25/11/2022 15:36 GMT+7

Lưới điện 500kV Bắc Nam 'vận hành nặng nề', tạo rủi ro cao về cấp điện

N.AN
N.AN

TTO - Cần có sự quản lý chặt chẽ quy hoạch điện, tránh sự mất cân đối về điện giữa các miền, nghiên cứu xây dựng đường dây một chiều liên miền, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ...

Lưới điện 500kV Bắc Nam vận hành nặng nề, tạo rủi ro cao về cấp điện - Ảnh 1.

Diễn giả trình bày tham luận tại Hội nghị khoa học và công nghệ điện lực toàn quốc năm 2022 - Ảnh: EVN

Đó là những khuyến nghị được đưa ra tại Hội nghị khoa học và công nghệ điện lực toàn quốc năm 2022 với chủ đề "Chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia" được Hội Điện lực Việt Nam tổ chức ngày 25-11.

TS Nguyễn Mạnh Cường - phó trưởng phòng phát triển hệ thống điện (Viện Năng lượng - Bộ Công Thương) - cho hay sản lượng điện sản xuất năm 2021 đạt 256 tỉ kWh, từ các nguồn nhiệt điện than (46%), thủy điện (31%) và nhiệt điện khí (10%). Phát thải CO2 trong phát điện năm 2021 là 117 triệu tấn.

Hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, tỉ trọng công suất năng lượng tái tạo sẽ tăng dần từ 25% năm 2020 lên gần 32% năm 2030 và đạt 58% vào năm 2045.

Tuy nhiên, với nhu cầu truyền tải liên vùng miền, ông Cường cho rằng cần có sự quản lý chặt chẽ quy hoạch điện, tránh sự mất cân đối về điện giữa các miền. 

Thực tế cho thấy giai đoạn 2010 - 2021, công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống tăng thêm 51.000 MW, đã có sự phân bố không đồng đều giữa các miền. Điều này dẫn tới hệ quả, sự vận hành nặng nề của lưới điện 500kV liên kết Bắc Nam, gây ra mức rủi ro cao với an ninh cung cấp điện.

Việc đảm bảo vận hành hệ thống điện cũng đặt ra yêu cầu cần thiết phải chuyển đổi số và xây dựng hệ thống điện thông minh. Bởi theo ông Cường, hệ thống điện sẽ tăng trưởng quy mô lớn với cơ cấu nguồn phức tạp, bổ sung các nguồn linh hoạt, tích năng. 

Khối lượng điện truyền tải sẽ tăng gấp hai lần vào năm 2030 và năm lần vào năm 2050 so với hiện nay. Sau năm 2030 sẽ xuất hiện lưới một chiều siêu áp. Đi kèm với đó là sự phát triển của thị trường điện, gồm thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh, dịch vụ phụ trợ, thị trường phái sinh…

Vì vậy, ông Cường khuyến nghị cần nghiên cứu xây dựng các nguồn lưu trữ, nguồn điện linh hoạt để đảm bảo tích hợp các năng lượng tái tạo. Cải tạo nâng cao độ linh hoạt của các nhà máy nhiệt điện than, khí hiện nay; đốt kèm với sinh khối. 

Đồng thời nghiên cứu khả năng xây dựng các đường dây một chiều liên miền Nam - Trung - Bắc; triển khai công nghệ nhà máy điện ảo dưới dạng phòng điều khiển nguồn năng lượng tái tạo, thực hiện chuyển đổi số cho các nhà máy điện…

Thông tin thêm về việc ứng dụng chuyển đổi số trong vận hành hệ thống, ông Dương Quang Thành - chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết đã hoàn thành cập nhật 97,3% dữ liệu thiết bị điện đang vận hành tại các nhà máy, đường dây truyền tải từ 110 - 500kV.

Trạm biến áp 110kV hoàn toàn 100% là trạm không người trực và đã được điều khiển từ xa từ các trung tâm điều khiển, 88% trạm biến áp 220kV đã được điều khiển từ xa (tăng 18 trạm so với năm 2021).

Quản lý, vận hành lưới điện miền Nam: Mạnh mẽ số hóa Quản lý, vận hành lưới điện miền Nam: Mạnh mẽ số hóa

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đang quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản trị, điều hành và sản xuất kinh doanh hệ thống phân phối điện toàn khu vực miền Nam.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên