18/02/2010 06:30 GMT+7

Mang cải lương đến xứ người

TẤN KHÔI
TẤN KHÔI

TTXuân - Đi học ở nước ngoài, Trịnh Hoàng Xuân Phúc vẫn thường mặc áo bà ba đến trường. Bạn bè thắc mắc chàng trai 22 tuổi ấy muốn “chơi nổi” hay vì lẽ gì?

LXnBoYv0.jpgPhóng to

Phúc mặc áo bà ba trong một đêm diễn ở trường - Ảnh: Hưng Thịnh

Phúc tâm sự: “Cải lương nói riêng và nghệ thuật dân tộc nói chung đang bị những loại hình âm nhạc đến từ phương Tây lấn át nên những người trẻ như tôi cần phải làm một cái gì đó thật cụ thể để giữ gìn bản sắc của dân tộc mình.

Ngay tại cộng đồng người Việt mà tôi đang sống, tôi muốn làm nhiều hơn để bà con đừng quên văn hóa Việt qua bài ca vọng cổ, qua món ăn như xôi, chè Nam bộ... Do vậy, tôi đang làm và sẽ làm dài dài ý tưởng kéo khán giả trẻ đến với nghệ thuật cải lương, sau này về VN làm việc cũng vậy thôi”.

Trịnh Hoàng Xuân Phúc trả lời: “Đơn giản vì Phúc muốn góp phần khẳng định với các bạn quốc tế rằng tôi là người Việt. Một chiếc áo truyền thống có thể là đặc trưng để nhớ, khơi gợi sự tìm tòi về VN”.

Có nhiều lần Phúc mặc áo bà ba ra đường, nhiều người nước ngoài hỏi Phúc có phải người VN không, và họ còn xin chụp hình chung. Nhưng điều Phúc thích thú và đã bước đầu làm tốt là truyền tình yêu cải lương đến người Việt trẻ là du học sinh và Việt kiều ở Úc, trong đó có những nghiên cứu sinh người nước ngoài đang nghiên cứu về VN.

Tình yêu cải lương của Phúc bắt đầu từ ngoại và má. Khi còn nhỏ, Phúc đã được nghe những lời ru mượt mà của má, lớn lên cũng nghe má ru em những điệu lý, dân ca Nam bộ. Cứ thế mưa lâu thấm dần. Trong một lần về Thủ Dầu Một, Bình Dương (quê Phúc) và nghe được bài vọng cổ Cô bán đèn hoa giấy do nghệ sĩ ưu tú Lệ Thủy hát từ chiếc radio trong chòi lá của người nông dân, Phúc đã mê mẩn, nhất là khi ấy đứng giữa mênh mông đồng ruộng, những cánh cò trắng... “Tôi thấy quê hương thật rõ qua bài vọng cổ từ đó” - Phúc nhớ lại.

Sau đó, tầm sư học đạo, Phúc được đạo diễn sân khấu Hữu Hạnh (Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Bình Dương) chỉ giáo những bài bản cải lương. Chính vì niềm yêu thích nghệ thuật dân tộc nên khi bước vào Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, thấy bạn bè chọn hướng đi cho mình là phim truyện, phim truyền hình, phim quảng cáo thì Phúc vẫn kiên trì con đường đạo diễn sân khấu, chuyên về cải lương dù biết “có thể thu nhập không cao bằng những đạo diễn khác”.

BVAUxqAC.jpgPhóng to

Phúc (bên trái) tập cải lương để diễn phục vụ du học sinh và kiều bào ở Úc - Ảnh: Hưng Thịnh

Vừa học sân khấu, Phúc vừa học thêm công nghệ ở Trường Kent. Tốt nghiệp, Phúc sang Úc học ở Trường đại học Công nghệ Curtin. Dù học chuyên ngành marketing nơi xứ người, Phúc vẫn không quên nghệ thuật dân tộc đã vận vào mình từ lâu như một cái nghiệp. Phúc không còn xa lạ với các bạn du học sinh qua những lần diễn cải lương trên sân khấu sinh viên tại ngôi trường mình đang học.

Lần đầu tiên thành công với đêm gala văn nghệ dành cho sinh viên VN ở bang New South Wales được tổ chức vào đầu năm học, lúc đó Phúc và những người bạn đã diễn tiểu phẩm Ấm lòng, có kết hợp sử dụng một số âm thanh của các nhạc cụ dân tộc như tranh, sáo, bầu và câu vọng cổ nên đã gây xúc động mạnh cho khán giả Việt xa nhà. Lần thứ hai, mới đây thôi là tiểu phẩm cải lương Tiếng hát lòng mẹ do chính Phúc đạo diễn và viết kịch bản kiêm luôn vai trò diễn viên trong chương trình biểu diễn nghệ thuật VN do một tiến sĩ Trường đại học Công nghệ Sydney tổ chức đã được các nghiên cứu sinh đang nghiên cứu về VN trầm trồ khen ngợi.

Phúc nói: “Tôi thật mừng khi thấy cải lương lan tỏa trên xứ người”.

TẤN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên