21/11/2014 19:37 GMT+7

​Mất quyền điều hành bay vì “chết” cả 3 bộ lưu điện

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Ông Lại Xuân Thanh - cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết như vậy trong buổi trao đổi thông tin với báo chí chiều 21-11 về các sự cố liên quan đến an toàn bay trong thời gian gần đây.

Ông Lại Xuân Thanh - cục trưởng cục hàng không Việt Nam - trả lời các câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Thanh cho biết nguyên nhân trực tiếp của sự cố mất điện cung cấp cho hệ thống thiết bị điều hành bay tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh (ACC HCM) và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC HCM) là do hỏng bộ lưu điện (UPS). 

Lập tổ điều tra nhằm ngăn chặn sự cố tương tự

Tại thời điểm xảy ra sự cố có 54 máy bay trong khu vực trách nhiệm của ACC HCM và trong thời gian xảy ra sự cố có tổng số  92 máy bay bị ảnh hưởng. Nhiều máy bay trong Vùng thông báo bay  (FIR) Hồ Chí Minh và các FIR Hà Nội, Sanya, Pnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn cất cánh tại sân, quay trở lại hạ cánh sân bay khởi hành, hoặc hạ cánh tại sân bay dự bị.

Điều hành bay không phải bồi thường do sự cố liên quan đến kỹ thuật đơn thuần

Trả lời báo chí, ông Thanh cho biết hiện Cục Hàng không đang tập trung vào xử lý sự cố kỹ thuật chưa thống kê được con số thiệt hại bằng tiền và xin “khất” việc quy thiệt hại thành tiền vì việc tính toán không phải dễ.

Tại cuộc họp, Tuổi Trẻ đặt vấn đề hành khách và các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện có thể yêu cầu ACC HCM bồi thường. Tuy nhiên, ông Thanh cho biết, điều hành bay là ngành đặc thù và môi trường làm việc áp lực lớn. Vì vậy hàng không thế giới không đặt nghĩa vụ điều hành bay phải bồi thường do sự cố liên quan đến kỹ thuật đơn thuần.

Ông Thanh khẳng định đây là sự cố kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam, ảnh hưởng đến tất cả các chuyến bay hoạt động trong FIR Hồ Chí Minh và các FIR lân cận, được xem là sự cố quốc tế. Vì vậy Cục Hàng không đã có quyết định lập tổ điều tra làm rõ.

Các sự cố an toàn bay gần đây là điều đáng tiếc trong bối cảnh sự cố hàng không 6 tháng đầu năm tăng cao và Bộ trưởng Bộ GTVT đã ra chỉ thị về việc này.

Cụ thể về sự cố mất điện ở ACC HCM, ông Thanh cho biết nguyên nhân trực tiếp do 1 trong 3 UPS bị hỏng (mỗi UPS có khả năng cung cấp điện cho toàn bộ hệ thống thiết bị điều hành bay hoạt động), khi khởi động lại thì 2 UPS còn lại cũng bị hỏng.

Trong khi đó điện lưới không mất, máy phát điện vẫn hoạt động. Nhưng hai nguồn điện trên vẫn đi qua UPS để cung cấp cho hệ thống nên khi hỏng cả 3 UPS thì hệ thống thiết bị điều hành bay không tiếp nhận được nguồn điện để hoạt động. 

Đến trưa 21-11 cả 3 UPS đã được khắc phục để hoạt động bình thường.

Sáng 21-11, Cục Hàng không đã rà soát lại việc thực hiện kế hoạch ứng phó không lưu khi xảy ra sự cố như vừa rồi.

Với hệ thống cung cấp điện của ACC HCM, tổ điều tra sẽ rà soát lại hệ thống điện dự phòng, công tác bảo dưỡng, bảo hành, quy trình vận hành hoạt động của hệ thống cấp điện, xem xét có lỗi vận hành hay không. Đồng thời rà soát cả quy trình vận hành đầy đủ hay chưa để khắc phục và ngăn ngừa.

Trước mắt, Cục Hàng không cũng yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đình chỉ nhân viên trực tiếp vận hành việc cấp điện và kíp trưởng của kíp trực về cấp điện của ACC HCM trong thời điểm xảy ra sự cố để phục vụ điều tra.

Ông Lại Xuân Thanh (ngồi giữa) trao đổi với ông Đoàn Hữu Gia - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tại buổi họp báo - Ảnh: Nguyễn Khánh

Chưa có cơ sở kết luận lỗi do chỉ huy bay quân sự

Liên quan đến sự cố hai máy bay dân dụng và trực thăng quân sự “suýt đụng nhau” ở Tân Sơn Nhất ngày 29-10, ông Lại Xuân Thanh  cho biết đây là lỗi vi phạm phân cách tối thiểu giữa hai máy bay gây uy hiếp an toàn bay.

“Nói về cam kết không để xảy ra mất an toàn thì đây là nhiệm vụ đương nhiên của ngành hành không, trên cả sự cam kết. Vì ngoài cái quan trọng nhất là tính mạng con người thì an toàn hàng không liên quan đến sự sống còn của ngành hàng không và sự phát triển kinh tế xã hội. Một sự cố xảy ra ảnh hưởng tới cả quốc gia cho nên không phải gọi là cam kết hay không mà là nghĩa vụ của ngành hàng không đối với xã hội, đất nước. Đối với ngành hàng không một tai nạn là quá nhiều. Đó là một trong những mục tiêu mà ngành hàng không phấn đấu” - ông Thanh nói về việc cam kết ngăn ngừa sự cố.

Nguyên nhân sơ bộ ban đầu là do sự phối hợp hiệp đồng bay giữa dân dụng và quân sự của kíp trực điều hành ngày hôm đó, lỗi của kiểm soát viên không lưu (KSVKL) hợp đồng trong việc canh nghe huấn lệnh của các KSVKL điều hành bay. 

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 21-11 Cục Hàng không và các đơn vị quân đội liên quan đã có buổi giảng bình để đưa ra những biện pháp trước mắt và lâu dài để tăng cường đảm bảo an toàn, tập trung phối hợp điều hành giữa hàng không dân dụng N Kvà quân sự.

Tuy nhiên, qua giảng bình chưa đủ cơ sở để kết luận sự cố trên là do lỗi của chỉ huy bay quân sự như thông tin trên báo chí. Cục Hàng không cùng phía quân đội thành lập tổ điều tra để làm rõ sự cố và có xử lý nghiêm trách nhiệm của các nhân viên hàng không liên quan cũng như xem xét trách nhiệm của hệ thống.

Ông Thanh cho biết dù có xảy ra các sự cố thời gian qua nhưng nhìn chung ngành hàng không vẫn đang kiểm soát được công tác an toàn.

Trả lời báo chí, đại tá Hà Như Tuế - trưởng phòng Quản lý bay của Quân chủng Phòng không - không quân cho biết chuyến bay trực thăng của quân đội tại Tân Sơn Nhất là có kế hoạch từ ngày hôm trước và đã thông báo cho bên dân dụng chứ không phải chuyến bay phát sinh.

Từ nhiều năm nay không quân đều tăng cường ứng dụng tiếng Anh trong hoạt động bay nhằm đảm bảo phối hợp giữa hàng không dân dụng và quân sự trong những tình huống cần thiết. Vì vậy, chưa thể khẳng định phi công trên hai máy bay không nắm được thông tin do nghe huấn lệnh bằng tiếng Anh bên dân sự và tiếng Việt bên quân sự.

Còn ông Lại Xuân Thanh khẳng định dù sân bay có dùng chung dân dụng và quân sự nhưng hoạt động điều hành bay ở sân bay là điều hành chung chứ không tách thành hai hệ thống độc lập.

Trước câu hỏi của báo chí về một trong những nhân viên kíp điều hành không lưu tại Tân Sơn Nhất trong sự cố giữa máy bay dân dụng và quân sự ngày 29-10 là con cháu của lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay miền Nam, ông Lại Xuân Thanh cho biết đang yêu cầu VATM giải trình. 

Trả lời báo chí về chi tiết này, ông Đoàn Hữu Gia - phó tổng giám đốc VATM - nói “ai cũng có con cháu, tất cả các cơ quan đơn vị ở các ngành nghề đều có con cháu người làm trong ngành chứ không chỉ riêng VATM. Thông tin con cháu lãnh đạo có mặt trong kíp trực chúng tôi biết muộn hơn các bạn. Nhưng dù là con cháu ai thì khi tuyển dụng đều bình đẳng và đảm bảo về trình độ, chuyên môn đồng thời phải chịu trách nhiệm với công việc của mình”.

Về thông tin 40% KSVKL có trình độ trung bình và yếu, 30% không đạt trình độ tiếng Anh, ông Lại Xuân Thanh cho biết con số đó là đánh giá nội bộ của VATM để huấn luyện lại nguồn lực.

Trong 40% trung bình và yếu, có 8% là yếu xét theo nhiều tiêu chí. Có 30% KSVKL không đạt trình độ tiếng Anh level 4 (tiếng Anh mẹ đẻ là level 6) theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.

Hiện nay cục Hàng không yêu cầu VATM đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho những KSVKL chưa đạt trình độ hoặc điều chuyển sang công việc ít sử dụng tiếng Anh hơn. Đồng thời nâng cao chất lượng tuyển dụng và đào tạo.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên