![]() |
Xúi con ly hôn - chuyện chỉ có thời @
Trước khi gả Mai Anh cho Thắng, bà Nga đã gọi con rể tương lai đến dặn dò: “Anh phải nâng nó như nâng trứng, đừng làm điều gì cho nó buồn. Nếu không tôi sẽ mang con gái về nhà nuôi. Nó là vàng bạc của nhà tôi, tôi nuôi nó suốt đời cũng được”. Khỏi cần bà Nga dặn, anh Thắng vốn rất yêu Mai Anh nên anh luôn chiều chuộng và chăm sóc cô rất tận tình.
Sau đám cưới, Thắng càng cưng chiều vợ hơn. Dù bận đến mấy, nhưng hàng ngày anh cũng đưa đón vợ đi làm. Mai Anh yêu cầu việc gì, anh cũng tìm cách làm cho bằng được. Nhưng sự đời thật trớ trêu, khi càng được chồng cung phụng, Mai Anh càng nghĩ ra nhiều cách hạch sách chồng và cố kiếm ra cớ để hờn dỗi. Thắng luôn chịu thua trước vợ và tìm đủ mọi cách để vợ hài lòng, nhưng chẳng khi nào thấy vợ anh thoả mãn.
Ngày nào, Mai Anh cũng gọi điện về cho mẹ, cố nghĩ ra những việc cỏn con để mách lẻo, than vãn về chồng, gia đình chồng. Và kèm theo đó là hôm nào Thắng cũng nghe những bài giáo huấn của mẹ vợ, những lời chỉ trích và điệp khúc hăm dọa: “Anh không cẩn thận, tôi đón nó về nhà, ly dị anh luôn đấy”. Thắng là người vốn rộng lượng, anh cho những trò đó của vợ thật trẻ con, nên thường tìm cách dỗ dành vợ và chạy tới thanh minh với bà Nga.
Thấy vậy, Mai Anh càng tỏ ra thích thú với trò hờn dỗi, dùng mẹ để “trị” chồng. Ở nhà chồng, cô chẳng chịu làm gì, sau giờ đi làm về, cô leo lên phòng than vãn mệt và bắt Thắng phải làm việc nọ việc kia. Mẹ Thắng rất bực mình với con dâu nhưng không muốn gây khó cho con trai nên bà cũng nhẫn nhịn.
Nhưng Mai Anh lại luôn có thái độ vô lễ với mẹ chồng và quát nạt các em của Thắng. Cô thường mang gia đình chồng về kể xấu với bà Nga. Dĩ nhiên, sau đó Thắng lại phải nghe những lời chỉ trích của mẹ vợ. Với Thắng, mẹ vợ nói gì về bản thân, anh cũng có thể chịu đựng được, nhưng đến thời điểm bà Nga liên tục dùng lời lẽ xúc xiểm, mỉa mai mẹ và các em ruột của mình khiến anh cảm thấy bị xúc phạm quá đáng.
Có lần, anh trao đổi thẳng với mẹ vợ về cách sống của Mai Anh, về sự nhẫn nhịn của mẹ anh với con dâu và mong bà Nga có cách chỉ dạy Mai Anh. Không ngờ, bà Nga lu loa lên rằng: “Anh bị nhà anh xúi bẩy, ghét bỏ con tôi”. Sau lần ấy, Thắng không nhờ mẹ vợ góp ý cho vợ nữa. Khi mẹ vợ gọi điện tìm, anh cũng kiếm cớ thoái thác vì anh đã chán với điệp khúc đe doạ đón con gái về của bà Nga.
Tuy vẫn chìu chuộng Mai Anh nhưng Thắng cũng thường nhắc nhở vợ về chuyện thực hiện bổn phận làm dâu, sửa đổi tính nết và đặc biệt anh yêu cầu vợ không được nói hỗn với mẹ chồng. Như thường lệ, Mai Anh tìm đến bà Nga, khóc tu tu kể tội chồng. Lần đó, bà Nga đến tận nhà mắng chửi con rể té tát. Bị quát mắng trước mặt cả nhà, Thắng cảm thấy bị hạ nhục, anh bỏ nhà đi mấy hôm.
Mai Anh điện cho chồng không được, lập tức điện cho mẹ đẻ than khóc. Trong cơn bốc đồng, bà Nga thuê taxi đến nhà con rể, quát mắng gia đình thông gia, lên phòng Mai Anh thu xếp đồ đạc, rồi dắt con gái về. Hôm sau, bà cho người mang đến gia đình anh lá đơn ly hôn do chính tay bà viết, yêu cầu anh Thắng ký ngay.
Về nhà, Thắng thấy vợ bỏ về nhà mẹ đẻ, nghe mọi người kể chuyện mẹ anh bị bà Nga quát mắng, chẳng cần suy nghĩ, ký xoẹt vào đơn ly hôn. Sau đó, anh từ chối mọi sự hoà giải của các tổ chức chính quyền. Một đôi lần bạn bè anh khuyên nên đến đón vợ về nhưng Thắng nhất định không chịu. Đã thế, gặp anh ở đường bà Nga còn chửi mắng “cấm anh không được qua lại nhà tôi nữa”. Thắng càng quyết tâm từ bỏ cô vợ trẻ con, bà mẹ vợ hợm hĩnh.
Ngày ra tòa, Mai Anh khóc, tỏ ý muốn quay về với Thắng nhưng cô bị mẹ vỗ về “con bỏ thằng mất nết này đi, người như con kiếm đâu chẳng được thằng hơn nó”. Nhưng thật đau đớn cho Mai Anh, sau một năm ly hôn, Thắng đã tìm được một cô vợ đẹp người đẹp nết, còn cô vẫn ở vậy với mẹ. Ngay cả bà Nga cũng thấy ân hận vì phút bốc đồng đã để mất chàng rể quý, làm lỡ dở cuộc đời của chính con gái mình...
Mỗi lần giận nhau với chồng là Thoa lại bỏ về nhà mẹ đẻ và kể hết tội chồng với bố mẹ mình. Cũng là những người “coi con mình là nhất” nên khi chồng Thoa đến đón vợ về là y như rằng phải nghe những lời mắng mỏ của bố mẹ vợ. Lần nào, bố mẹ Thoa cũng bắt chàng rể ký vào giấy hứa sẽ không làm Thoa bỏ đi, không làm cô khóc mới được đón vợ về. Bố mẹ Thoa không cần nghe chàng rể giải thích vì sao Thoa hờn giận, bỏ đi, cứ một mực đổ cho con rể tội ngược đãi vợ. Chồng Thoa luôn cố chìu theo ý “nhạc phụ, nhạc mẫu” ký vào giấy, nghe chửi mắng, đón vợ về trong sự ấm ức.
Anh luôn nhẹ nhàng phân giải với với vợ những phức tạp của chuyện bỏ về nhà mẹ đẻ, khuyên can nên sửa chữa, nhưng Thoa không chịu chấp nhận ý kiến của chồng. Hễ tức chồng (mà cô toàn tức giận những chuyện cỏn con: anh quên mua những món ăn cô thích, quên không gọi điện nhắc nhở uống thuốc, đi làm về không cười nói nhiều với vợ...) là cô lại phóng xe về nhà mẹ đẻ luôn.
Nhiều lần vợ bỏ đi, đến đón, bị bố mẹ vợ quát mắng, chồng Thoa cảm thấy tình cảm với vợ phai nhạt dần. Dần dần, anh không muốn đến đón Thoa khi cô bỏ về nhà nữa, anh cũng mặc những cú điện thoại quát mắng của bố mẹ vợ. Có lần Thoa biết điều phải tự về. Cuộc sống vợ chồng Thoa liên tục xảy ra những xích mích, cãi vã mà nguyên nhân đều do cô kiếm cớ hờn trách, đổ tội cho chồng.
Một lần, mẹ chồng bị ốm nằm viện, cô mải lo đi sinh nhật đồng nghiệp, không đến thăm nom kịp thời, bị chồng quát. Thoa tức tốc vơ đồ đạc bỏ về nhà và đe doạ chồng: sẽ cắt đứt tình cảm. Về nhà mẹ đẻ, cô mang ra “hàng nghìn thứ xấu xa” để kể tội chồng và khóc lóc kêu than về nỗi khổ, về việc mình bị đày đoạ.
Nghe con gái gào khóc, bố mẹ Thoa đến tận nhà thông gia, gặp chàng rể, chửi bới và bắt ly hôn.Trong cơn bực dọc, chồng Thoa cũng ký ngay vào đơn. Về sau, bố mẹ Thoa có ý gọi chàng rể quay lại, rút đơn ly hôn về nhưng chồng Thoa vì sĩ diện đàn ông nên khăng khăng muốn cắt đứt với cô vợ nhõng nhẽo, tránh mọi phiền toái với bố mẹ vợ...
Lời bàn
Nhiều cặp vợ chồng khi mâu thuẫn thường nhờ bố mẹ để hoà giải. Đối với họ, cha mẹ lúc đó như một chỗ dựa và cũng là vị “quan toà” đáng tin cậy nhất. Đó cũng là một trong nhiều lý do mà nhiều cặp vợ chồng muốn chung sống với cha mẹ.
Nhiều bậc cha mẹ, khi con cái lập gia đình không chỉ luôn tỏ ra gương mẫu để con cái học tập mà luôn giữ vị trí trung gian để hoà giải những mâu thuẫn cho con. Điều đáng nói là khi những bậc cha mẹ làm “quan toà”, họ không thiên vị dâu rể, cũng không bênh vực, càng không đưa ra những biện pháp tiêu cực làm ảnh hưởng xấu đến cuộc hôn nhân của con...
Đáng tiếc đã có một số bậc cha mẹ vì sự nông nổi, tình yêu với con ruột của mình một cách thái quá đã không phân biệt được đúng sai nên đã góp phần làm tổn hại đến cuộc hôn nhân của con. Lẽ ra trong hoàn cảnh con cái đang bị tổn thương tâm lý, đang chịu căng thẳng thì họ nên tìm cách hàn gắn những vết thương lòng ấy mà không nên để sự tức giận của mình làm mất đi lý trí.
Những cách “đổ dầu vào lửa” ấy của cha mẹ khi cuộc hôn nhân của con cái đang có bất hòa chẳng khác nào gieo thêm những khổ đau mà con cái đang gánh chịu và với những giải pháp tương tự như thế thì những khổ đau khác sẽ đeo đẳng con cái họ suốt đời...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận