09/02/2012 16:26 GMT+7

Mát lành canh mít nấu tép

 HOA LÊ(BCK33, ĐHKH Huế)
 HOA LÊ(BCK33, ĐHKH Huế)

AT - Nhắc đến mít, chắc hẳn ai cũng nghĩ đến trái mít chín thơm lừng, những múi mít vàng tròn lẳn, ngọt đậm đà nhưng ít ai biết rằng từ trái mít xanh cũng chế biến ra nhiều món ăn ngon mà lạ như món mít luộc, nhút mít và đặc biệt là món canh mít nấu tép.

wWDIhL9k.jpgPhóng to
Canh mít nấu tép

Hương Sơn, Hà Tĩnh là quê ngoại tôi, một vùng núi nghèo, đất cằn đá sỏi nhưng được thiên nhiên ưu đãi cho rất nhiều mít.Mít mọc khắp vườn, bên đường, cạnh bờ ao, những cây mít mọc lâu năm không biết ai trồng cũng không ai chăm sóc nhưng cây nào cây nấy trĩu quả. Cây mít có một sức sống bền bỉ lạ thường như chính người dân nơi đây vậy.

Tôi sống với ngoại từ nhỏ, gắn với cây mít sau vườn nhà ngoại, mùa mít thì tha hồ thưởng thức bao nhiêu là món từ trái mít. Nhưng hương vị món canh mít nấu tép mát lành của ngoại thì phải gọi là “tuyệt cú mèo”, giản dị nhưng thật ấm áp, khó quên.

Ngoại ra vườn lựa quả mít vỏ còn xanh, gai còn nhọn để nấu canh. Ngoại bảo trái mít như thế còn non, xơ còn mềm, hạt chưa già, nấu canh sẽ thơm và bùi. Lớp vỏ mít xù xì được ngoại gọt bỏ đi, rửa sạch mủ và ngâm vào nước chanh pha loãng để mít không bị đen, màu mít được trắng nõn. Sau đó, ngoại lấy một phần mít vừa ăn vằm nhỏ để nấu canh, còn lại cứ ngâm trong nước để vài ba hôm sau dùng cũng không sao.

Để có một nồi canh mít nấu tép rất đơn giản, từ nguyên liệu cho đến cách chế biến. Mớ tép riu ngoài chợ, trái cà chua và nắm lá lốt trong vườn là ngoại đã làm nên món canh hấp dẫn. Cho tép vào xào chín sau đó cho cà chua và mít đã vằm nhỏ vào, thêm gia vị và đảo đều khoảng 3 phút thì đổ nước vừa ăn. Khi nồi canh sôi nhắc xuống, cho lá lốt đã cắt nhỏ vào, thế là xong.

Món canh này ở quê chắc chẳng ai lạ lẫm gì nhưng ở thành phố sẽ thấy là lạ bởi lấy đâu ra mít non mà nấu, nhưng đảm bảo đã thưởng thức một lần sẽ muốn ăn lại và ghiền luôn!

Mâm cơm nhà ngoại đơn giản, đạm bạc chỉ có món canh mít nấu tép nhưng mấy đứa cháu cứ cắm đầu ăn cho kỳ hết mới thôi. Thìa canh có vị ngòn ngọt của tép và mít non, mùi thơm ấm áp đặc trưng của lá lốt. Không những thế màu sắc lại đẹp hài hòa, chỉ nhìn thôi đã muốn ăn rồi. Không cầu kỳ, bắt mắt như những món sơn hào hải vị, canh mít nấu tép quê ngoại vẫn có sức hấp dẫn kỳ lạ bởi hương vị đậm đà, chân chất của quê hương.

Xa ngoại, cuộc sống với bao bộn bề lo toan ở chốn thành thị, thưởng thức bao nhiêu của ngon vật lạ nhưng mỗi khi tôi mệt mỏi, lại muốn trở về bên vòng tay ngoại để ngoại nấu cho món canh mít nấu tép mà ăn, để tìm lại hương vị yên bình, ấm áp, thân thương...

JkibMH8n.jpgPhóng to

Áo Trắng số Tân Niên (số 2) ra ngày 01/02/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 HOA LÊ(BCK33, ĐHKH Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên