18/07/2017 08:00 GMT+7

​M&A bất động sản sôi động nửa đầu năm 2017

Phương Uyên
Phương Uyên

Hoạt động M&A trong nửa đầu năm 2017 đã diễn ra vô cùng sôi động với hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập của các ông lớn trong lĩnh vực bất động sản (BĐS). Động thái này cho thấy, hoạt động M&A tại Việt Nam hoàn toàn có thể đạt đến mức kỷ lục mới trong năm 2017 và 2018.

Qua quan sát của JLL Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, thị trường BĐS Việt Nam thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua 25 thương vụ M&A lớn. Hình thức liên doanh đang trở nên phổ biến giữa các nhà đầu tư nước ngoài - với khả năng tài chính mạnh và giàu kinh nghiệm sẽ hợp tác cùng với các tập đoàn tại địa phương - những nhà đầu tư đang nắm giữ đất đai trên thị trường cũng như có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền sở tại. Hiện có hàng trăm triệu đô la đang chờ đợi để "đổ" vào thị trường trong nước ở hầu hết các phân khúc, bao gồm nhà ở, văn phòng, bán lẻ, khách sạn và khu công nghiệp. Các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và sự tăng trưởng của các nhóm nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Tp.HCM tiếp tục là khu vực ghi nhận hoạt động M&A BĐS sôi động nhất cả nước với 16/25 thương vụ M&A nội – ngoại, tổng giá trị lên đến hàng chục triệu USD. Hà Nội xếp thứ 2 với 4/25 thương vụ chuyển nhượng; Đồng Nai, Bình Dương ghi dấu ấn với 3 hoạt động chuyển nhượng liên quan đến quyền sử dụng đất tại các khu công nghiệp (KCN) và BĐS thương mại.

Cụ thể, tại Tp.HCM, thời điểm tháng 1/2017, Keppeland thực hiện 2 thương vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Hưng Phú, thâu tóm thành công 2 khu đất tại Quận 9 để phát triển loạt dự án Riviara Cove và Casuarina Cove. Ngoài ra, CapitaLand cũng mua lại từ doanh nghiệp nội hơn 0,6 ha đất tại trung tâm Quận 1 nhằm mục đích xây dựng khu phức hợp Branded Residence, và quỹ phát triển dự án văn phòng CapitaLand Prime Officce. Một nhà phát triển BĐS khác là Keppel Land cũng đã chi 846 tỷ đồng để tăng cổ phần của mình lên 16% trong dự án Saigon Centre tại trung tâm Tp.HCM.

Hoạt động M&A gia tăng mạnh trong nửa đầu 2017 là tiền đề cho sự ra đời của nhiều dự án BĐS uy tín trong các quý tiếp theo.
Hoạt động M&A gia tăng mạnh trong nửa đầu 2017 là tiền đề cho sự ra đời của nhiều dự án BĐS uy tín trong các quý tiếp theo.

 

Ngoài ra, loạt hoạt động chuyển nhượng lớn từ khối nội trong 6 tháng còn phải kể đến Binh Minh Construction chuyển nhượng lại 60% cổ phần sở hữu tòa nhà văn phòng Saigon Metropolitan Towers cho Indochina Group; Binh Chanh Construction chuyển nhượng cho Hưng Thịnh Corp khu đất tại Bình Tân để triển khai 2 dự án nhà ở thương mại là Moonlight Boulevard và Moonlight Park View; Tập đoàn Thanh Niên chuyển nhượng lại 90% giá trị khu đất 0,8 ha tại Thảo Điền (Quận 2) cho CapitaLand, triển khai xây dựng hơn 300 căn hộ thương mại. Bên cạnh đó, nhiều đại gia lớn như Novaland, Vietcomreal, Đất Xanh… cũng tham gia vào các thương vụ mua bán loạt BĐS thương mại, nhà ở khác.

Riêng về lĩnh vực BĐS KCN, trong nửa đầu năm 2017, có 2 thương vụ lớn đều diễn ra tại thị trường Bình Dương. Trước tiên phải kể đến việc Becamex chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Paiho Group quyền phát triển khu đất trong dự án KCN Bàu Bàng và Công ty Thai Binh Shoes JSC nhận chuyển nhượng lại KCN Sóng Thần 3 từ Prestar Resources Berhad hồi tháng 5 trước đó.

Hoạt động M&A BĐS tại Hà Nội nổi lên với 3 thương vụ lớn gồm việc Growing Sun Investment JSC mua lại khu đất phát triển dự án Diamond Rice Flower Complex từ Công ty Kinh Bac Corporation; Vinaland Thang Long chuyển nhượng lại cho Elite Capital quyền khai thác khu đất dự án Hanoi Times Square và Lotte Group thâu tóm dự án Mall Ciputra Hanoi từ tay Công ty Nam Thang Long. Khác với thời điểm 2016, M&A BĐS nghỉ dưỡng có phần trầm lắng với khoảng 3 thương vụ chuyển giao khá âm thầm tại Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.

Nhìn nhận về xu hướng M&A BĐS trong thời gian tới, ông Robert Fong, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu CBRE Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, sự kết hợp của các nhà đầu tư ngoại với doanh nghiệp nội, những quỹ đầu tư đa quốc gia lần đầu tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam không chỉ làm tăng số lượng vốn mà còn làm thị trường BĐS trở nên sôi động hơn. Nghiên cứu của CBRE cho thấy, nhu cầu đầu tư từ các doanh nghiệp đến từ Singapore và Hồng Kông vào Việt Nam ngày càng nhiều. Thông qua CBRE, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã đánh tiếng muốn gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức mua lại các dự án sẵn có, đặc biệt là các dự án đã sinh lời. Môi trường chính trị ổn định tại Việt Nam cùng triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo thị trường BĐS.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty JLL Việt Nam cho biết, thị trường BĐS đang trở thành miếng bánh ngày càng ngon miệng, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhắm đến. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhờ vào những chính sách khuyến khích đầu tư, chính trị ổn định và nền kinh tế tăng trưởng nhanh biến Việt Nam thành điểm đến thu hút, đáng để đầu tư nguồn vốn trực tiếp. Lượng vốn FDI đang không ngừng gia tăng trong những năm qua. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2017, Việt Nam đã thu hút khoảng 19,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tiềm năng để đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.

Phương Uyên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên