Đường phố Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: undp.org
Hội đồng Phục hồi Quốc gia Malaysia ngày 31/10 cho rằng tình trạng thiếu lao động nước ngoài cần được giải quyết sớm do số lượng lao động nước ngoài đến Malaysia quá ít so với mức thuế đã được trả là 713.890 ringgit (RM) cho 467.223 hạn ngạch đã được phê duyệt.
Giám đốc điều hành MPN Sulaiman Mahbob cho biết, theo thống kê phê duyệt hạn ngạch và thanh toán thuế tính đến ngày 12/9/2022, ghi nhận 467.223 hạn ngạch được phê duyệt. Tuy nhiên, mới chỉ có 76.000 lao động đến từ 12 quốc gia được ghi nhận trong cùng kỳ.
Giám đốc Sulaiman bày tỏ nguyện vọng mong muốn Bộ Nội vụ và Bộ Nguồn nhân lực xem xét lại quy trình thuê lao động nước ngoài vì nhiều ngành có mức độ phụ thuộc rất cao. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, ngành nông nghiệp, đặc biệt là dầu cọ, sẽ tiếp tục gặp phải vấn đề thiếu hụt nhân công.
Ông giải thích rằng các ngành thâm dụng lao động như sản xuất, du lịch, xây dựng và bán lẻ, bao gồm cả lĩnh vực điện tử và nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề thiếu hụt lao động.
Ngoài vấn đề về lực lượng lao động, ông Sulaiman cho biết đầu tư và thương mại cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng cần được ưu tiên trong quá trình phục hồi của đất nước. Theo đó, Malaysia cần khuyến khích đầu tư nhiều hơn vì điều này mang lại cơ hội việc làm, trong khi thương mại đảm bảo rằng sự phục hồi kinh tế của đất nước tiếp tục do nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại toàn cầu.
Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, nhiều hoạt động xuất khẩu đã bị gián đoạn do đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch so với các công ty đa quốc gia do họ có thể chuyển sang các nước khác với chi phí lao động thấp hơn. Do vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ là mục tiêu hỗ trợ của chính phủ bởi chính phủ muốn phát triển họ thành những công ty cấp độ trung bình và để hỗ trợ các công ty đa quốc gia và sau này là các công ty toàn cầu.
Trong nhiều thập kỷ qua, Malaysia chủ yếu dựa vào lao động nhập cư có kỹ năng thấp từ các nước Đông Nam Á đông dân. Malaysia ước tính có khoảng 1,8-3 triệu lao động nước ngoài với 1,5-4,6 triệu lao động khác đang sống bất hợp pháp tại nước này. Malaysia cũng là một điểm đến chính của lao động Nam Á và chính thức sử dụng khoảng 300.000 lao động từ Bangladesh. Các cơ hội thị trường lao động tương đối béo bở đã khiến nhiều lao động Bangladesh nhập cảnh trái phép vào Malaysia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận