12/06/2024 14:01 GMT+7

Mẹ chồng kiện con dâu ra tòa chia tài sản thừa kế

Con dâu đề nghị hưởng 2 tỉ đồng trong khối tài sản thừa kế, nhưng mẹ chồng chỉ đồng ý trả 1,8 tỉ, chủ tọa khuyên nhủ 'con số thắng thua chỉ chênh 200 triệu đồng, có đáng đưa nhau đi kiện ngày này tháng khác vậy không?'.

TAND TP Hà Nội, nơi thụ lý vụ án mẹ chồng 84 tuổi kiện con dâu chia thừa kế - Ảnh: DANH TRỌNG

TAND TP Hà Nội, nơi thụ lý vụ án mẹ chồng 84 tuổi kiện con dâu chia thừa kế - Ảnh: DANH TRỌNG

Mới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử vụ kiện yêu cầu phân chia thừa kế giữa nguyên đơn là cụ Tuyết (84 tuổi) và bị đơn là bà Hải (48 tuổi, con dâu cụ Tuyết, cùng trú quận Đống Đa, Hà Nội).

Tại tòa, cả nguyên đơn và bị đơn đều vắng mặt. Cụ Tuyết ủy quyền cho con gái thứ hai là bà Lam, còn bà Hải ủy quyền cho các luật sư.

Mẹ chồng, con dâu sống chung một nhà nhưng "không ai quan tâm tới ai"

Theo nội dung đơn khởi kiện, cụ Tuyết và chồng kết hôn, có ba người con chung, gồm hai gái, một trai. Hai cụ có tài sản chung là mảnh đất rộng 44m2, trên đất có ngôi nhà 4,5 tầng, tại quận Đống Đa.

Năm 2020, chồng cụ Tuyết qua đời. Một năm sau, con trai cụ, đồng thời là chồng bà Hải, cũng mất. Tuy nhiên, cụ Tuyết và con dâu sống chung một nhà nhưng không hòa thuận, "không ai quan tâm tới ai".

Do mâu thuẫn và để đảm bảo quyền về tài sản đối với nhà, đất nêu trên, cụ Tuyết khởi kiện con dâu, đề nghị tòa chia tài sản chung của hai vợ chồng cụ, chia thừa kế đối với phần tài sản của chồng cụ, cũng như chia thừa kế đối với phần tài sản của con trai cụ.

Tại tòa, bà Lam (người con gái được cụ Tuyết ủy quyền) cho biết cha là giảng viên Đại học Giao thông vận tải, được trường phân căn nhà cấp bốn trên đất, theo quyết định từ năm 1998.

Cha mẹ sau đó mua lại nhà đất này, được cấp giấy chứng nhận vào năm 2010. Hai năm sau, khi dỡ căn nhà cấp bốn để xây nhà mới, các con đều góp tiền cùng bố mẹ thực hiện công trình.

Phản bác điều này, hai luật sư đại diện bị đơn cho rằng Đại học Giao thông vận tải quyết định phân nhà cho vợ chồng cụ Tuyết chỉ có nghĩa là "cho ở nhờ", không phải chủ sở hữu, không có quyền bán hay chuyển nhượng.

Sau đó, Nhà nước bán lại cho vợ chồng cụ Tuyết, dựa vào đơn đề nghị của hai cụ. Khi Nhà nước bán lại diện tích đất này, các thành viên trong gia đình thống nhất để hai vợ chồng cụ Tuyết đứng tên mua. Thực tế, tiền mua là do vợ chồng bà Hải bỏ ra.

Luật sư của bị đơn viện dẫn các giấy tờ thể hiện bà Hải là người nộp tiền thanh toán mua nhà cho Nhà nước. Khi xây ngôi nhà 4,5 tầng, các hóa đơn, chứng từ cũng cho thấy vợ chồng bà Hải là người đứng tên thanh toán.

Cũng theo phía bị đơn, sau khi cha chồng và chồng mất, bà Hải tiếp tục cáng đáng tài chính, lo viện phí để mẹ chồng điều trị tại bệnh viện. Tuy vậy, khi chủ tọa hỏi có hóa đơn, chứng từ gì chứng minh không, luật sư tạm thời chưa cung cấp được.

Nêu quan điểm, bà Lam phản đối và cho rằng bố mẹ mới là người bỏ tiền xây nhà. "Khi đó cha mẹ già yếu nên vợ chồng Hòa cầm tiền thay mặt bố mẹ trả cho các bên xây dựng", bà Lam khẳng định.

Luật sư của bị đơn liền hỏi: "Bà có tài liệu gì chứng minh tiền đó của cha mẹ, chứ không phải tiền của vợ chồng bà Hải?". Bà Lam đáp: "Không biết, không trả lời vấn đề này" và khẳng định "chưa từng nghe chuyện cha mẹ nói để lại nhà đất cho vợ chồng em trai".

Nói về nguồn cơn mâu thuẫn gia đình, bà Lam cho hay mẹ và em dâu nảy sinh bất đồng vào năm 2001. Hai bên từng xảy ra xô xát, sự việc có hàng xóm chứng kiến.

Không xuất hiện tại tòa, nhưng bà Hải có đơn trình bày rằng quãng thời gian sống cùng cha mẹ là những ngày tháng tươi đẹp nhất. Khi bố chồng và chồng mất, bà tự bỏ tiền sửa sang nhà để thờ cúng, sinh hoạt.

Chủ tọa: "Có cần thiết phải dứt tình với nhau đến thế không?"

Chủ tọa phiên tòa sau đó cho hay trong trường hợp phân chia thừa kế, số tiền cụ Tuyết phải bỏ ra để trả cho bị đơn sẽ khá lớn, "liệu cụ có tiền trả không?". Trong nhiều lần hòa giải không thành trước đó, bà Hải yêu cầu 2 tỉ đồng, tuy nhiên nguyên đơn chỉ đồng ý 1,8 tỉ.

"Tòa đã tạo điều kiện cho đôi bên hòa giải rất nhiều, nếu có thể xử lý được bằng tiền thì hai bên nên ngồi lại hỗ trợ cho nhau", chủ tọa khuyên.

Tiếp đó, chủ tọa nhìn về phía bà Lam và nói: "Bà Lam cũng nên suy nghĩ lại. Bà có con gái sau này cũng sẽ đi làm dâu nhà khác, hai chị em hãy chia sẻ cho nhau để các cháu sau này còn qua lại họ hàng, còn về thăm nom bà nội, giữ được tình cảm.

Càng đi nữa các vị càng mệt, con số thắng thua cũng chỉ chênh nhau 200 triệu đồng, có đáng đưa nhau đi kiện ngày này tháng khác không?", chủ tọa phân tích và quyết định dừng phiên tòa để hai bên thỏa thuận.

Tuy vậy, sau trao đổi, thông qua luật sư, bà Hải vẫn mong muốn được nhận 2 tỉ đồng, vì bà cho rằng mình còn phải nuôi hai con nhỏ, với số tiền này rất khó để mua nổi căn nhà mới. 

Đồng thời bị đơn cũng yêu cầu trong trường hợp mẹ chồng thắng kiện, bà sẽ "dỡ hết các tài sản, nội thất" do bà mua sắm khỏi nhà của mẹ chồng.

Chủ tọa tiếp tục đề nghị đôi bên bình tĩnh và mong muốn họ "ngồi lại với nhau".

"Các vị nghĩ lại đi, có cần thiết phải dứt tình với nhau đến thế không?... Năm nay tôi sắp nghỉ hưu rồi mà chưa gặp vụ án nào thấy khổ thế này.

Tôi cũng được biết bà Tuyết đã ung thư giai đoạn bốn rồi, các vị hãy để mẹ yên ổn. Phía bị đơn hạ xuống một chút, phía nguyên đơn cố gắng nâng lên một chút", chủ tọa khuyên nhủ.

Trước phân tích của chủ tọa, nguyên đơn và bị đơn xin thời gian để trao đổi. Sau khoảng 20 phút, trở lại phòng xử, đại diện nguyên đơn và bị đơn đều đồng ý hòa giải, xin hoãn phiên tòa để thỏa thuận đưa ra con số cuối cùng.

Hội đồng xét xử chấp nhận hoãn phiên tòa mẹ chồng kiện con dâu, thông báo sẽ mở lại khi các đương sự thống nhất được số tiền, nhưng không quá một tháng.

Tên các đương sự đã được thay đổi.

Tranh cãi mẹ chồng và nàng dâu: Ai mới là người ngồi ghế phụ?Tranh cãi mẹ chồng và nàng dâu: Ai mới là người ngồi ghế phụ?

Một người đàn ông đã chia sẻ video thú vị cho thấy cách mẹ và vợ anh ta tranh luận xem ai sẽ ngồi ghế phụ, nhưng theo cách không ngờ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên