17/08/2021 10:28 GMT+7

Mầm non, lớp 1 học trực tuyến ra sao?

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Nhiều tỉnh thành đã lên phương án khai giảng trực tuyến và dạy - học trực tuyến khi năm học mới sắp bắt đầu, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Mầm non, lớp 1 học trực tuyến ra sao? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TP.HCM) học trực tuyến năm học 2020 - 2021 - Ảnh: T.BÌNH

Những gia đình có con học cấp II, cấp III có thể đã quen dần và nhanh chóng thích nghi với học trực tuyến trong năm học mới. Nhưng với trẻ mầm non, lớp 1 thì sao?

"Rối như tơ vò"

Có con chuẩn bị vào lớp lá Trường mầm non Phong Lan (quận Bình Tân, TP.HCM), chị Nguyễn Thị Thơ cho biết năm học đến là năm cuối ở mầm non của con chị trước khi vào lớp 1. 

"Con đầu lòng nên tôi không biết con phải học online như thế nào. Bữa giờ tôi nghe báo đài, mọi người nói dịch không đến trường nhưng vẫn đi học. 

Tôi nghe chưa hiểu và thấy rối như tơ vò. Mùa dịch năm ngoái, con ở nhà, các cô chuyển clip về cách rửa tay sao cho đúng, cách giữ vệ sinh phòng chống dịch. Tôi mở qua điện thoại cho con coi. Thế là xong những ngày học online vì dịch. Năm đến không biết thế nào, tôi cũng rất lo".

Một phụ huynh khác cũng có con trong độ tuổi mầm non là chị Trần Thảo Miên (huyện Hóc Môn, TP.HCM) kể: "Tôi buôn bán ở chợ. Con tôi học ở Trường mầm non Đồng Xanh gần nhà. Trường công lập nên học phí vừa phải. Ba mùa dịch trước tôi cũng nhận thông báo từ giáo viên về học tập, thông báo ở lớp. Có lúc cô gửi hình ảnh, video nói cha mẹ mở cho con xem. Tôi bán ở chợ đến tối mới về. 

Về nhà cơm nước nọ kia xong việc thì con đã ngủ. Điện thoại có mạng của tôi bị rơi, dịch giã nên xài đỡ "cục gạch". Giờ năm học mới trường có gửi clip gì hoặc dạy trực tuyến thì tôi cũng chịu thua. Nhà cũng không có Internet".

Hay câu chuyện có đủ điều kiện thiết bị máy móc, đủ thời gian bên con để kèm con học nhưng cái "khổ" của chị Mai Lan (quận 3, TP.HCM) là con chị chỉ học qua video clip nếu đó là cô giáo "ruột" của mình dạy. 

"Tôi nhớ bữa đầu tiên, con tôi thấy cô giáo chủ nhiệm lớp chồi của mình dạy các con vẽ một cánh đồng qua video clip cô tự quay khoảng 15 phút. Con háo hức reo lên: Cô Quyên, cô Quyên mẹ ơi! Con xem say sưa và sau đó vẽ theo những gì cô dạy. 

Cách vài hôm, cô giáo gửi trong group lớp một clip khác, do giáo viên lớp chồi khác hướng dẫn. Con tôi nhất quyết không học, không xem và cũng không hứng thú. 

Tôi chỉ sợ năm học đến, học trực tuyến nhiều hơn thì độ "phủ sóng" của giáo viên trong trường sẽ chia ra cho từng chủ đề dạy. Mà các con mầm non chỉ thích mỗi cô "ruột", cô giáo thân quen... khiến cho các con lơ là. Phụ huynh cũng lo ở điểm này".

Chỉ gửi các video clip đến phụ huynh

Cô Nguyễn Thị Kim Uyên - phó trưởng Phòng GD-ĐT quận 10 - thông tin theo quy định chung của Bộ GD-ĐT và theo Sở

GD-ĐT TP.HCM triển khai thì bậc mầm non không học trực tuyến. "Giáo viên chỉ làm video clip bài tập chuyển cho phụ huynh qua Zalo, Viber... 

Nội dung của các clip đó là dạy con vẽ, dạy đọc thơ, xếp quần áo hoặc phụ giúp cha mẹ việc nhà như nhặt rau, quét rác... Sau đó, cô giáo sẽ chuyển cho phụ huynh. Mầm non chỉ học đến đó trong khi giãn cách vì dịch bệnh" - cô Kim Uyên nói.

Riêng với lớp lá, chuẩn bị vào lớp 1, cô Kim Uyên nói thêm: "Bình thường không dịch thì ở lớp học này các con sẽ được giáo viên trực tiếp chuẩn bị tâm thế cho các con vào lớp 1. 

Trong nội dung chương trình, có cả tiết đưa các con sang trường tiểu học mà các con sẽ học tiếp ở đó để thấy rằng học lớp 1 là có nhiều bàn ghế, ít đồ chơi, phải mặc đồng phục, dép có quai hậu... 

Nhưng như năm ngoái nghỉ dịch từ 10-5, giáo viên vào một trường tiểu học theo tuyến phường tải hình ảnh của trường về gửi cho phụ huynh và giới thiệu những đặc điểm để thấy trường tiểu học khác với trường mầm non. Từ đó, phụ huynh chuyển tải, giải thích, hướng dẫn lại cho con".

Không đến được trường thì có những cái vướng như dạy tư thế ngồi học, tư thế cầm bút. Nói về giải pháp hỗ trợ online cho những hoạt động này, cô Uyên cho hay: "Tư thế cầm bút khi con học ở mẫu giáo thường cầm bút chì, bút màu, ngồi thẳng lưng. Mầm non tối đa 30 - 35 phút, tiểu học tính theo tiết là 45 phút. 

Vì thế, giáo viên phải lưu ý từng nội dung, nhắn cho nhóm phụ huynh. Để tạo hứng thú cho con và mọi thứ đúng cách thì rất cần sự quan tâm từ hai phía. Đó là sự nhiệt tình, tận tụy của cô giáo và đặt sự hỗ trợ học tập của con lên hàng đầu của phụ huynh".

"Đang hình dung lớp 1 học trực tuyến thế nào"

Cô Trần Bé Hồng Hạnh - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1, TP.HCM) - nói mình đang hình dung và tưởng tượng những em học sinh lớp 1 tựu trường và học online như thế nào khi vừa mới "vỡ tổ" mầm non.

Cô Hạnh nói: "Tôi nghĩ có lẽ sau ngày tựu trường, khi bắt đầu chính thức vào học chương trình của năm học mới thì các con phải có 1 - 2 tuần để làm quen lớp. 

Giáo viên chủ nhiệm qua trực tuyến sẽ cho các em làm quen với nhau, giới thiệu lớp, vị trí ngồi, bạn bè, nề nếp, không khí học tập. Sau đó, giáo viên cung cấp danh sách địa chỉ để các con kết nối trực tuyến, nhận diện gương mặt với cô và nhìn các bạn. 

Cho con làm quen với các cô giáo bộ môn, các cô sẽ dạy mình môn gì, đến môn nào là có mặt của cô đó... hay tổ chức hoạt động giới thiệu tên, chào hỏi. Cô giáo làm những video clip ngắn giới thiệu lớp đang học hiện trạng như thế nào, phòng ốc và sân trường ra sao... 

Đi sâu hơn nữa, cô phải có bước cầm viết để hướng dẫn học sinh, tư thế ngồi. Từ đó mới đi vào chương trình theo hướng dẫn chỉ đạo của phòng giáo dục, của sở...".

Cô Châu Thanh Trúc - Trường tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3 - bày tỏ với việc học online, cái khó đầu tiên là cơ sở vật chất, phương tiện không đồng đều của mỗi phụ huynh. 

Nhưng khó hơn vẫn là lớp 1 mới vào khai giảng là đối tượng học trò "mới toanh" với chuyện học trực tuyến mà TP khởi động hai năm nay qua mùa dịch. 

"Tôi nghĩ giáo viên cần bài "vỡ lòng" để làm quen với học trò. Thiết kế hoạt động dạy học vừa học vừa chơi để các con thấy ngồi trước máy vi tính, trước iPad mà có cô giáo cũng rất hấp dẫn, thích thú, để tạo thành cái nếp. Không có áp lực như các lớp của anh chị lớn học. Các tuần sau các con quen rồi mới tăng cường nội dung dạy học...", cô Trúc bày tỏ quan điểm.

Ghi hình các tiết dạy phục vụ học trực tuyến ở tiểu học

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản gửi Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện hướng dẫn việc ghi hình các tiết dạy phục vụ dạy học qua Internet cấp tiểu học trước mắt cho mười tuần đầu năm học 2021 - 2022.

Theo đó, nội dung ghi hình áp dụng với tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, tập trung chủ yếu cho môn tiếng Việt và toán. Thực hiện với tất cả các khối lớp, trong đó tập trung cho lớp 1 và 2.

Trước mắt, việc ghi hình tiết dạy phục vụ qua Internet được xây dựng cho 10 tuần đầu năm học. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt, phân phối chương trình... để thiết kế các chủ đề, nhóm/dạng bài điển hình.

Phòng GD-ĐT các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ lựa chọn cán bộ quản lý phụ trách chuyên môn, giáo viên mạng lưới, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán, giáo viên giàu kinh nghiệm, giáo viên đạt giải giáo viên giỏi... tham gia xây dựng kế hoạch môn học, kế hoạch bài dạy và tổ chức ghi hình tiết dạy. Phòng GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm kiểm duyệt nội dung các video clip do địa phương xây dựng.

HOÀNG HƯƠNG

Không phải nhà nào cũng có máy vi tính

Cũng theo cô Kim Uyên, với hơn 8.200 học sinh mầm non trường công lẫn trường tư trên địa bàn quận 10 sẽ có những khó khăn khi hỗ trợ các em học tập online. "Thứ nhất, khó khăn về công nghệ.

Dân cư, phụ huynh là người lao động đâu phải nhà nào cũng có máy vi tính. Thứ hai, đâu phải phụ huynh nào cũng luôn luôn hỗ trợ được con; họ cũng còn cơm áo mưu sinh, nhất là mùa dịch này thì chuyện gạo tiền là cái phụ huynh lo đầu tiên.

Vì thế, tôi cũng biết chỉ đạo hiệu trưởng ráng khuyên phụ huynh theo dõi hỗ trợ, nhà trường và các cô cũng sẽ hết mình đồng hành" - cô Uyên chia sẻ.

Phụ huynh nặng gánh lo toan

hoc sinh vung sau chuan bi nam hoc moi

Học sinh vùng sâu xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) chuẩn bị năm học mới - Ảnh: K.N.

Bà P. (ở trọ tại phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang) cho hay năm nay con gái chuẩn bị lên lớp 10. Chồng bà bệnh thận mãn, chỉ nằm ở nhà. Một mình bà vừa đi phụ bếp nhà hàng, vừa nhận thêm lau dọn ở một quán ăn sáng để lo cho cả gia đình.

Từ đầu năm tới nay, hết đợt giãn cách này tới đợt giãn cách khác. Lúc đầu thì còn đi làm gián đoạn tùy tháng, nhưng từ hai tháng nay thì thất nghiệp vì không còn quán xá nào hoạt động. Cả gia đình phải vay mượn bạn bè, dòng họ để đóng tiền trọ, còn lại mua gạo cầm cự qua ngày.

Tiền lo học cho con chưa biết lấy đâu ra. "Tôi có nghe con nói nếu dịch bệnh kéo dài thì phải mua máy tính nối mạng mới học được vì không thể tới lớp. Tiền học còn không có, tiền đâu mua máy tính" - bà P. lo lắng.

Ở các vùng nông thôn, bà con nghèo còn khó khăn hơn. Ông D. (ngụ xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) nói năm nay khó khăn vì nông sản bí đầu ra. Hôm qua mới nghe hai đứa nhỏ (học lớp 7 và lớp 9) cho hay thầy giáo thông báo ngày 1-9 tựu trường mà cả nhà đâm lo vì chưa có tiền.

Không chỉ lo tiền đầu năm học mà nhiều phụ huynh còn lo dịch bệnh COVID-19 lây lan. Ông D. cho biết thêm từ trước tới giờ chỉ nghe nói ở thành thị có học qua mạng, còn ở quê như ông dù có ở ngay trung tâm huyện cũng chưa nghe nói lần nào.

KHOA NAM

Thanh Hóa: tạo điều kiện cho học sinh ngoại tỉnh theo cha mẹ về quê

Sở GD-ĐT Thanh Hóa quyết định học sinh lớp 1 sẽ tựu trường vào ngày 23-8, học sinh các cấp còn lại sẽ tựu trường ngày 1-9. Đối với các trường mầm non, tổ chức khai giảng tại mỗi lớp học (không tổ chức tập trung).

Đối với các trường phổ thông và trung tâm GDNN - GDTX, tổ chức khai giảng tại mỗi lớp học, các nội dung khai giảng được thực hiện qua hệ thống loa truyền thanh của nhà trường hoặc trực tuyến.

Với những học sinh của tỉnh ngoài theo cha mẹ về Thanh Hóa, do điều kiện dịch bệnh chưa thể trở lại trường học, theo nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh và được sự thống nhất của trường nơi học sinh đang theo học thì các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tạo điều kiện cho học sinh tạm học cho đến khi có thể trở lại trường học ở tỉnh ngoài.

HÀ ĐỒNG

da nang - to chuc day va hoc truc tuyen nhu the nao

Nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện đang được sử dụng làm cơ sở cách ly y tế - Ảnh: Đ.C.

Đà Nẵng: tổ chức dạy học trực tuyến còn nhiều khó khăn

Ông Trần Nguyễn Minh Thành - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng - cho biết việc tổ chức dạy học trực tuyến còn nhiều khó khăn như nhiều giáo viên, học sinh thuộc diện F0, F1 đang điều trị hoặc cách ly tập trung. Chưa kể hàng ngàn giáo viên, học sinh đang ở các khu cách ly y tế nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học vào đầu năm học.

Đồng thời, điều kiện của mỗi khu vực dân cư, mỗi cấp học, mỗi trường, mỗi lớp, mỗi học sinh khác nhau nên khó áp dụng đồng bộ một phương pháp.

Sở GD-ĐT Đà Nẵng nhìn nhận dạy học trực tuyến là một hình thức hỗ trợ chứ không phải là hình thức chủ đạo nên xác định thời gian đầu sau khai giảng (khoảng hai tuần) việc dạy học trực tuyến chủ yếu là giới thiệu chương trình, sách giáo khoa, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ.

Sau đó, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy học bài mới trực tuyến cho học sinh trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

ĐOÀN CƯỜNG

Kiên Giang: các lớp đầu cấp đăng ký trực tuyến

Tại Kiên Giang, thời gian tựu trường cho bậc phổ thông là ngày 1-9, mầm non là 23-8, ngày khai giảng thống nhất là 5-9, thực học từ ngày 6-9. Vùng sâu, vùng xa, hải đảo có thể khai giảng từ ngày 3 tới 5-9.

Ông Trần Quang Bảo - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang - cho hay sở sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể về trình tự thời gian, thủ tục và các quy định khác để toàn tỉnh chuẩn bị cho năm học mới.

Với các lớp đầu cấp học phổ thông, phụ huynh có điều kiện thì truy cập mạng rồi đăng ký trực tuyến. Ở những nơi chưa có điều kiện thì chính quyền địa phương phối hợp với ngành giáo dục có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cách đăng ký nhập học mà vẫn đảm bảo quy định giãn cách xã hội theo tinh thần "ai ở đâu thì ở đó".

KHOA NAM

An Giang: lớp 1 tựu trường 30-8

Tại An Giang, bậc mầm non tựu trường ngày 1-9 và khai giảng ngày 5-9. Đối với bậc tiểu học, THCS, THPT thì tựu trường vào ngày 1-9 (lớp 1 vào ngày 30-8). Dự kiến các trường sẽ thực học ngày 6-9. Bà Trần Thị Ngọc Diễm - giám đốc Sở

GD-ĐT An Giang - cho biết khung kế hoạch thời gian năm học là văn bản khung được UBND tỉnh ban hành hằng năm trên cơ sở quyết định của Bộ GD-ĐT.

Đây là căn cứ để các địa phương có kế hoạch chuẩn bị cho năm học mới như rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, tổ chức công tác tuyển sinh, nhận hồ sơ nhập học đối với học sinh đầu cấp, xây dựng kế hoạch năm học...

BỬU ĐẤU

Cà Mau: 3 phương án dạy học

Ngày 16-8, ông Tạ Thanh Vũ - phó giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau - cho biết sở đã xây dựng ba phương án tổ chức dạy và học năm học 2021 - 2022. Theo đó, trong điều kiện bình thường 100% dạy và học trực tiếp trên lớp.

Còn trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng vẫn có thể cho phép học sinh đến trường học thì theo phương án: dạy học trực tiếp trên lớp kết hợp trực tuyến qua Internet.

Còn nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, học sinh phải nghỉ học một thời gian thì không tổ chức dạy và học trực tuyến chương trình chính khóa.

Trường chỉ hỗ trợ học sinh củng cố kiến thức bằng hình thức gián tiếp khác, sẽ kéo dài khung kế hoạch thời gian năm học. Cách thứ hai là tổ chức dạy học trực tuyến qua Internet và dạy học trên truyền hình.

NGUYỄN HÙNG

Năm học mới: linh hoạt tối đa Năm học mới: linh hoạt tối đa

TTO - 'Linh hoạt', 'thích ứng' là những 'từ khóa' được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh khi đề cập nhiệm vụ năm học mới 2021 - 2022.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên