Mặt sân đủ tiêu chuẩn sẽ giúp cầu thủ hưng phấn hơn trong thi đấu - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Nói về mặt sân xấu, nhiều đội bóng đổ thừa do thời tiết và không có kinh phí bảo dưỡng. Nhưng thực tế, chuyện để mặt sân xấu lại do chính cách bảo dưỡng không tốt của CLB cũng như cách nhìn của lãnh đạo CLB về tầm quan trọng của mặt sân.
Cỏ lá gừng lấn át cỏ Bermuda
Theo thống kê, 11/12 sân ở V-League 2020 hiện đang sử dụng hai loại cỏ chính là Bermuda (cỏ lá kim) và cỏ lá gừng. Chỉ có sân Hồng Lĩnh sử dụng cỏ Paspalum, một loại cỏ cao cấp tương tự như cỏ Bermuda.
Cỏ Bermuda được sử dụng khắp các sân cỏ Đông Nam Á và thế giới. Nó có rễ hình xương cá ăn sâu khoảng 30cm, bám chặt đất nên chịu lực va đập và tránh bong tróc mặt sân rất tốt. Ngoài ra, lá cỏ nhỏ mịn nên không cản đường lăn của bóng.
Cỏ Bermuda còn được ưa chuộng bởi có thể điều chỉnh bề mặt: cắt sọc rằn và caro khiến mặt sân nhìn rất bắt mắt. Nhưng ưu điểm lớn nhất của cỏ Bermuda chính là chịu được khô hạn và có độ bền 7-10 năm.
Nhiều ưu điểm là vậy nhưng chỉ có ba sân ở V-League 2020 sử dụng cỏ Bermuda là Hàng Đẫy, Thống Nhất và Hòa Xuân.
Trong khi đó, dù là loại cỏ cần nhiều dinh dưỡng và tưới nhiều nước, nếu không sẽ mau xuống màu nhưng do ưu điểm giá rẻ hơn gần một nửa so với cỏ Bermuda, lại dễ trồng nên cỏ lá gừng đã được 8 sân ở V-League 2020 lựa chọn là Pleiku, Gò Đậu, Cẩm Phả, Thiên Trường, Tam Kỳ, Thanh Hóa, Lạch Tray và Vinh. Điểm hạn chế của cỏ lá gừng là lá to, cản lực đi của bóng và độ bền cũng chỉ 3-5 năm.
Mặt sân xấu vì bảo dưỡng không tốt
Ngay cả khi sử dụng cỏ lá gừng như nhau, vẫn có những sân có mặt cỏ đẹp (Cẩm Phả, Gò Đậu…) và những sân mặt cỏ rất xấu (Vinh, Lạch Tray, Thanh Hóa). Về điều này, những CLB có mặt sân xấu lý giải do thời tiết sương muối khắc nghiệt ở phía Bắc làm chết cỏ.
Nhưng thực tế, sân Cẩm Phả hay Thiên Trường cũng ở phía Bắc nhưng mặt sân của hai CLB Than Quảng Ninh và Nam Định này đều đẹp.
Điều dẫn đến sự khác biệt này nằm ở công tác bảo dưỡng mặt sân. Cụ thể, Nam Định - đội bóng cũng được xem là "nghèo" ở V-League như Sông Lam Nghệ An (SLNA) nhưng chuyện bảo dưỡng mặt sân được quan tâm và làm rất tốt.
Giám đốc điều hành CLB Nam Định - ôngTrần Thái Toán - cho biết có rất nhiều công đoạn để giữ gìn mặt sân: "Ngoài việc bón phân, phun thuốc diệt côn trùng thì phải thường xuyên tưới nước cho sân. Đặc biệt là mùa đông có sương muối, cỏ hay chết nhiều, người quản lý mặt sân phải dậy sớm phun nước rửa sương muối đêm xuống đọng ở cỏ để không làm chết lá, rồi chiều lại phun nước tiếp. Mùa hè càng phải tưới nước nhiều hơn để cỏ không bị chết. Chi phí bảo dưỡng mặt cỏ nếu trong tháng thi đấu tốn hơn 30 triệu đồng/tháng.
Còn ở những đợt nghỉ hoặc không thi đấu do dịch COVID-19 như hiện nay thì chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng. Một năm chúng tôi tốn khoảng 300-400 triệu đồng cho việc bảo dưỡng sân. Đây là số tiền không nhỏ với đội, nhưng nếu không làm tốt mặt sân, cầu thủ chấn thương vì mặt sân xấu có khi còn tốn nhiều tiền hơn".
So sánh mặt sân cỏ lá gừng và cỏ Bermuda
Tâm lý chờ "sung rụng"
Sân đấu của các đội bóng ở V-League đều thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Ông Lê Hồng Cường - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thể thao bóng đá Bình Dương - cho biết dù các CLB ở V-League hoàn toàn có thể tự thu tự chi được, nhưng nhiều CLB muốn lợi dụng kinh phí của Nhà nước để tu bổ sân. Nhưng do vướng nhiều thủ tục nên chưa kịp có kinh phí, mặt sân đã xấu mất rồi.
Ông Cường cũng chia sẻ cách làm của B.Bình Dương. Theo đó, CLB có đội phục vụ sân bãi hơn 20 người và tiền trả lương cho họ lấy từ tiền bán vé hằng năm (khoảng 2 tỉ đồng).
Ông Cường cho biết: "Mặt sân cần phải thường xuyên tu bổ. Sau mỗi trận đấu, lực lượng phục vụ sân Gò Đậu phải dàn hàng ngang đi khắp mặt sân cỏ để xem chỗ nào bị hư hỏng là cắm mốc cho bộ phận rải cát hoặc lắp cỏ đến làm. Sau đó, xe lu sẽ đi lu cho phẳng rồi tưới nước. Trước trận đấu một tuần phải cắt cỏ và lu lại mặt sân một lần nữa. Nếu không làm những điều đó, mặt sân sẽ mau hư".
Tân binh Diego Silva của Hải Phòng mới đây đã thẳng thắn chỉ ra rằng vấn đề lớn nhất của V-League chính là sân bãi khi nói: "Nếu xem video các trận đấu ở Thai League so với các trận đấu ở V-League, người ta sẽ nói các trận đấu ở VN là giải nghiệp dư chứ không phải chuyên nghiệp. Nói vậy vì ở Thái Lan, đội bóng nào cũng có sân đẹp, ngay cả với các CLB chơi ở giải thấp. Sân đẹp, cầu thủ sẽ chơi tốt hơn và bóng đá cũng sẽ phát triển hơn".
Khó trách vì sao các sân đấu ở V-League ít khi kín khán giả, bởi người hâm mộ đến sân làm gì khi chất lượng các trận đấu bị hạ thấp rất nhiều vì những mặt sân quá tệ.
Đừng coi thường người hâm mộ
Trên diễn đàn lớn mang tên bóng đá VN, các CĐV bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng mặt sân xấu ở V-League kéo dài từ năm này qua năm khác trong khi bóng đá chuyên nghiệp VN đã bước sang tuổi 20.
Có CĐV viết: "Đến lúc người hâm mộ cần có tiếng nói để các CLB, nhà quản lý phải thay đổi. Chúng ta không thể chỉ biết than phiền từ năm này sang năm khác trong khi ban lãnh đạo đội bóng, ban quản lý sân, tổ chức có thẩm quyền vẫn coi thường người hâm mộ... Năm 2020 rồi mà các sân bóng quá lạc hậu và xuống cấp trầm trọng".
Đừng đổ cho việc thiếu tiền
Năm 2019, Trung tâm TDTT Thống Nhất được đối tác Thái Lan tài trợ thay mới mặt sân Thống Nhất bằng cỏ Bermuda với giá 6,8 tỉ đồng. Nhưng thực tế để đầu tư mặt sân cỏ Bermuda đẹp tương tự có giá rẻ hơn nhiều và hoàn toàn nằm trong tầm tay của các CLB ở V-League.
Mặt cỏ sân Thống Nhất luôn đẹp, bắt mắt nhờ được chăm sóc, bảo dưỡng chu đáo - Ảnh: N.K.
Các chuyên gia làm mặt sân cỏ cho biết đầu tư mặt cỏ Bermuda chỉ vào khoảng 2 tỉ đồng bao gồm việc trồng cỏ, thay mặt cát ở sân và làm hệ thống tưới nước tự động. "Sân cỏ lá gừng trồng có giá 70.000 đồng/m2, trồng hết sân thi đấu khoảng 800 triệu đồng, tiền bảo dưỡng khoảng 30 triệu đồng/tháng. Còn cỏ Bermuda được trồng và thay hết mặt cát ở sân có giá 210.000 đồng/m2, cộng thêm hệ thống tưới nước tự động (500 triệu đồng), tất cả vào khoảng 2 tỉ đồng. Tiền bảo dưỡng cho sân cỏ Bermuda khoảng 50 triệu đồng/tháng. So về giá cả, sân cỏ Bermuda tuy cao hơn về chi phí ban đầu lẫn bảo dưỡng hằng tháng nhưng đây là cỏ tiêu chuẩn FIFA và có độ bền tốt hơn sân cỏ lá gừng" - một chuyên gia về mặt sân cỏ chia sẻ.
Với chi phí khoảng 2 tỉ đồng, các CLB hoàn toàn có thể trích tiền từ nhà tài trợ ra để làm lại mặt sân cỏ Bermuda vì đây cũng là bộ mặt của CLB lẫn nhà tài trợ. Nhưng đa phần các CLB ở V-League vẫn làm bóng đá theo kiểu bao cấp khi chờ nguồn tiền từ ngân sách của địa phương.
2 tỉ đồng tính ra cũng chỉ bằng giá trị chuyển nhượng 2-3 ngoại binh/mùa hoặc bằng tiền vé thu được của một mùa bóng. Vì vậy đừng đổ cho việc thiếu tiền khi nói về chuyện đầu tư cho mặt sân.
Bảo Nguyên
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận