Đầu tiên là một thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Nội dung thông tư này lập tức bị dư luận đánh giá là không rõ ràng, thiếu thực tế.
Thế là hôm sau, trong công điện gửi đi nhiều nơi, Bộ GD-ĐT tiếp tục giải thích làm rõ. Nhưng rồi công điện ấy cũng chẳng rõ hơn được bao nhiêu. Bộ đành phải làm thêm một công văn nữa để giải thích chi tiết hơn. Chưa biết có còn thêm văn bản nào nữa để mô tả, hướng dẫn thực hiện chủ trương này nữa hay không. Có điều, cách làm này khiến xã hội nghĩ rằng Bộ GD-ĐT đã vội vã, thiếu chuẩn bị thấu đáo khi đưa ra một chủ trương có tác động đến nhiều người.
Đáng tiếc, đây lại không phải là lần đầu. Chỉ riêng trong kỳ tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT đã mấy bận thử thách dư luận. Đơn cử như chuyện bộ tỏ ra vô cùng cương quyết khi ban hành thông tư, quyết tâm cắt chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp của các trường ĐH. Bộ GD-ĐT mạnh mẽ tuyên bố từ tuyển sinh năm 2012 các trường ĐH không được tuyển sinh trung cấp. Thế nhưng, khi thông tư còn chưa kịp được thực hiện, các trường đã lên tiếng. Cùng với một số lý do thực tế khác, Bộ GD-ĐT lại ban hành “thông tư sửa đổi” cho phép các trường tuyển bậc trung cấp trở lại để giảm chỉ tiêu từ từ.
Hay như chuyện ngày thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT dự tính lùi ngày thi vào các ngày cuối tuần để giảm ùn tắc giao thông. Nhưng rồi tính toán ấy đã bị liệt vào hạng “tính già hóa non”. Bởi nếu lùi ngày thi để giảm ùn tắc, thí sinh, phụ huynh sẽ phải lưu lại thành phố nhiều ngày hơn, quá trình tuyển sinh sẽ kéo dài hơn, các lực lượng tham gia tổ chức thi cũng sẽ vất vả và dĩ nhiên chi phí sẽ nặng nề hơn. Rốt cuộc Bộ GD-ĐT quyết định quay lại lịch thi như cũ.
Không chỉ trong tuyển sinh, thời gian qua xã hội đã chứng kiến không ít chủ trương của ngành giáo dục sau một thời gian thực hiện lại phải thay đổi lớn, thậm chí quay lại như cũ. Trong đó, câu chuyện tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay câu chuyện phân ban, câu chuyện tăng tải, giảm tải... vẫn còn nguyên giá trị thời sự.
Chuyện thi cử, học hành vốn ảnh hưởng đến rất nhiều người trong xã hội. Vì vậy, mọi sự thay đổi, điều chỉnh liên quan đến quá trình đó rất cần một sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Sự chuẩn bị đó giúp những điều chỉnh, thay đổi trở nên phù hợp hơn với thực tế và trở thành động lực cho phát triển giáo dục. Nếu không, cho dù những điều chỉnh, thay đổi đó có mục đích tốt đẹp đến đâu cũng sẽ gây bức xúc, thậm chí phản tác dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận