18/07/2019 09:04 GMT+7

'Ly rượu trần gian' tiễn Phan Vũ

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - 'Ly rượu trần gian' - cuốn sách cuối cùng của Phan Vũ vừa ra mắt bạn đọc Hà Nội 1 ngày thì tác giả qua đời tại TP.HCM.

Ly rượu trần gian tiễn Phan Vũ - Ảnh 1.

Ly rượu trần ai là cuốn sách lần đầu tiên tập hợp những trang viết ngắn của Phan Vũ mà phần lớn đã được đăng tải trên tuần báo Tuổi Trẻ Chủ nhật - Ảnh: NHÃ NAM

Phan Vũ chưa kịp nhìn thấy cuốn sách, nhưng những ly rượu trần gian hẳn sẽ cùng bạn yêu thơ tiễn ông đoạn đường cuối.

Ly rượu trần gian là cuốn sách nhỏ xinh chỉ hơn trăm trang (Nhà Nam phát hành, NXB Hội Nhà văn xuất bản) lần đầu tiên tập hợp những trang viết ngắn của Phan Vũ mà phần lớn đã được đăng tải trên tuần báo Tuổi Trẻ Chủ nhật và một vài trường hợp đặc biệt là mấy bài viết của bạn bè về Phan Vũ hoặc câu chuyện liên quan tới bài thơ đã gắn chặt với tên tuổi của ông trong lòng công chúng: Em ơi! Hà Nội phố.

Sách là những tình cảm "đáp đền" của nhà báo Nguyễn Trọng Chức - một người bạn vong niên nhưng được Phan Vũ gọi vui là "bạn không vong niên" - dành cho người nghệ sĩ, người anh, người bạn mà ông yêu kính.

Khi nhận trên tay thập thơ Ta còn em do Phan Vũ tặng năm trước, nhà báo Nguyễn Trọng Chức chợt nhớ ra Phan Vũ còn mảng văn xuôi - những bài viết ngắn về bạn bè, cuộc sống mà trước đây chính nhà báo khi con làm thư ký tòa soạn của tờ tuần báo Tuổi Trẻ Chủ nhật đã gợi ý và cả dụ dỗ Phan Vũ viết cho tờ tuần báo ông phụ trách.

Ly rượu trần gian tiễn Phan Vũ - Ảnh 2.

Nhà thơ Phan Vũ

Nhà báo Nguyễn Trọng Chức đã nỗ lực tập hợp các bài viết của Phan Vũ để làm cuốn sách này "như một cách mừng thọ đại lão" cho thi-họa sĩ Phan Bách, không ngờ cuốn sách chỉ vừa phát hành ở Hà Nội một đôi ngày, còn chưa kịp Nam tiến để gặp tác giả thì Phan Vũ qua đời.

Cuốn sách hơn 100 trang gồm 3 truyện ngắn - ký và các bài viết ngắn, tạp bút ông viết về những gương mặt bè bạn thân thiết, những quan sát ngẫm ngợi về đời sống - những chủ đề tưởng cũng giống hệt như bao cuốn sách dạng tập hợp các bài viết ngắn của tác giả nào đó.

Nhưng cuốn sách này lại xứng đáng là một khác biệt trong những cuốn cùng dạng, xứng đáng là một cuốn sách mang tầm vóc và cá tính Phan Vũ, cho thấy tác giả không chỉ là một hồn thơ có thể khiến triệu trái tim run rẩy bởi câu chữ tươi mới, ý thơ trùng trùng mà còn là một cây bút văn xuôi sống động và độc đáo.

Cái độc đáo không chỉ ở những chân dung ấn tượng là các bạn bè thú vị của ông mà còn ở cách mà ông nhìn được ra những kỳ thú ở bạn bè mình và vẽ ra những chân dung ấy bằng thứ văn chương giản dị nhưng thực ra là rất tinh lọc của một nhà thơ.

Trong Ly rượu trần gian, bạn đọc sẽ được thấy một Trần Tiến là một kẻ "hành phương Nam" đơn độc trong một gã nghệ tràn trề năng lượng. Hay một "cô Trà" (NSND Trà Giang) "trong veo" ngay ca ở cái tuổi của "vẻ đẹp sau cuối"; một người đàn bà làm phim luôn chọn đi ngược chiều con lốc xoáy - Việt Linh.

Về những người lính "chưa bao giờ nhìn thấy cây cầu Sắt"; một người phụ nữ là đạo diễn phim tài liệu đã miệt mài nâng niu, hồi sinh những ngôi biệt thự cổ bao năm bị bỏ hoang phế ở Côn Đảo để sau đó một câu chuyện kỳ diệu xuất hiện…

Ở đó còn có chân dung ấn tượng về một người đàn ông trải nhiều biến cố liên quan tới ngôi nhà, đến độ cuối cùng chọn một chiếc "xe nhà" làm "ngôi nhà lang thang" cho mình, một chủ quán thịt chó mê thơ, thông thạo từ thơ Nguyễn Bính, Thâm Tâm đến Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu.

Lại có chân dung độc đáo của họa sĩ Đào Thế đầy "chất trần gian trên mặt" ngay cả khi đã nằm bệnh vì tai biến, luôn bị mặc cảm không được trong giới đánh giá đúng nhưng cũng luôn tự biết an ủi mình là nghệ sĩ sống hết một cuộc đời vì nghệ thuật.

Hay một cuộc triển lãm - trình diễn lạ lẫm của những nghệ sĩ tiên phong như Ly Hoàng Ly đầy những tiếng "ì xèo" bình phẩm hay cái "sự lạ" về những bức tranh trên hè phố do người đàn ông hành nghề xe ôm vẽ trong lúc rảnh rỗi bằng… bã kẹo cao su nhưng được các họa sĩ chuyên nghiệp phải trầm trồ khen "họa sĩ đích thực".

Và tất nhiên không thể thiếu những áng văn duyên dáng mà day dứt về Hà Nội thanh lịch đang ngày một biến mất ngay giữa lúc hòa bình và giàu có, cả về bài thơ Em ơi, Hà Nội phố!

Phan Vũ, tên thật là Trần Hồng Hải, là nhà thơ, nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh. Phan Vũ sinh năm 1926 tại Hải Phòng. 20 tuổi ông đi bộ đội vào Nam, làm công tác văn nghệ tại miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, làm việc cho Xưởng phim truyện Việt Nam tại Hà Nội. Cùng thời gian ông có tham gia biên tập báo Nhân Văn. Năm 1972 ông viết bài trường ca nổi tiếng Em ơi! Hà Nội phố.

Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Vũ trở lại Sài Gòn và làm việc tại Đài Truyền hình TP.HCM.

Từ đầu thập kỷ 1990, ông chủ yếu vẽ tranh.

Các tác phẩm của Phan Vũ:

Kịch bản:

Lửa cháy lên rồi (giải nhì của Hội Văn Nghệ Việt Nam, 1955), Hà Nội, thanh gươm và bà mẹ; Dòng sông âm vang, Ngọn lửa thành đồng.

Thơ: Phan Vũ thơ (Nxb Văn học, 2008)

Phim truyện: đạo diễn phim Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại

Tản văn: Ly rượu trần gian.

Vĩnh biệt “đại lão thi - họa sĩ” Phan Vũ: Một đời mê mải tìm cái đẹp Vĩnh biệt “đại lão thi - họa sĩ” Phan Vũ: Một đời mê mải tìm cái đẹp

TTO - Sáng qua, ngày 17-7, nhà thơ - họa sĩ Phan Vũ đã giã biệt cuộc sống sau một thời gian hôn mê.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên