Người cộng sự âm nhạc nói với danh ca opera Maria Callas trong bộ phim tiểu sử Maria của Pablo Larraín khi bà, trong những năm cuối đời, bày tỏ mong muốn quay trở lại sân khấu.
Gương mặt Angelina Jolie khi vào vai Maria ẩn trong bóng tối, đôi mắt trũng sâu.
Maria không bao giờ nghe những đĩa nhạc của mình
Trong tác phẩm của Larraín về công nương Diana, cũng có cảnh nàng đứng trong tòa lâu đài âm u, quay mặt khỏi ánh sáng và bóng tối chiếm lấy đôi mắt trũng sâu.
Trước đó nữa, ông cũng tái hiện đôi mắt trũng sâu của Jackie Kennedy khi trở về nhà, thay bộ đồ rướm máu chồng và nghĩ về hậu sự cho John F. Kennedy.
Trilogy của Larraín đi vào cái vùng cấm ấy trong tâm trí những người phụ nữ duyên dáng và bất an, vỏ bọc càng vinh quang lấp lánh bao nhiêu thì càng cô lập họ hơn bên trong những khổ đau nhiều hơn và ít lối thoát hơn.
Maria Trailer #1 (2024)
Thường xuyên có cảnh họ đi lại trong tư dinh, như thể đang đi lại trong chính tâm trí mà họ đã đi lại hàng triệu lần. Maria của Pablo Larraín luôn sống bên trong chính mình: căn hộ như lâu đài của mình, âm nhạc của mình, ký ức của mình, ảo giác của mình.
Maria Callas là một người gốc Hy Lạp. Người Hy Lạp nghĩ rất nhiều về cái chết. Triết học Hy Lạp, chẳng phải cũng bắt đầu từ Socrates, bắt đầu với niềm tin rằng "triết học là sự chuẩn bị cho cái chết".
Khi đến gần cái chết cũng là lúc người ta muốn tìm kiếm một bệ đỡ cho cuộc sống đang tan rã của bản thân. Maria không bao giờ nghe những đĩa nhạc của mình, bởi chúng hoàn hảo quá và âm nhạc không nên hoàn hảo.
Nhưng trong những ngày cuối đời, nàng lại mở sự hoàn hảo ấy lên nghe. Những đĩa nhạc - thứ sẽ sống cả sau khi nàng đã chết cả trăm năm, thứ sẽ ở lại vĩnh viễn trám vào sự vắng mặt của nàng, nàng sẽ không bao giờ còn hát hoàn hảo như khi thu những chiếc đĩa này - có lẽ hơn ai hết nàng hiểu rằng nếu nàng có bất tử trong mắt người hâm mộ thì là vì những lát cắt thời gian ấy đã được lưu lại.
Dường như giờ đây, chính những bản ghi âm mãi mãi tuyệt vời sẽ là Maria Callas đích thực trong mắt phần lớn khán giả, còn Maria Callas thật không lên được những nốt cao ngất như đã từng chỉ còn là bóng dội từ quá khứ.
Nhưng opera vẫn tự tay giết nàng
Chống lại quá khứ hoàn hảo của bản thân chính là sống, là bệ đỡ duy nhất của sự sống. Maria muốn quay trở lại sân khấu chỉ vì lời khen ngợi của cô đầu bếp đã chăm sóc cho nàng bấy nhiêu năm, người vốn chẳng biết gì về opera, người nàng biết sẽ luôn ngợi khen nàng dù nàng hát thế nào.
Nàng thôi hát vì không còn hoàn hảo nữa; và giờ nàng hát vì nàng biết mình không còn hoàn hảo. Nàng đòi hát cả khi bác sĩ nói, nếu hát, nàng sẽ chết. Cảnh nàng hát một mình trong căn hộ giữa Paris, và bên dưới những người qua đường tình cờ nghe được và ngước mắt lên nhà danh ca, khiến ta liên tưởng tới cảnh một đám người bỗng nhiên thấy Đức Mẹ hiện hình.
Không ai thu âm lại tiếng hát không hoàn hảo ấy, nó chỉ tồn tại trong khoảnh khắc, nhưng chính trong sự vô thường, bất toàn, cuộc đời đang ca khải hoàn vẻ đẹp của nó trước khi cuộc sống bị cái chết đánh bại.
Mở đầu Maria, ta thấy Maria Callas bước đến một chiếc cáng y tế và hát Ave Maria của Verdi. Đó là một Ave Maria khác với Ave Maria quen thuộc của Schubert.
Bản nhạc của Verdi nằm trong vở opera Otello dựa trên nguyên tác của Shakespeare, đoạn người vợ thủy chung Desdemona đang nguyện cầu cho những kẻ khốn khổ như mình, nhưng bất chấp điều đó, nàng vẫn bị đấng phu quân Otello giết chết.
Chúng ta sẽ được tiết lộ sau đó, rằng ở cảnh này Maria thực ra đang tự hát ai điếu cho chính mình.
Nàng chết khi đang hát một mình trong căn hộ ở Paris, bất chấp biết rằng với sức khỏe đang suy kiệt, âm nhạc sẽ mang lại án tử cho mình. Nàng yêu opera như thế, coi opera là cuộc đời, là cuộc hôn nhân vĩnh cửu duy nhất, nhưng opera vẫn tự tay giết nàng.
Đó có phải bi kịch không? Có lẽ. Nhưng thật khó tưởng tượng Maria muốn bị một điều gì đó khác hơn lấy đi tính mạng.
Cả bộ phim được xây dựng như một hình dung của Maria về chính nàng, người theo chân quay phim và nói chuyện với nàng là Mandrax, một ảo thị, một nhân hóa của loại thuốc an thần - thôi miên mà mỗi ngày nàng đều uống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận