07/04/2019 09:01 GMT+7

Mất giấy tờ, lòi ra... món nợ: Giấy tờ thật, con nợ giả

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Hàng loạt trường hợp bỗng nhiên trở thành con nợ của các công ty tài chính, thậm chí bị lọt vào danh sách nợ xấu trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) nên không thể vay vốn ngân hàng.

Mất giấy tờ, lòi ra... món nợ: Giấy tờ thật, con nợ giả - Ảnh 1.

Anh P.T.Quyền (Thủ Đức) bị mạo danh vay số tiền 40 triệu đồng. Đến nay số tiền gốc, lãi và phạt lên đến 75 triệu đồng và anh đang khiếu nại công ty tài chính - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Điều đáng nói là các nạn nhân đã gõ cửa khắp nơi nhưng vẫn không được xử lý, khiến việc vay vốn làm ăn gặp nhiều khó khăn. 

Theo các chuyên gia, thực tế này cho thấy việc phải siết lại quy trình cho vay từ công ty tài chính cần phải làm sớm.

Giấy tờ thật, con nợ giả

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, anh Lý Duy Khanh (P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TP.HCM) cho biết sau khi bị mất toàn bộ giấy tờ gồm CMND, bằng lái xe, thẻ ngân hàng hồi tháng 7-2018, anh đã đi làm lại các giấy tờ bị mất. 

Tuy nhiên, kẻ gian sau đó đã lấy CMND của anh đi mua điện thoại trả góp với giá hơn 5 triệu đồng tại một cửa hàng điện thoại trên đường 3 Tháng 2 (Q.11) rồi xù nợ, khiến tên anh bị đưa vào danh sách nợ xấu trên CIC.

Chuyện chẳng có gì xảy ra vì số liên lạc mua điện thoại là của người vay vốn thực sự, chỉ đến khi anh Khanh đi vay vốn nhưng liên tục bị từ chối mà không biết lý do. Đến khi hỏi một ngân hàng anh mới tá hỏa khi biết tên mình nằm trong danh sách nợ xấu của CIC nên không ngân hàng nào cho vay. 

Anh Khanh đã khiếu nại lên công ty tài chính cho vay, yêu cầu xóa thông tin trên. "Dù công ty có ghi nhận sự việc nhưng đến nay đã một tháng vẫn chưa giải quyết cho tôi. Trong chuyện này, tôi hoàn toàn không liên quan, lỗi là do khâu xác minh của công ty tài chính nhưng hậu quả tôi phải gánh chịu, công việc gặp rắc rối" - anh Khanh nói.

Tương tự là trường hợp anh P.T.Quyền (Thủ Đức). Cuối năm 2017, anh Quyền nộp hồ sơ xin việc vào một công ty tài chính, trong đó có sổ hộ khẩu và CMND. Sau khi được nhận vào làm việc một thời gian, anh Quyền nghỉ việc và chuyển sang làm tại một ngân hàng nước ngoài. 

Khi tình cờ kiểm tra thông tin trên CIC, anh Quyền phát hiện thông tin cá nhân, sổ hộ khẩu, CMND đã nộp cho công ty tài chính đã bị lợi dụng để làm hồ sơ vay 40 triệu đồng từ tháng 10-2018. Đến nay, khoản nợ này thành nợ xấu với số tiền gốc, lãi lên đến hơn 75 triệu đồng.

Điều kỳ lạ là thông tin CMND, sổ hộ khẩu của anh Quyền nhưng số điện thoại và địa chỉ cư trú đều của người khác. 

Anh cũng không ký bất kỳ hồ sơ vay vốn nào, chưa từng ra bưu điện ở Đồng Nai nhận tiền vay và khi công ty đưa ra hồ sơ vay gốc, anh cũng không biết người vay là ai. "Tôi cũng chưa từng đóng bất kỳ khoản tiền nào để trả gốc, lãi rồi ngưng không thanh toán để phát sinh nợ xấu như công ty nêu" - anh Quyền bức xúc.

Mấy tháng qua anh liên tục khiếu nại nhưng phía công ty tài chính viện nhiều lý do, trong đó có việc người trực tiếp làm hồ sơ vay này đã nghỉ việc nên khó liên hệ giải quyết. Khi anh Quyền chất vấn vì sao thông tin không khớp mà vẫn cho vay, phía công ty nói là cho vay theo sim, kiểm tra sim điện thoại đủ tiêu chuẩn là cho vay. 

"Mua sim điện thoại chỉ vài trăm ngàn nhưng được cho vay đến 40 triệu đồng dù thông tin không khớp là quá mạo hiểm. Nếu tôi không làm ngân hàng và kiểm tra trên CIC, tôi làm sao biết mình tự nhiên rơi vào danh sách nợ xấu và món nợ sẽ "phình to" như thế nào" - anh Quyền nói thêm.

Không chấp nhận dễ dãi, cẩu thả

Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, thực tế trên cho thấy trong quá trình cho vay của các công ty tài chính còn bộc lộ rất nhiều vấn đề, đặc biệt trong khâu thẩm định và xét duyệt cho vay. 

Trong các trường hợp này, nếu chỉ khiếu nại ở công ty tài chính rất khó giải quyết được vấn đề, mà người bị mạo danh vay vốn nên khiếu nại lên cơ quan quản lý trực tiếp của các công ty tài chính là Ngân hàng Nhà nước.

"Với vai trò của mình, cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các công ty tài chính phải làm rõ vấn đề để giải quyết cho người vay. Thậm chí, có thể yêu cầu cơ quan công an vào cuộc để làm rõ những người mạo danh vì hành vi này không chỉ vi phạm quy định mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bị mạo danh" - ông Tín phân tích.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức nói rằng những trường hợp bị mất hoặc lộ thông tin và bị lợi dụng để đứng tên trên hồ sơ vay vốn trên thực tế không phải hiếm, trong đó phần lớn chỉ phát hiện khi "đụng chuyện", như khi vay vốn ngân hàng. 

Theo ông Đức, giải pháp để buộc các công ty tài chính phải chặt chẽ hơn là tăng các biện pháp chế tài, xử phạt từ phía cơ quan quản lý để từ đó buộc họ phải siết lại quy định, tăng cường kiểm tra, rà soát để hạn chế rủi ro gây ra do đạo đức nhân viên.

Dự thảo sửa đổi thông tư 43 về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính của Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay của các công ty tài chính. Nhưng ngoài quy định về việc không được nhắc nợ, đòi nợ người trên thực tế không có vay, không đe dọa đối với khách hàng..., Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải siết lại thời gian giải quyết khiếu nại của khách hàng.

"Theo dự thảo thông tư sửa đổi, thời gian giải quyết khiếu nại của khách hàng lên đến 45 ngày là quá dài, tạo điều kiện cho các công ty tài chính "câu giờ", có khi kéo dài đến mấy tháng khiến khách hàng nản mà bỏ cuộc. Do đó, theo tôi, nên rút ngắn chỉ còn 5 ngày buộc các công ty tài chính phải phản hồi và có biện pháp giải quyết. 

Ngoài ra, cần quy định rõ "người có nghĩa vụ liên quan", trong trường hợp này là những người bị mạo danh hồ sơ để vay. Với những trường hợp này, không chỉ công ty tài chính mà cả ngân hàng, CIC cũng phải vào cuộc. Nếu xác minh đúng như khách hàng phản ảnh, phải xóa thông tin và không lưu dấu vết lịch sử nợ xấu để họ có thể dễ dàng vay vốn làm ăn, đồng thời phải có hình thức bồi thường và xin lỗi họ" - ông Đức nói.

Người không vay vẫn bị "khủng bố"

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, nhiều người cho biết vẫn bị các công ty tài chính khủng bố đòi nợ dù không vay vốn.

Anh N.T.P. (TP.HCM) - công khai số điện thoại trên Facebook do công việc làm ăn - cho biết gần đây mỗi ngày anh phải nhận 6-7 cuộc gọi với nội dung "có biết anh đó ở đâu không hoặc nhắc anh H., anh B. gì đó đến trả nợ".

"Họ cứ liên tục gọi kiểu xoay vòng, mỗi lần gọi là mỗi số và người khác, khi tôi gọi lại thì không được. Tôi rất stress, cảm thấy cuộc sống của mình bị đe dọa" - anh P. phản ảnh.

Theo anh Đại (Phú Yên), người thân của anh vay tiền nhưng trả trễ hẹn khiến anh liên tục bị nhân viên công ty tài chính gọi điện thoại, dùng những lời lẽ thô tục và đe dọa thuê giang hồ xử gia đình anh.

"Có khi họ gọi lúc 9h đêm, mỗi ngày gọi hàng chục cuộc làm đảo lộn cuộc sống của tôi. Mong Ngân hàng Nhà nước sớm có biện pháp chế tài xử phạt để dẹp kiểu đòi nợ này" - anh Đại kiến nghị.

Công an xử phạt dân cho vay nặng lãi ngay khi... rải quảng cáo Công an xử phạt dân cho vay nặng lãi ngay khi... rải quảng cáo

TTO - Tại cơ quan công an, Hoàn khai nhận đã tự in ấn, phát tờ rơi và hoạt động cho vay tiền với lãi suất 30% trên địa bàn Trà Vinh và Vĩnh Long.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên