10/08/2017 14:58 GMT+7

Mâu thuẫn trong định tội vụ lừa đảo tại Agribank Trà Vinh

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Các cơ quan tố tụng có nhiều quan điểm xử lý chưa thống nhất về vụ án, khi được Viện KSND tỉnh Trà Vinh xin ý kiến, Viện KSND Tối cao có văn bản cho rằng chứng cứ buộc tội các bị cáo yếu.

Ông Nguyễn Hữu Lộc - chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long - Ảnh T.L.

Theo kế hoạch, ngày 15-8, TAND tỉnh Trà Vinh sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định cho vay xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Trà Vinh (Agribank Trà Vinh) và Công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long.

8 bị cáo sẽ được đưa ra xét xử, trong đó có 5 người nguyên là lãnh đạo công ty bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cáo trạng thể hiện Nguyễn Hữu Lộc là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Aquafeed Cửu Long. Biết công ty kinh doanh không hiệu quả nên ông Lộc đã bàn bạc với cấp dưới lập các báo cáo tài chính khống để ngân hàng cho vay tiền.

Từ tháng 6-2010 đến tháng 12-2011, Nguyễn Hữu Lộc đã cùng một số bị can khác sử dụng 50 hóa đơn khống làm chứng từ để Agribank Trà Vinh giải ngân, chuyển 100 tỉ đồng vào tài khoản công ty.

Từ đây Aquafeed Cửu Long chuyển cho các công ty khác 52 tỉ đồng bằng 42 ủy nhiệm chi để Nguyễn Hữu Lộc và Trần Vũ Dũng - Ủy viên HĐQT Aquafeed Cửa Long chiếm đoạt.

Viện KSND tỉnh Trà Vinh kết luận Nguyễn Văn Trực - nguyên phó giám đốc phụ trách Agribank Trà Vinh và 2 cán bộ ngân hàng đã vi phạm các quy định cho vay gây thiệt hại hơn 52 tỉ đồng.

Cả 3 bị can đều bị truy tố về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Lãnh đạo ngân hàng, giám đốc doanh nghiệp cùng kêu oan

Bị cáo Nguyễn Văn Trực đã có đơn kêu oan gửi TAND tỉnh Trà Vinh đề nghị xem xét lại vụ án. Trong đơn, ông Trực khẳng định việc cho Aquafeed Cửu Long vay vốn là đúng nghị quyết của ngân hàng.

Khi ông ký duyệt cho Aquafeed Cửu Long vay vốn thì công ty có đủ điều kiện vay, đối tượng vay vốn phù hợp với nghành nghề phát triển kinh tế...

Quá trình cho công ty vay tiền, ông chưa hề nhận được bất cứ cảnh báo nào của phòng tín dụng về việc Aquafeed Cửu Long không còn khả năng trả nợ.

Ông Trực còn cho rằng tại các biên bản làm việc với công ty Aquafeed Cửu Long trước đây cũng như cán bộ tín dụng thì công ty vẫn còn nguồn để trả nợ cho ngân hàng như hơn 91 tỉ đồng tiền nợ phải thu của người dân, đây là khoản nợ được hình thành từ vốn vay của Agribank Trà Vinh.

Quá trình điều tra vụ án, bị can Nguyễn Hữu Lộc cũng có nhiều đơn kêu oan khẩn cấp gửi đến các cơ quan tố tụng. Theo ông Lộc, vụ án có dấu hiệu bị "hình sự hóa" bởi 5 năm qua, cơ quan điều tra không chứng minh được ông và các bị can khác chiếm đoạt tiền của công ty.

Ngoài ra, ông Lộc cho rằng việc cơ quan điều tra truy tố ông là không có căn cứ vì ông thôi chức Ủy viên HĐQT công ty từ đầu tháng 4-2014, trong khi đó 41 giấy nhận nợ của công ty Aquafeed Cửu Long chưa trả được cho ngân hàng đều phát sinh từ ngày 4-8-2014, sau 5 tháng kể từ khi ông nghỉ.

Điều đáng nói là quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh đã có bảng thống kê danh sách công nợ phải thu của Aquafeed Cửu Long tại các tỉnh Miền Tây là hơn 91 tỉ đồng, chưa kể tài sản nhà xưởng, máy móc thiết bị công ty.

“Thời điểm khởi tố vụ án, tài sản thế của công ty Aquafeed Cửu Long gồm máy móc, nhà xưởng, nợ trong dân cần thu hồi, hàng hóa tồn kho... khoảng hơn 170 tỉ, hoàn toàn đảm bảo cho khoản nợ 100 tỉ đồng tại Agribank Trà Vinh. Công ty có khả năng trả nợ ngân hàng” - ông Lộc cho biết.

Tranh cãi về quan điểm xử lý

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết khi thụ lý vụ án, Viện KSND tỉnh Trà Vinh đã có văn bản xin ý kiến của Viện KSND tối cao về quan điểm giải quyết vụ án.

Tại văn bản này, Viện KSND tỉnh Trà Vinh cho biết 3 ngành tố tụng địa phương chưa thống nhất xác định tội danh và vai trò của bị can đầu vụ là Nguyễn Hữu Lộc.

Tại văn bản trả lời, Viện KSND tối cao cho rằng kết quả điều tra vụ án đã xác định các bị can có hành vi gian dối trong việc vay tiền của Agribank Trà Vinh, tuy nhiên cơ quan tố tụng chưa chứng minh được ý thức chiếm đoạt tài sản và số tiền các bị can đã chiếm đoạt.

Đối với bị can Nguyễn Hữu Lộc, Viện KSND tối cao nhận định chứng cứ buộc tội yếu. Không có chứng cứ chứng minh bị can Lộc đã chỉ đạo, điều hành các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội.

Sau khi Lộc thôi giữ chức chủ tịch HĐQT tại Aquafeed Cửu Long được trên 5 tháng thì công ty mới vay tiền của Ngân hàng. Vì vậy chưa rõ căn cứ để truy tố trách nhiệm hình sự ông Lộc.

Điều đáng nói là lúc đầu, ông Nguyễn Hữu Lộc và 4 bị can trong vụ án bị khởi tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó, cơ quan điều tra lại thay đổi quyết định khởi tố đối với các bị can sang tội “sử dụng tài sản trái phép”.

Cuối cùng, cơ quan điều tra lại thay đổi quyết định khởi tố các bị can sang tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên