Kiểm tra nồng độ nitrat trong rau củ quả bằng máy - Ảnh: Lam Xuân |
Thế nào là thực phẩm an toàn?
ThS.BS Lê Hồng Dũng, phó trưởng khoa Hóa thực phẩm, Viện dinh dưỡng, cho biết thực phẩm an toàn là thực phẩm không chứa lượng hóa chất hoặc vi sinh vật vượt ngưỡng, có hại cho cơ thể. Các tác nhân này có thể chia thành 3 nhóm chính là vật lý, hóa học và vi khuẩn, ký sinh trùng.
Nhóm tác nhân vật lý (đất đá, mảnh kim loại, nilon, rác…) có thể nhận thấy bằng mắt thường và loại bỏ một cách dễ dàng.
Nhóm các chất độc hại hóa học có thể kể đến là những nhóm hóa chất sử dụng trong nông nghiệp và để lại tồn dư trong thực phẩm tiêu dùng như thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ), thuốc thú y (thuốc tăng trọng, tồn dư kháng sinh trong thịt…), dư lượng nitrat (thành phần dễ ngấm vào các tế bào của rau, củ, quả, thịt tươi, hải sản - có thể trực tiếp gây ngộ độc, ung thư…); các độc tố vi nấm, kim loại nặng. Các hóa chất từ môi trường như trong khói bụi, chất thải công nghiệp, rác thải, nước thải cũng có thể ô nhiễm và ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.
Trừ một số loại hóa chất tồn dư trong thực phẩm ở nồng độ cao có thể nhận biết qua mùi khó chịu đặc trưng, hầu hết các tồn dư hóa chất độc hại trong thực phậm đều rất khó nhận biết đối với hầu hết người tiêu dùng.
Có thể tóm chung vào 4 tiêu chí cơ bản để xác định mức độ an toàn thực phẩm: Dư lượng nitrate, dư lượng thuốc trừ sâu, hàm lượng kim loại nặng, vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh.
Bác sĩ Dũng cho biết, trong phòng thí nghiệm, bằng các phương pháp kiểm nghiệm, người ta có thể phát hiện được hầu hết các vi khuẩn gây bệnh, xác định được nồng độ các chất hóa học trong thực phẩm bao nhiêu và gây hại thế nào. Tuy nhiên thường tốn nhiều thời gian, từ vài giờ, thậm chí đến vài ngày mới có kết quả kiểm nghiệm. Vậy nên, người dân khó có thể mua một bó rau lại tốn gần nửa ngày để kiểm tra rồi mới sử dụng.
Chỉ mới kiểm tra nhanh được dư lượng nitrat
Các thiết bị kiểm tra nhanh đáp ứng nhu cầu của cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng về an toàn thực phẩm trong sàng lọc chất lượng, trên thị trường hiện nay mới có thiết bị kiểm tra dư lượng nitrat.
Máy có chức năng kiểm tra các loại hóa chất gốc Nitrat- được WHO xếp hạng vào nhóm có thể gây ung thư nhóm 2A hiện được dùng phổ biến trong: phân bón quá liều, chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản, diêm sinh để biến thịt ôi thiu thành thịt tươi, chất tạo nạc, chất tạo màu và giòn cho heo và vịt quay, và các hóa chất gốc nitrat khác trong chế biến thực phẩm…
“Theo tôi được biết, thiết bị kiểm tra nồng độ nitrat trong rau, củ, quả, thịt, cá hiện có trên thị trường và bản thân tôi cũng đang sử dụng đã được Cục an toàn thực phẩm (Bộ y tế) cấp phép. Đây là thiết bị nhỏ gọn, tiện dụng và chỉ trong vòng 20 giây có thể cho biết kết quả kiểm tra hàm lượng nitrat trong thực phẩm kể cả rau củ quả và thịt”- ThS.BS Lê Hồng Dũng chia sẻ.
Thực tế, trò chuyện với nhiều người tiêu dùng về thiết bị kiểm tra dư lượng nitrat, có người hào hứng “có thêm kênh để yên tâm chọn thực phẩm”, cũng có người chỉ cười buồn “thà cứ vậy mà ăn, kiểm tra cái nào cũng ra chất độc”.
Chị Thảo, chủ cửa hàng rau sạch ở đường Khánh Hội (Q.4, TP.HCM), cho biết chất gây hại có trong thực phẩm có rất nhiều, mỗi dư lượng nitrat không đủ để nói thực phẩm sạch hoàn toàn.
Tuy nhiên, thị trường hiện nay không có nhiều thiết bị kiểm tra cho tất cả các loại độc chất. Loại trừ được nitrat trong thực phẩm góp phần làm chỗ dựa tinh thần, có cơ sở cho khách hàng lựa chọn.
Kinh nghiệm chọn thực phẩm an toàn Theo ThS. BS Lê Hồng Dũng, khi lựa chọn các loại thực phẩm, ưu tiên rau củ quả tươi, mới thu hoạch; nên ăn “mùa nào thức nấy”, cẩn thận khi dùng các loại rau, củ quả trái mùa, những loại củ quả còn xanh, chưa chín vì thường bị dùng thuốc kích thích, chất bảo quản và có dư lượng nitrate cao; rõ nguồn gốc xuất sứ; sử dụng đa dạng các loại rau, củ, quả và sản phẩm thịt, thủy sản, trứng, sữa để đảm bảo dinh dưỡng và giảm bớt nguy cơ mất an toàn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận