01/11/2009 03:08 GMT+7

"Mày - tao" và... yếu tố nước ngoài

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TT - Ai cũng biết mỗi ngôn ngữ đều có những cặp đại từ nhân xưng để hai người đối diện xưng hô với nhau. Tiếng Anh là đơn giản nhất với “I - you”, tiếng Pháp phong phú hơn bởi “je - tu/vous” để dùng cho quan hệ thân mật hay xã giao, lịch sự.

Chuyện cuối tuần

“Mày - tao” và... yếu tố nước ngoài

TT - Ai cũng biết mỗi ngôn ngữ đều có những cặp đại từ nhân xưng để hai người đối diện xưng hô với nhau. Tiếng Anh là đơn giản nhất với “I - you”, tiếng Pháp phong phú hơn bởi “je - tu/vous” để dùng cho quan hệ thân mật hay xã giao, lịch sự.

Và tiếng Việt của mình là đa dạng nhất, với không biết bao nhiêu tổ hợp các cặp đại từ nhân xưng như vậy.

Tùy theo quan hệ tuổi tác, giới tính, cấp độ của sự thân mật... mà mỗi người Việt, một cách tự nhiên thôi, sẽ biết chọn cặp đại từ nào cho phù hợp.

Ấy vậy mà chẳng hiểu vì sao và từ bao giờ, việc dịch một mẩu đối thoại từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mình, “ánh xạ dịch thuật” chỉ có một giá trị duy nhất là: “mày - tao”.

Tất nhiên, cách dịch này không phải trong văn học, báo chí mà là trong cuộc sống thường ngày. Có điều nó lại hết sức phổ biến, từ ngoài đường phố đến trong các công ty nước ngoài, thậm chí trên giảng đường đại học.

Nó phổ biến đến mức nhiều người trong chúng ta đã thấy quá quen thuộc, cảm giác như chuyện bình thường ở... xã. Thậm chí nhiều khi nghe những cuộc đối thoại “mày-tao” như thế là biết ngay có “yếu tố nước ngoài”.

Ví dụ, mẩu hội thoại sau không phải là quá xa lạ với dân văn phòng hiện nay:

- Trời, em ơi, sáng nay chị gặp Susan. Nó hỏi chị: “Sao mày với con Tâm chưa nộp báo cáo cho tao nữa?”.

- Thế chị không bảo với nó: “Hai đứa tao đi công tác suốt, mày không thấy à?”.

- Chị có bảo chứ, nó mới nói là nhắc nhở hai đứa mình vậy thôi.

Nếu chỉ là một mẩu đối thoại thuần Việt, liệu có ai biết Susan là sếp và đây là câu chuyện công việc của hai nàng xinh đẹp, học thức?

Không chỉ dân văn phòng, giới du học sinh (trong đó có không ít người đang là giảng viên đại học) cũng rất nhiệt tình “ủng hộ” kiểu dịch “mày - tao” này. Trong khi hai nhân vật chính xưng hô “cậu-tớ” lịch sự thì thử xem “mày-tao” ở đây là ai nhé!

- Cậu nhận được email của Olivier chưa. Ổng thông báo: “Tao đi công tác thứ sáu này, tụi mày được nghỉ giờ của tao. Tao nhắc thêm tụi mày phải nộp bài tập vào tuần sau”.

- Thế à? Tớ chưa đọc. Ông này hay thông báo sát giờ như thế, xong lại bảo: “Tụi mày phải thế này, thế kia!”.

Tất nhiên, bạn sẽ đoán được ngay Olivier là một ông giáo sư. Như tôi đã bảo mà, “mày-tao” đã trở thành... “xìtrum” rồi, chỉ cần nói ra là mọi người sẽ hiểu...

Người Việt mình ai cũng biết “mày-tao” là cách xưng hô thân mật, suồng sã, thậm chí trong vài trường hợp còn là ngôn ngữ “chợ búa”. Hơn thế, ai cũng hiểu quan hệ đồng nghiệp hay sếp - nhân viên, đặc biệt là thầy - trò thì phải nói với nhau như thế nào?

Cho nên mỗi khi thấy cái ánh xạ dịch thuật, từ “I-you” hay “je - tu/ vous” chỉ ra mỗi kết quả “mày - tao” như vậy, tôi lại cảm giác cồm cộm nơi tai nghe. Vì hình như đó không phải là tiếng Việt của người Việt.

LÊ PHAN

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên