27/06/2013 08:01 GMT+7

Mâu thuẫn triền miên, người học khổ sở

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TT - Sáng 26-6, Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để giải quyết những mâu thuẫn nội bộ trong thời gian qua. Cũng vì mâu thuẫn nội bộ, trường này bị thanh tra và đình chỉ tuyển sinh hai năm liên tiếp khiến các sinh viên đang theo học gặp không ít khó khăn.

3ebhizrU.jpgPhóng to
Đại hội cổ đông bất thường sáng 26-6 tại Trường ĐH Hùng Vương chỉ có 9/14 cổ đông lớn tham gia

Ông Ngô Gia Lương - người chủ trì đại hội cổ đông bất thường - cho biết đại hội bất thường này nhằm sửa sai những sai phạm tại kết luận của Thanh tra TP.HCM và triển khai quyết định của UBND TP.HCM về việc không công nhận ông Lê Văn Lý làm hiệu trưởng nhà trường. Ông Lương nói: “Đến thời điểm này đã hơn ba năm nhưng hội đồng quản trị (HĐQT) mới (nhiệm kỳ của ông Đặng Thành Tâm) chưa một lần tổ chức đại hội cổ đông. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nhóm cổ đông đại diện cho phần vốn thuộc sở hữu tập thể của nhà trường và vốn thuộc cổ đông sáng lập (80,25% số cổ phần) kiến nghị tôi đứng ra tổ chức đại hội này nhằm mục đích đòi lại quyền lợi cho tập thể cán bộ, giảng viên của nhà trường”.

Hai hiệu trưởng

Miễn nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT đối với ông Đặng Thành Tâm

Ngoài việc bầu lại hiệu trưởng tạm quyền, điểm đáng chú ý trong đại hội cổ đông bất thường là việc thống nhất miễn nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT đối với ông Đặng Thành Tâm.

Lý giải lý do đi đến quyết định bãi nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT đối với ông Đặng Thành Tâm, ông Trịnh Vũ Dũng - thành viên ban kiểm soát - cho biết: “Ông Đặng Thành Tâm dù là chủ tịch HĐQT nhưng từ đó đến nay không tổ chức triệu tập họp HĐQT. Ngoài ra, ông cũng không tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên theo quy định bắt buộc năm 2012 và 2013 để khắc phục sai sót theo kết luận thanh tra”.

Điều đáng nói là đại hội cổ đông bất thường này chỉ có 9/14 cổ đông lớn tham dự với thành phần là “thuộc bên” ông Lê Văn Lý - nguyên hiệu trưởng, trong khi cổ đông “thuộc bên” chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm không có ai tham gia. Đại hội cổ đông bất thường sáng 26-6 này đã ra nghị quyết đề cử ông Nguyễn Đăng Dờn (trưởng khoa tài chính ngân hàng) làm hiệu trưởng tạm quyền để điều hành trường trong một tháng, sau đó sẽ đề nghị Bộ GD-ĐT chính thức công nhận ông Dờn là hiệu trưởng. Đại hội cũng chính thức đề nghị ông Lê Văn Lý bàn giao nhiệm vụ, con dấu, sổ sách... cho ông Dờn. Ông Lê Văn Lý cho biết ngay trong chiều 26-6, ông gửi văn bản đến UBND TP.HCM để ủy ban có ý kiến chỉ đạo về việc bàn giao này, chỉ đạo thế nào ông sẽ làm thế ấy.

Trước đó, cổ đông “thuộc bên” ông Đặng Thành Tâm cũng đã bầu ông Tạ Văn Thành - một thành viên HĐQT - làm hiệu trưởng. Như vậy, những mâu thuẫn nội bộ của trường vẫn tiếp diễn khi đồng thời có đến hai hiệu trưởng do hai bên bầu ra.

Đại hội sáng 26-6 cũng ra nghị quyết thống nhất nhờ công ty tư vấn luật tư vấn để chuẩn bị khởi kiện đối với ông Lương Ngọc Toản - chủ tịch HĐQT khóa trước, trưởng ban chuyển đổi trường từ dân lập sang tư thục - vì đã làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi. Với vai trò của mình, ông Toản đã ký quyết định công nhận vốn góp, cổ đông trong khi các nhà đầu tư vẫn chưa chuyển đầy đủ vốn góp vào tài khoản của trường.

Người học lo lắng

Trong lúc những thành viên HĐQT còn đang đấu đá nhau giành quyền kiểm soát, trường này bị thanh tra và đình chỉ tuyển sinh hai năm liên tiếp do mâu thuẫn nội bộ. Việc đấu đá này vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống thì hàng ngàn sinh viên đang theo học tại trường rất lo lắng. Đặc biệt, những sinh viên còn nợ môn lo sợ mình sẽ không tốt nghiệp đúng hạn do công tác đào tạo gặp khó khăn.

Đào Lê Ngọc Trinh - sinh viên bậc CĐ ngành quản trị kinh doanh - cho biết lẽ ra mình tốt nghiệp năm 2011 nhưng đã hai năm qua vẫn chưa được tốt nghiệp vì còn nợ môn báo cáo thực tập. Theo Trinh, lý do Trinh chưa trả được môn này là do trường không có lớp, giáo viên để hướng dẫn, chấm báo cáo thực tập. Điều đáng lo lắng nhất theo gia đình Trinh, đó là thời gian học tối đa của bậc CĐ chỉ năm năm, trong khi đây đã là năm thứ năm của khóa học. Nếu năm nay không được tốt nghiệp thì công sức ba năm học có thể sẽ đổ sông đổ biển khi kết quả học tập bị hủy. Trinh cho biết hai năm qua, do chưa tốt nghiệp nên Trinh phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống, trong khi bạn bè cùng khóa đã có bằng tốt nghiệp và đi làm.

Liên quan đến vấn đề đào tạo, đảm bảo quyền lợi người học, bà Nguyễn Thị Mai Bình - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hùng Vương - cho biết do trường bị đình chỉ tuyển sinh hai năm nên việc tổ chức lớp trả nợ cho sinh viên có phần khó khăn hơn. Tuy nhiên, trường đã đưa ra các phương án để sinh viên có thể trả nợ và hoàn thành khóa học, tốt nghiệp đúng hạn. Theo đó, với các môn cơ bản, trường sẽ gom sinh viên để tổ chức lớp. Cái khó là các môn chuyên ngành do số lượng sinh viên không nhiều, có môn chỉ có một sinh viên. Với những môn có từ tám sinh viên trở lên, trường sẽ tổ chức lớp tại trường. Với những môn có 1, 2 sinh viên, trường có các phương án như gửi sang trường khác học đem điểm về trường. Nếu môn đó trường có giảng viên cơ hữu sẽ tổ chức lớp một kèm một. Nếu giảng viên ngoài trường, sinh viên chịu toàn bộ chi phí đào tạo hoặc như phương án ban đầu là trường liên hệ để sinh viên chuyển sang trường khác học môn đó.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên