22/04/2005 06:04 GMT+7

Mầm sống trên cồn "Liệt Sĩ"

Bài & ảnh: MINH TÂM
Bài & ảnh: MINH TÂM

TT - Xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang cách xã Prey Chey, huyện Kosthum, tỉnh Kandal của Campuchia chỉ một con sông rộng vài trăm mét. Trong lòng xã biên giới này có một cồn được mang tên cồn Liệt Sĩ.

aburu4Ce.jpgPhóng to
Đài liệt sĩ trong đình Quốc Thái
TT - Xã Quốc Thái, huyện An Phú, tỉnh An Giang cách xã Prey Chey, huyện Kosthum, tỉnh Kandal của Campuchia chỉ một con sông rộng vài trăm mét. Trong lòng xã biên giới này có một cồn được mang tên cồn Liệt Sĩ.

70% hộ sinh sống trên cồn đều thuộc diện chính sách, trong đó đa số là gia đình liệt sĩ...

Những huyền thoại của xã biên giới

Ông Huỳnh Văn Bình - bí thư xã Quốc Thái - mở đầu câu chuyện: “Có hàng vạn câu chuyện kể về xã biên giới này...”. Chuyện anh Nguyễn Văn Quốc bị rơi vào tay giặc với những trận đòn tra tấn rất dã man nhưng chúng không thể khuất phục được anh.

Cuối cùng bọn ngụy đã xử bắn anh tại cây da ở Đồng Ky và người dân nơi đây đã chứng kiến phút cuối hào hùng của đứa con quê hương mình. Chuyện liệt sĩ Võ Hoàng Thái - nguyên bí thư xã, đã dùng nhiều chiến thuật đối phó với giặc Pháp, Mỹ… (tên hai người anh hùng này đã thành tên quê hương: Quốc Thái).

Chuyện ông Trần Văn Bảo đang chèo xuồng đi tiếp tế cho bộ đội thì bị máy bay Mỹ phát hiện. Ông Bảo đã thả chiếc nón lá trôi xuôi dòng, còn mình lặn ngược về hướng khác. Chiếc “nòng nọc” cứ bay là là sát mặt nước theo chiếc nón lá mà xả súng...Một trong những câu chuyện đã dệt thêm kỳ tích ấy là gia đình bà mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Bảy. Nhà có 13 người con thì tám người đã có mặt trong cuộc chiến tử sinh cho đất nước. Những người còn lại thì đi tiếp tế lương thực, thuốc men cho cách mạng.

Mẹ Bảy bồi hồi nhớ lại: “Thằng Nam, thằng Cánh thoát ly khi tuổi còn nhỏ, cây súng đeo trên vai dài hơn cả người. Cả hai cùng lên đường trong một ngày và cùng hi sinh một ngày vào năm 1970”.

Rồi nỗi đau riêng cố nén lại. Mẹ gật đầu khi hai người con sinh đôi tiếp bước hai anh lên đường ra trận... Đang kể mẹ Bảy bỗng bật khóc: “Thằng Mười hi sinh vào năm 1979, lúc đó nó chỉ mới 21 tuổi, con của má vừa cưới vợ được một tháng 29 ngày!”.Máu của người dân xã Quốc Thái không phải chỉ đổ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Hòa bình chưa đầy hai năm, người dân nơi tuyến đầu Tổ quốc một lần nữa lại cầm súng chiến đấu chống tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary - Khieu Samphan.

Bọn diệt chủng Pol Pot đã xâm phạm biên cương của nước ta, chúng chặt đầu, mổ bụng, đốt nhà… lương dân vô tội. Ta quần nhau với địch để giành lại từng gốc lúa, bờ tre. Mỗi lần đẩy bật được bọn Khơme Đỏ ra khỏi tấc đất nào là máu của người dân Quốc Thái đổ đến đó...

HU7P9EpT.jpgPhóng to
Ruộng bắp của anh Trần Văn Cầu cho năng suất 1,2 tấn/ha/vụ, cao nhất huyện An Phú
Trải màu xanh trên cồn Liệt Sĩ

Hầu hết những hộ sống trên cồn Liệt Sĩ trước đây vốn là những Việt kiều Campuchia sống ở xã Prey Chey, huyện Kosthum, tỉnh Kandal. Những ngày sống trên xứ người, cộng đồng người Việt ở Prey Chey đã thành lập Hội Việt kiều yêu nước.

Ông Nguyễn Văn Bậm - cán bộ hưu trí của xã - cho biết có đến 2/3 trong số khoảng 2.000 hộ kiều bào sống ở Prey Chey trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chỉ trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã có bảy người con kiều bào VN ở Prey Chey hi sinh trong số 10 người được điều về làm cán bộ trung đội.

Sống trong lòng địch khi nghe tin con hi sinh, mẹ của những liệt sĩ Quân, Huê, Cai, Bình, Tăng… chỉ dám để nước mắt lăn dài trong đêm thấm ướt gối chứ ngày không dám khóc. Mặc cho hiểm nguy vây bủa, các kiều bào của ta vẫn nuôi chứa cán bộ và lợi dụng lúc đi giăng câu, làm ruộng… chở gạo, thuốc men trong xuồng vào vùng căn cứ B1.

Các thế hệ cứ nối tiếp nhau thoát ly đi kháng chiến. Nhiều bà con Việt kiều rất nghèo, chạy từng bữa ăn, chén cơm ít khi đơm đầy nhưng hạt gạo nuôi bộ đội không bao giờ lưng. Mẹ Mạnh nhớ lại:“Mình thiếu thốn thế nào cũng được chứ cán bộ phải no để đối mặt với kẻ thù”. Cuối năm 1979, bọn diệt chủng bị đánh bật khỏi lãnh thổ nước ta. Những kiều bào ở Prey Chey năm xưa lại trở về định canh trên mảnh đất cồn cát mới. Và như một điều kỳ diệu, chỉ mới trong hai năm mà mảnh đất cồn tí xíu ngày nào giờ đã bồi thành một vùng đất mênh mông.

Chính quyền đã cấp cho những kiều bào để đền ơn những gì mà những người yêu nước đã cống hiến cho Tổ quốc. Cũng cùng năm 1984, khi xã Quốc Thái có tên trên bản đồ hành chính thì cũng là lúc phần đất cồn cát mới này được vinh dự phong tên là cồn Liệt Sĩ.Giặc tan nhưng mìn của bọn chúng gài lại còn dày đặc. Cứ một thước đất là một trái mìn. Ông Võ Văn Đáng nói: “Lúc đó đất cồn vốn là một bãi cát trắng trải dài mênh mông nên cũng dễ phát hiện được mìn. Nơi nào cát pha màu đen do đất bị đào lên lẫn với cát trắng là chắc cú ở đó có mìn”.

Và rồi với đôi tay cần cù, những ngôi nhà tạm bợ đã được thay bằng những ngôi nhà khang trang. Ông Đáng xúc động thổ lộ: “Trước đây cả gia đình ở trong chiếc ghe túm húm. Giờ gầy dựng được ngôi nhà sàn vững chãi như thế này là cả đời bác thấy mãn nguyện lắm rồi”.

Căn chòi ngày nào của anh Trần Văn Khởi, theo từng mùa trúng vụ, giờ đã trở thành ngôi nhà khá tươm tất. Những nơi là bãi mìn trước đây giờ là những đám ớt đỏ màu trúng vụ, những cây đu đủ oằn trái, những bãi ngô xanh mát mắt với năng suất thu hoạch khoảng 1,2 tấn/ha/vụ, đứng đầu cả huyện.

Con đường trước đây mịt mù bụi vào mùa nắng và sình lầy, trơn trượt vào mùa mưa giờ được nâng cấp một đoạn dài 1.400m với tổng kinh phí trên 4 tỉ đồng. Và năm 1989 vùng cồn Liệt Sĩ huyền thoại về đêm đã rực sáng ánh đèn điện.

Tất nhiên điện khí hóa đã được đưa vào sản xuất, người dân không còn phải gánh oằn vai những thùng nước hoặc phải bơm nước bằng những máy dầu, máy xăng để tưới đám bắp, luống khoai của mình.

Năm 2003, một số hộ đã được lắp đồng hồ nước. Nơi đất cồn này đã ra đời một đội bóng đá, một đội bóng chuyền, một đội đờn ca tài tử... Trong ấp 1 đã mọc lên một ngôi trường cấp I năm 2003. Dù khó khăn cách mấy, mọi người cũng cố gắng cho con em được cắp sách đến trường.

Anh Trần Văn Cầu, thương binh bậc 3/4, luôn giành phần khó khăn về mình để cô con gái đang học lớp 11 dồn thời gian vào sách vở. Anh Trần Văn Khởi cũng thế, suốt ngày đánh vật với những công bắp để cô con gái được yên tâm cho kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học sắp tới.

Danh sách con em cồn Liệt Sĩ vào đại học, trung học chuyên nghiệp ngày càng dài. Còn trưởng ấp trẻ Võ Hòa Bình, dù bận rất nhiều việc nhưng khi gia đình nào có con em nghỉ học là anh đến vận động cho trở lại trường lớp.

Hình ảnh người trưởng ấp cứ 17-18 giờ đạp xe cọc cạch đến tận nhà các em học sinh nhắc nhở tới giờ đi học hoặc chở từng em không có xe đạp đến trường đã trở thành hình ảnh quen thuộc của người dân cồn Liệt Sĩ...

Bài & ảnh: MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên