05/11/2019 17:30 GMT+7

Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ 4: Cho đi để nhận lại

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Hình ảnh những em nhỏ ở làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ tranh nhau sờ và hôn lên tấm huy chương mỗi lần anh Nguyễn Hồng Lợi đem về làm cho tấm lòng chàng trai đặc biệt này ấm lại.

Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ 4: Cho đi để nhận lại - Ảnh 1.

Lợi cùng học trò của mình - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Sự thành công của Bằng là lời báo đáp cảm động nhất cho lòng nhiệt tình của tôi. Chẳng gọi là cho đi, nhưng tôi được nhận lại quá nhiều. Khoảnh khắc ấy đã in hằn vào lòng tôi.

NGUYỄN HỒNG LỢI

Lợi nhìn một em trong làng đeo tấm huy chương của anh vào cổ, cúi chào mọi người như thể mình là người chiến thắng. Đám bạn vây quanh vỗ tay không ngớt. Một tràng cười ai nấy... bể bụng.

Trong những lần vui đùa ấy, Lợi thoáng nhận ra trong mắt những đứa trẻ kia ánh lên tia sáng kỳ lạ. Như thấy mình trong đó, Lợi nhận ra niềm khao khát được thể hiện của tụi nhỏ. Chúng khao khát có cơ hội thể hiện để được vượt qua chính mình như Lợi đã từng...

Buổi dạy đầu

Một chiều cuối hè 2012, anh dẫn tụi nhỏ ra hồ bơi trong làng Hòa Bình. Anh muốn biểu diễn lại các kiểu bơi đã giúp anh đạt chiếc huy chương cho tụi nhỏ chứng kiến. Đám nhỏ lao nhao phấn khích như thể muốn nhảy ào xuống hồ dù chẳng biết bơi.

Trong đầu anh vụt lóe ý tưởng sẽ dạy bơi cho chúng. Và rồi công việc tiến hành tức thì.

Khóa học bơi khởi đầu ngay trong làng Hòa Bình với 12 em, tất nhiên trong đa số hào hứng, cũng có đứa e sợ khi lần đầu làm quen với nước bằng cơ thể không lành lặn. Thấu cảm tâm lý, Lợi tận tình hướng dẫn các em bằng tất cả tình yêu thương của mình.

Một sảnh nhỏ nằm kế hồ bơi được biến thành nơi truyền đạt lý thuyết. Bờ hồ bơi là nơi để các em ngồi vây lấy mỗi giờ "thầy Lợi đứng lớp".

Thỉnh thoảng đang hướng dẫn, anh nhìn xuống thấy cảnh láo nháo của đám học trò, đứa thiếu tay, đứa không chân, đứa nhỏ thó trên xe lăn hay xiên mình tựa vào chiếc nạng... Những đôi mắt trong sáng, ngây thơ và giàu tình cảm đẫm tràn yêu thương.

Anh hướng dẫn cho tụi nhỏ một số kỹ năng, kinh nghiệm đối với những thân thể thiếu khuyết ở dưới nước.

"Suốt ba tiếng đồng hồ trong sự phấn khích cao độ, tôi không hiểu vì sao lại bày cho mấy đứa quá nhiều kỹ thuật bơi đến như vậy. Nhưng tụi nhỏ, từ đầu cho đến suốt buổi, vẫn tiếp nhận một cách hào hứng lắm", Lợi kể.

Đêm ấy anh hồi hộp đợi buổi học tiếp theo của bọn trẻ. Một đêm trôi qua chậm chạp trong nhiều suy nghĩ về buổi học ngày mai.

Anh lo lắng những thứ truyền đạt có thể "chẳng ra làm sao", hoặc tụi nhỏ chỉ muốn ngồi nghe để giết thời gian. Anh cũng nghĩ liệu thứ mình nói có hấp dẫn tụi nhỏ, hay chúng sẽ tìm lý do không theo học nữa...

Sớm mai, niềm vui vỡ òa khi anh nghe các cô ở làng Hòa Bình bảo rằng tụi nhỏ đã dành suốt cả đêm để ôn lại những gì anh truyền đạt.

"Tôi thấy rất tự hào về tố chất làm thầy của mình", anh dí dỏm với tôi. Càng vui hơn nữa khi buổi học thứ hai đã có 15 bạn đợi sẵn trong lớp, tăng thêm ba bạn nữa so với buổi trước.

Tuần tiếp tuần nối nhau qua đi bằng những buổi dạy và học bơi lý thú của các thầy trò không may mắn được lành lặn như bao người.

Lợi tiếc và thương lắm khi một số bạn khuyết tật quá ngặt nghèo không thể làm quen với nước dù rất mong muốn. Nhưng nhiều bạn rất nỗ lực đã vượt qua khiếm khuyết bản thân để làm quen sóng nước ngoài sức mong đợi của Lợi.

Nổi lên trong số học trò có em Đặng Minh Bằng - một cậu bé "dị tật ở tay chân" muốn trở thành "kình ngư" chuyên nghiệp. Anh truyền đạt hết kỹ năng với lòng yêu thương. Niềm vui tiếp tục khi nhiều bạn khác trong lớp về khoe được vinh danh trong các hội thao nhà trường.

"Vui hơn cả mình được nhận giải"

Sau thời gian dài luyện tập, Lợi cùng học trò bước vào những mùa thi "thử lửa". Lần đầu tiên Minh Bằng dự thi cấp quốc gia với Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2016 diễn ra tại TP.HCM.

Năm ấy, Bằng về tay không, buồn bã. Lợi cùng chung nỗi buồn. Anh quá hiểu học trò khao khát chiến thắng. Anh biết khả năng của Bằng thừa sức đạt kết quả cao hơn thế...

"Nhưng cũng là thử lửa, cậu học trò tuổi gần đôi mươi khi ấy đã "xin lỗi" tôi bằng cách tự đăng ký một lịch khổ luyện. Nhìn học trò căng mình tập luyện sau mùa giải thất bại, tôi càng thấy thương quý.

Tôi cảm nhận được lòng yêu mến của Bằng dành cho mình qua ý thức tự giác và sự chăm chỉ luyện tập. Bằng không nói ra nhưng tôi hiểu cậu ấy", anh chia sẻ.

Một năm trôi qua, anh cùng Bằng lần nữa chinh phục mùa giải mới diễn ra tại TP.HCM. Những ngày Bằng sắp dự thi, Lợi bồn chồn ra vào không làm nổi việc gì ra hồn. Lúc cậu ấy lấy đà lao mình xuống đường đua cũng là lúc lồng ngực Lợi cũng như muốn vỡ tung. Dù biết rõ khả năng học trò nhưng ở trên anh cứ lo đủ điều.

Lợi thấp thỏm rồi rướn mình theo từng động tác của Bằng như chính mình đang ở dưới đường đua. Khi cánh tay Bằng chạm vào vạch đích cũng là lúc đôi chân thiếu khuyết của anh không còn trụ nổi. Anh vui mừng đến run cả chân trước thành tích mà Bằng đạt được.

Lần đấy, Bằng đạt được một tấm huy chương vàng ở nội dung 100m tự do nam của Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc. Tấm huy chương xứng đáng cho nỗ lực của Bằng.

Lợi hào hứng kể như chính mình là người chiến thắng: "Tên cậu học trò được xướng to giữa khán đài là giây phút tôi sung sướng hơn cả khi mình được nhận giải. Tôi thấy mình như người nông dân đang đi gặt. Bởi dù vụ trước có mất mùa đi chăng nữa thì năm nay lúa mẩy hạt hơn cả.

Từ cậu học trò trắng tay ở mùa giải đầu, sau hơn ba năm tập luyện, giờ đây Bằng đã có cho mình bộ sưu tập với hơn 10 tấm huy chương các loại".

Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ 4: Cho đi để nhận lại - Ảnh 3.

Lợi (trái) cùng VĐV bơi lội khuyết tật từng giành nhiều huy chương vàng tại ASEAN Para Games Võ Huỳnh Anh Khoa - Ảnh: C.TRIỆU

Dạy bơi cho trẻ khỏe mạnh

Trong thời gian duy trì lớp học, một phụ huynh đã tìm đến nhà và ngỏ ý muốn Lợi dạy bơi cho con họ. Đó là đứa trẻ chỉ mới 8 tuổi. Dạy bơi cho trẻ khuyết tật thì đã quen, nhưng anh lo rằng mình sẽ không đủ sức để dạy một đứa trẻ bình thường.

"Nhưng đây đúng là cơ hội "trời ban" bởi xưa nay tôi chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có ai đó đủ can đảm giao con cho mình. Chần chừ, tôi xin hẹn một tuần để suy nghĩ. Rất may là vị phụ huynh ấy cũng đồng ý", Lợi nhớ lại mà cũng còn thấy vui.

Để có sự tự tin trước khi nhận lời hay thực hơn là không để tuột mất cơ hội này, anh nghĩ rằng mình cần phải đi học "làm thầy". Và với sự giúp đỡ của một VĐV bơi lội cùng người thầy đang dạy bơi tên Ngọc, Lợi vừa tiếp tục đứng lớp ở làng Hòa Bình vừa tham gia khóa học "làm thầy".

Sau vài ngày tham gia quan sát tại các lớp dạy bơi cho người bình thường, anh bắt đầu nắm được kha khá các kỹ năng. Biết rằng sẽ rất khó nếu chỉ thị phạm bởi mình là một người khuyết tật, các giáo án khắc phục điều đó được anh căng mình soạn riêng.

Kết quả, chỉ sau hơn một tuần tập luyện, từ cô bé có phần nhút nhát khi tiếp xúc với nước thì giờ đây đã có thể tự bơi tốt. Việc các học trò tự tin bơi lội, hay nhiều học trò đạt được thành tích cao trên đường đua xanh như một phần thưởng cho chính nỗ lực của người thầy đặc biệt này...

Lần đầu tham gia đóng phim, Lợi vào vai cậu bé mồ côi nghèo phải rong ruổi mưu sinh. Lo sợ làm ảnh hưởng đoàn phim, nhưng vì nhân vật hóa vai quá giống mình nên Lợi đã nhận lời...

Kỳ cuối: Tình yêu thương nuôi tôi lớn

Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ 3: Làm chủ con sóng Mặt trời lúc nửa đêm - Kỳ 3: Làm chủ con sóng

TTO - Làm chủ tinh tế được cây cọ bằng chính bàn tay trái duy nhất thành công càng khiến Lợi có thêm lý do và động lực khai phá bản thân. Anh tiếp tục đối diện những con sóng và quyết không để bị nhấn chìm...

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên