![]() |
Minh họa: Văn Xuân Lộc |
Đi qua cổng làng Nam Phổ uy nghi sừng sững cổ kính và rêu phong như vẫn còn mang đậm dấu tích của một thời xưa cũ, nhà thờ họ nép mình trong vườn cây xanh ngát, có chút u tịch như len lỏi vào không gian. Chợt thấy lòng miên man, câu hát ru của bà trong những trưa hè hanh hanh nắng bên hiên nhà những ngày thơ bé như lại vọng về:
Ru em em thét cho muồiĐể mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu Mua vôi chợ Quán, chợ CầuMua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh.
Bỗng thấy niềm tự hào như giăng đầy khắp lối. Quê ngoại tôi ngàn đời nay vẫn hiện diện trong những câu hát nghĩa tình mà bất cứ người con nào của Huế cũng thuộc nằm lòng.
Tôi về làng Nam Phổ, không biết chợ Dinh có còn nổi tiếng bán trầu như xưa? Cau Nam Phổ thì bây giờ không còn nhiều như ngày trước. Ông tôi bảo cây cau ngày nay không còn nhiều giá trị kinh tế nên bị đốn bỏ để thay vào một loại cây khác cho giá trị kinh tế cao hơn. Lưa thưa trong làng chỉ còn vài gốc cau già, khẳng khiu nghiêng nghiêng trong gió, hiếm lắm mới thấy những bông cau rơi rớt trên đường làng, hương hoa cau cũng mất hút. Có chút gì như tiếc nuối vấn vương.
Tôi đã đi qua nhiều ngôi làng, tham gia nhiều lễ giỗ chạp, không biết cơ man nào là những món ăn, nhưng chỉ có chạp họ ở làng Nam Phổ ngoại tôi là để lại trong tôi những dư vị ngọt ngào nhất. Mâm cỗ vô cùng đơn sơ, chỉ gồm một chiếc mâm tròn bằng thiếc, trên lót một ngọn lá chuối được cắt theo hình chiếc mâm. Trong mâm đổ đầy một bên là xôi, một bên là thịt heo luộc xắt phay, một chén mắm tôm và dĩa dưa giá để kẹp thịt.
Chạp họ ở làng Nam Phổ không có rượu, không có bia và không có cả nước trà nước lọc, một nồi nước chè xanh với vài miếng gừng đập dập được mấy o chuẩn bị để mọi người giải khát.
Mấy o bảo: “Chạp họ mình khi mô cũng vò một nồi nước chè, đó là tục lệ rồi”. Một mâm cỗ không cao lương mỹ vị nhưng lại làm ấm lòng người. Bốn ngàn năm cha ông khai thiên lập địa như hiện diện trong mâm cỗ đơn sơ bình dị ấy. Những người già trong họ lại tiếp tục kể cho con cháu nghe về chuyện xưa tích cũ, về ông khai canh, khai khẩn, các nhánh các chi để con cháu biết rõ gốc tích, câu chuyện về dòng họ cứ thế mà truyền lại cho người đời sau.
Một ông trong họ vừa bưng chén nước chè xanh vừa trầm ngâm bảo: “Mâm cỗ trong lễ chạp họ ở làng Nam Phổ mình cũng giống làng An Truyền phía bên tê, vẫn còn giữ nguyên phong tục của cha ông ta ngày xưa mà hiện nay rất ít làng còn lưu giữ được”.
Chợt thấy lòng nao nao. Một nét văn hóa cổ xưa của cha ông đang được những người tâm huyết cố gắng lưu giữ lại cho con cháu đời sau. Ngoài kia, phố xá nhộn nhịp muôn màu muôn sắc, chợt thấy lo lo, sợ mâm xôi thịt bình dị giản đơn không đủ sức chống chọi lại với những sắc màu cuộc sống hiện đại.
Và tôi mơ, một ngày không xa, mâm cỗ bình dị ở làng ngoại tôi hay ở một vài ngôi làng khác sẽ xuất hiện trong Festival Huế như một nét đẹp văn hóa ẩm thực cổ xưa của cha ông, để nhiều người biết đến và lưu giữ.
Áo Trắng số 6 ra ngày 01/04/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận