Khi chọn xe có khả năng đi qua thời tiết khắc nghiệt và thu thập thông tin về lốc xoáy, mọi người thường sẽ hình dung đến những chiếc bán tải bọc thép khổng lồ thường thấy trong các khu quân sự.
Nhưng Aaron Harris - quản lý Team W700 Weather Solutions, ở Kentucky, Mỹ - cho rằng không chỉ cần đủ mạnh, những chiếc xe vượt bão còn phải đủ nhỏ gọn và nhanh nhẹn để vượt qua các chướng ngại vật sau thảm họa. Vì vậy, tại sao không thể là Mazda2?
Mazda2 nhỏ nhưng có võ
Harris tự hào gọi Mazda2 là xe cơ động phản ứng nhanh. Anh sử dụng để chuyển thông tin quan trọng đến Cơ quan Dịch vụ thời tiết quốc gia, thậm chí tham gia viện trợ cho các khu vực bị thiên tai. Suốt 8 năm qua, Mazda2 đã đồng hành cùng Harris trải qua những cơn bão và lốc xoáy bất tận vùng Trung Mỹ.
Harris cho biết công việc của anh thiên về theo dõi hơn là truy đuổi cơn bão. Anh sử dụng các thiết bị đặc biệt nhằm ghi lại sự dao động của sóng siêu âm rồi gửi thông tin về Cơ quan Dịch vụ thời tiết quốc gia giúp đưa ra cảnh báo.
Harris không phải người đầu tiên cho rằng Mazda2 phù hợp với các nhiệm vụ khẩn cấp. Trước khi dùng làm “xe đuổi bão”, Mazda2 đã được sử dụng làm phương tiện cứu hộ với máy khử rung tim, oxy và những đồ cơ bản mà một xe cứu thương cần có. “Vì chiếc xe này đủ nhanh nhẹn và khéo léo để vượt qua những con đường đông đúc”, anh cho biết.
Harris chia sẻ Mazda2 của anh đến nay đã chạy được gần 322.000km, bảo dưỡng rất dễ dàng. Dù đã thay 6 lần ắc quy, nhưng đó là do thiết bị của anh cần nhiều điện. Cũng vì điều này, anh còn phải bổ sung thêm pin phụ vào cốp xe.
“Trạm thời tiết di động”
Làm nhiệm vụ dự báo bão, Mazda2 được trang bị thiết bị đo tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm và áp suất khí quyển. Nhờ những thiết bị này, Harris có thể phát hiện lốc xoáy trước khi hình thành trong bán kính khoảng 50 - 65km quanh xe, tùy thuộc vào địa hình và tầm nhìn.
Harris cũng trang bị cho chiếc Mazda2 còi báo động đặt trong khoang động cơ, được kích hoạt khi phát hiện có lốc xoáy. Trên xe còn có một biến tần để cung cấp năng lượng cho các công cụ và thiết bị sạc, đồng thời có hệ thống chiếu sáng 360 độ được gắn bên ngoài.
Ngoài ra, xe còn có thiết bị liên lạc vô tuyến có thể liên hệ trực tiếp với các văn phòng dịch vụ thời tiết quốc gia.
Không chỉ là một “trạm thời tiết lưu động”, chiếc Mazda2 của Harris không khác gì một chiếc xe cứu hộ cỡ nhỏ với cưa máy, vật tư y tế khẩn cấp, thiết bị cứu hộ và tất cả các công cụ cần thiết để sửa chữa khẩn cấp và dọn dẹp mọi mảnh vỡ trên đường.
“Không thể lúc nào cũng chờ đội cứu hộ khẩn cấp đến chặt cây kịp thời trước khi có cơn lốc xoáy ập đến”, Harris chia sẻ.
Để vượt qua thời tiết khắc nghiệt, dĩ nhiên chiếc Mazda2 này được “vũ trang” so với nguyên bản. Mazda2 của Harris có thể tự chống lại lốc xoáy EF0 (cấp thấp nhất) mà không cần neo. Khi nằm ở đúng vị trí và có dây neo, xe có thể chống lại lốc xoáy EF1 và EF2 (cấp độ gây ra thiệt hại trung bình và thiệt hại đáng kể). Xe có xích để Harris có thể nhanh chóng dùng búa cắm xuống đất.
Mazda2 cũng có tấm chắn Lexan gắn lên kính chắn gió trong trường hợp Harris phải lái xe qua một cơn bão mưa đá dữ dội.
“Có một trường hợp hiếm khi xảy ra, nhưng nếu tôi có thể tìm ra tốc độ gió giả định của cơn lốc xoáy, cường độ nằm trong ngưỡng xe có thể chịu được, thì thậm chí tôi có thể ngồi trong xe và chạy ngay trên đường đi của lốc xoáy. Nhưng tất nhiên, nếu có thể được thì tránh vẫn tốt hơn”, Harris chia sẻ.
Khả năng cơ động
Harris khen ngợi khả năng xử lý của Mazda2 đã nhiều lần giúp anh vượt qua những tình huống cần phản ứng nhanh. Dù xe chỉ là sedan hạng B, anh vẫn có thể off-road trên Mazda2, xuống những con đường rải sỏi không trải nhựa, dưới cơn mưa tầm tã, trong tốc độ khoảng 88km/h.
Di chuyển nhanh trong bão không hề dễ dàng. Dù Harris thấy cần thay lốp và bọc thép thêm, cùng với hệ dẫn động bốn bánh, nhưng kích thước nhỏ gọn của Mazda2 lại trở thành lợi thế để vượt qua những vật cản có thể xuất hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận