà P. là thực tế.

Theo hồ sơ vụ án, sau khi sinh một con chung từ quan hệ tình cảm (vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng), ông N. và bà P. có thành lập Công ty Hồng Phi vào năm 2007, trong đó ông N. giữ 5% cổ phần, bà P. giữ 95% cổ phần. 

Ngoài công ty này có tên ông N., tất cả các tài sản khác bị đưa vào danh sách khởi kiện đòi chia 50% đều là tài sản đứng tên bà P.. Ông N. cho rằng mình là người tham gia tạo dựng những tài sản này, vậy nên phải được chia 50% giá trị, kể cả Công ty Hồng Phi. 

Đơn khởi kiện của ông N. thể hiện ông sẽ nhận toàn bộ số tài sản đó và hoàn trả (bằng tiền) cho các đồng thừa kế của bà P. một nửa còn lại.

Bằng chứng mà ông N. đưa ra là những tấm ảnh chụp chung giữa ông và bà P., ngoài ra có lời khai của một số nhân chứng xác nhận rằng hai ông bà có sống chung với nhau.

Bản án lạ

Theo hồ sơ hai cấp tòa thu thập được thì những người thân của bà P. không thừa nhận ông N. và bà P. có quan hệ hôn nhân thực tế, công khai mà chỉ là quan hệ lén lút. Khi qua lại với nhau vào năm 1997, ông N. đã có vợ (từ năm 1979) và có hai người con trai. 

Đồng thời, những người thân của bà P. cũng khẳng định ông N. không có đóng góp gì cho việc tạo dựng khối tài sản đứng tên bà P., ông N. là thành viên của Công ty Hồng Phi thì ông được hưởng lợi nhuận từ việc kinh doanh của công ty và tham gia vào việc kinh doanh của công ty này chứ không phải tham gia tạo dựng khối tài sản cho bà P..

Trong đơn khởi kiện, ông N. yêu cầu hai nội dung: công nhận hôn nhân thực tế và chia tài sản. 

Các nội dung này được các tòa sơ thẩm nhận định: Đối với yêu cầu chia tài sản của Công ty Hồng Phi, HĐXX nhận thấy ông N. không có bất cứ chứng cứ gì chứng minh việc cùng tạo dựng nên Công ty Hồng Phi, mà ông N. chỉ là thành viên góp vốn. 

Đối với yêu cầu công nhận hôn nhân thực tế giữa ông N. và bà P., HĐXX nhận định việc ông N. và bà P. sống chung với nhau là vi phạm điều cấm tại điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2014.

Tuy không công nhận hôn nhân thực tế, cũng không chấp nhận yêu cầu chia đôi tài sản, nhưng đối với phần tài sản của bà P. để lại, bản án sơ thẩm cho rằng: Xét các chứng cứ ông N. đưa ra (gồm ảnh, một số giấy ủy quyền)... đều không thể hiện việc ông N. có tài sản chung với bà P.... nhưng lại chứng minh được ông N. có quá trình sống chung, làm công việc liên quan đến kinh doanh của bà P. góp phần tạo nên tài sản.

Về cách tính công sức đóng góp, bản án sơ thẩm nhận định: "Pháp luật hiện hành chưa có quy định về cách chia, cách tính phần trăm công sức đóng góp. 

Do đó, HĐXX căn cứ vào thời gian sống chung của ông N. và bà P. và khối tài sản được tạo ra để tính công sức đóng góp của ông N. trong khối tài sản của bà P.". Do đó, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của người khởi kiện và chia cho ông N. 20% tổng giá trị tài sản của bà P. (tính ra số tiền là 8,3 tỉ đồng).

Được biết, các bị đơn là các đồng thừa kế của bà P. đã có đơn gửi TAND cấp cao, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, sửa hai bản án, không chấp nhận chia tài sản cho ông N..

Bà P. đã phải thỏa thuận chia nửa miếng đất cho vợ ông N.

Bản án sơ thẩm còn cho thấy ngoài việc ông N. kiện con trai và những người thân của bà P. thì vợ ông N. cũng có đơn khởi kiện các bị đơn này yêu cầu chia tài sản.

Căn cứ là năm 2009, bà P. và vợ ông N. đã lập thỏa thuận bà P. sẽ chia cho vợ ông N. giá trị tài sản là thửa đất (chỉ được chia sau khi bán).

Về phần thỏa thuận này, con trai và người thân của bà P. tôn trọng quyết định của bà P. nên không phản đối. Tòa đã xác định số tiền mà các đồng thừa kế của bà P. phải trả cho vợ ông N. là 2,6 tỉ đồng.

Vừa xác nhận độc thân, vừa xác nhận có hôn nhân thực tế

Một điều rất oái oăm trong vụ án này đó là hai văn bản xác nhận của cùng UBND thị trấn Dầu Tiếng về tình trạng hôn nhân của bà P. trái ngược nhau hoàn toàn.

Theo đó, năm 2017 cơ quan này cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân của bà P. ghi rõ: Chưa đăng ký kết hôn với ai.

Tuy nhiên, cũng ủy ban này trong công văn số 26 ngày 9-3-2018 (sau khi bà P. qua đời 1 tháng) thì: "Xác định tình trạng hôn nhân thực tế tại địa phương bà H.N.P. có chung sống với ông Đ.V.N. từ năm 1995 đến khi bà P. qua đời"!

Trong khi đó, kể từ quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đến nay, cụm từ "hôn nhân thực tế" không còn được công nhận và xác định.

Làm gì để con cháu không tranh chấp tài sản về sau? Làm gì để con cháu không tranh chấp tài sản về sau?

TTO - Liên quan đến những kiện tụng, tranh chấp về tài sản thừa kế, bạn đọc Vĩnh Linh (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum) khuyên các bậc làm cha mẹ cần phải làm di chúc. Dưới đây là góc nhìn của bạn đọc này.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên