12/04/2020 13:37 GMT+7

Mặt sân Vinh quá xấu: Và thông điệp 'Vì những đôi chân lành lặn'

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TTO - Ngay cả ở lần cải tạo gần nhất phục vụ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2016, sân Vinh cũng chỉ chủ yếu sửa sang các khán đài, thay mới, thêm các ghế hỏng... Với mặt sân xấu như thế, cầu thủ rất dễ gặp chấn thương trong thi đấu.

Mặt sân Vinh quá xấu: Và thông điệp Vì những đôi chân lành lặn - Ảnh 1.

Mặt sân Vinh quá xấu là mối đe dọa cho những cầu thủ vừa trở lại sau chấn thương như Phan Văn Đức - Ảnh: TRUNG TRẦN

Trong 12 sân ở V-League, mặt sân Vinh (Sông Lam Nghệ An) và Lạch Tray (CLB Hải Phòng) được xem là xấu nhất. Ngay các CĐV Sông Lam cũng phải lên tiếng trên fanpage của mình: “Chúng tôi không thể chấp nhận việc sân vận động của tỉnh lại trở thành nỗi hổ thẹn mỗi khi lên sóng truyền hình”.

Vì vậy, các CĐV SLNA mới đây đã phải "cầu cứu" đến những người có trách nhiệm với thông điệp "Vì những đôi chân lành lặn".

Nỗi xấu hổ của cả V-League

Mới đây, lãnh đạo CLB B.Bình Dương đã trả lời kiểu nửa đùa nửa thật khi được hỏi về mặt sân Vinh: "Không biết SLNA có học Chelsea khi tiếp Barcelona ở vòng knock-out Champions League 2006 hay không (cố tình không cho sửa chữa mặt cỏ nhằm phá hỏng lối chơi kỹ thuật của đối thủ - PV) mà mặt sân bao năm qua chẳng hề cải tạo như thể nhằm làm khó các đội khách".

Nhưng mặt sân trơ trụi cỏ như mặt ruộng không phải là vấn đề duy nhất của sân Vinh. Mặt sân cứng như bêtông mới chính là vấn đề đáng nói nhất khi làm tăng nguy cơ chấn thương của cầu thủ trong tập luyện lẫn thi đấu. 

Cho đến giờ, sân Vinh có lẽ là sân bóng duy nhất ở V-League còn tưới nước bằng vòi thủ công khi hệ thống tưới ngầm tự động đã hư nhưng không được sửa chữa. 

Ngay cả ở lần cải tạo gần nhất phục vụ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc 2016, sân Vinh cũng chỉ chủ yếu sửa sang các khán đài, thay mới, thêm các ghế hỏng... Với mặt sân xấu như thế, cầu thủ rất dễ gặp chấn thương trong thi đấu.

Ngay các cầu thủ SLNA cũng là "nạn nhân" trên chính sân nhà của mình. Mặt sân xấu khiến thủ môn Nguyễn Văn Hoàng và trung vệ Hoàng Văn Khánh gặp chấn thương trong trận SLNA thắng B.Bình Dương 1-0 ở vòng 2 V-League 2020. 

Còn ở mùa trước, hàng chục cầu thủ SLNA gặp chấn thương vì mặt sân, trong đó có tuyển thủ Phan Văn Đức. Sau khi hồi phục chấn thương đứt dây chằng hồi năm ngoái, Đức tiếp tục bị chấn thương khi trở lại tập luyện trên sân Vinh.

Từng dẫn dắt CLB SLNA, cựu HLV Nguyễn Thành Vinh cũng sốt ruột khi nhìn mặt sân Vinh ngày càng xuống cấp. Ông nói: "Mặt sân xấu không chỉ khiến các đội khách gặp khó khăn, ngay các cầu thủ SLNA cũng khó đá và mất cảm hứng chơi bóng. Đáng lo nhất là mặt sân xấu dễ gây chấn thương cho các cầu thủ, nhất là những cầu thủ vừa trở lại sau chấn thương như Phan Văn Đức".

Vì sao không sửa sân Vinh?

Giải thích về chuyện chậm sửa chữa mặt sân xuống cấp, lãnh đạo CLB SLNA cho biết có ba nguyên nhân chính: 1- Thời tiết khắc nghiệt khiến việc bảo quản, chăm sóc mặt cỏ sân Vinh rất khó. 2- SLNA là đội bóng thuộc diện con nhà nghèo nên lo đủ kinh phí để nuôi các đội bóng đã là thành công, chứ nói chi chuyện sửa chữa mặt sân cho đẹp. 3- Sân Vinh thuộc quyền sở hữu của Sở VH-TT Nghệ An, nên muốn sửa chữa lớn phải xin ý kiến cũng như sự hỗ trợ về ngân sách của tỉnh.

Lý giải của CLB SLNA chỉ đúng có một nửa, bởi nhiều CLB khác ở V-League cũng có sân thi đấu thuộc Sở VH-TT quản lý nhưng vẫn không xấu tệ như sân Vinh. Hơn nữa, để làm một mặt sân đẹp như sân Thống Nhất (sân nhà của CLB TP.HCM và Sài Gòn nhưng do Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM quản lý) cũng chỉ mất 7 tỉ đồng. Một năm CLB SLNA có 30 tỉ đồng tài trợ từ Ngân hàng Bắc Á và thêm một khoản không nhỏ khác từ ngân sách tỉnh nên nếu "thắt lưng buộc bụng" một chút, CLB cũng có đủ lực để sửa sân.

Mặt sân Vinh quá xấu: Và thông điệp Vì những đôi chân lành lặn - Ảnh 2.

Mặt sân Vinh trơ trụi cỏ như mặt ruộng - Ảnh: TRUNG TRẦN

VPF cũng có lỗi

Dù vậy, phản ứng của các CĐV xứ Nghệ trên mạng xã hội cũng khiến lãnh đạo CLB SLNA không thể ngồi im. Ngoài việc cố gắng cải tạo mặt sân để được thi đấu trên sân nhà khi V-League 2020 trở lại, chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh cho biết lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã họp và thống nhất chi 24 tỉ đồng để cải tạo mặt sân cũng như giàn đèn trên sân Vinh theo tiêu chuẩn của AFC. 

Ông Thanh nói: "Hôm 26-3, tỉnh đã ký và có quyết định cho dự án cải tạo lại sân Vinh. Còn tiền khi nào có và thời gian khi nào bắt đầu thì do tỉnh quyết định, chúng tôi chỉ chờ thôi".

Sớm nhất, CLB SLNA chỉ có thể cải tạo mặt sân ở mùa giải 2021, chuyện mặt sân Vinh sắp tới có thể sẽ lại là tiếng thở dài. Nhưng nếu Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) quyết liệt trong việc khi kiểm tra và cấp phép tham dự giải, sân Vinh có thể đã được sửa chữa sớm hơn. 

Nói vậy bởi năm 2019, SLNA là một trong sáu CLB không đạt đủ điều kiện cơ sở vật chất cho việc thi đấu với mặt sân xấu và giàn đèn có ánh sáng không đủ chuẩn.

Mặt sân Vinh vừa chai cứng vừa trơn trượt

"Trong quá trình sử dụng, trước mỗi trận đấu hay tập luyện, chúng tôi buộc phải dùng máy lu san bằng nền đất. Việc thực hiện điều này trong một thời gian dài khiến mặt sân bị chai cứng.

Hơn nữa, do hệ thống thoát nước ngầm không hoạt động vì bị hư khiến mặt sân Vinh khi gặp mưa thường xảy ra tình trạng trơn trượt", lãnh đạo CLB SLNA cho biết.

Mặt sân trơ đất, mấp mô, cầu thủ đá V-League 2019 như bị... cực hình Mặt sân trơ đất, mấp mô, cầu thủ đá V-League 2019 như bị... cực hình

TTO - Những mùa V-League gần đây, nhiều HLV đã than phiền bởi chất lượng quá tệ của ba sân Thanh Hóa, Vinh và Lạch Tray. Với cầu thủ, đây là cực hình...

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên