22/11/2017 08:44 GMT+7

Lùi chương trình phổ thông mới: vẫn phải gấp rút!

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
NGỌC HÀ - VĨNH HÀ

TTO - Theo chuyên gia, dù chương trình phổ thông mới được lùi lại 2 năm, vẫn phải gấp rút vì có nhiều việc cần làm, nhất là chuẩn bị đội ngũ giáo viên.

Lùi chương trình phổ thông mới: vẫn phải gấp rút! - Ảnh 1.

Một tiết học của học sinh Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Chúng ta cần một loại hình giáo viên mới dạy được các môn tích hợp. Phải cố tránh được tình trạng mà ai cũng thấy buồn cười, là một môn học lại có... ba ông thầy!”

GS Đào Trọng Thi

Chiều 21-11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, theo đó sẽ lùi 2 năm so với quy định cũ.

Cụ thể, thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở, và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.

Ưu tiên số 1: chuẩn bị đội ngũ giáo viên

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết (tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới), lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới tốt cho việc chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện, để đảm bảo tính khả thi của chương trình.

Dù vậy cũng sẽ còn nhiều việc phải làm, nên vẫn phải gấp rút. Điều quan trọng nhất là chuẩn bị đội ngũ giáo viên. 

Cùng với việc đổi mới đào tạo ở các trường sư phạm, thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên; cần rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan tới sử dụng, đãi ngộ, quản lý chuyên môn với giáo viên. 

Trên cơ sở đó, loại bỏ những quy định lạc hậu, trói buộc; bổ sung các điều kiện phát huy mạnh mẽ động lực đổi mới, sáng tạo của giáo viên các cấp.

GS Đào Trọng Thi (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) cũng cho rằng việc lùi này sẽ giúp có thêm thời gian xây dựng chương trình, sách giáo khoa đổi mới phù hợp và chất lượng hơn; tạo điều kiện cho sự chuẩn bị tốt hơn về giáo viên và cơ sở vật chất - những điều kiện tiên quyết cho việc triển khai chương trình mới.

Trong đó, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên sẵn sàng cho đổi mới phải là ưu tiên số 1. Song, có điều cản trở là thông thường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần thiết phải thực hiện trên cơ sở chương trình, sách giáo khoa mới đã hoàn thiện. Vậy khi sách giáo khoa mới chưa có thì bồi dưỡng thế nào?

"Chúng ta không thể thực hiện tuần tự, vì nếu cứ tuần tự thì có khi phải... lùi đến 10 năm! Muốn đạt hiệu quả, phải xây dựng được kế hoạch bồi dưỡng giáo viên theo một chương trình song hành với việc chuẩn bị chương trình, sách giáo khoa mới. 

Bởi lẽ bồi dưỡng giáo viên không chỉ là bồi dưỡng khả năng thực hiện nội dung chương trình cụ thể, mà còn bồi đắp cả về phương pháp luận, kỹ năng, nhận thức", ông nói.

Giáo viên lo lắng

Trong khi đó bà Vũ Thị Minh Hiển (hiệu trưởng Trường THPT Quảng Oai, Hà Nội), chia sẻ khi tiếp nhận thông tin sẽ đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, nhiều thầy cô trường chúng tôi rất lo lắng và ái ngại. 

Câu hỏi thường trực của các thầy cô là: liệu mình có đáp ứng được đòi hỏi, yêu cầu của chương trình mới, với những thay đổi mạnh mẽ, nhất là ở các môn học tích hợp? 

Không ít thầy cô cũng băn khoăn, với chương trình mới thì ở môn học của mình liệu giáo viên có bị đào thải, hoặc ở những môn khác sẽ được tăng cường ra sao? 

"Thời gian qua việc tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã được tăng cường. Nhưng tôi hi vọng với việc lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, việc này phải đẩy mạnh hơn nữa. 

Ví dụ, năm ngoái số người được sở cho đi bồi dưỡng còn hạn chế thì năm nay cần tăng lên nhiều hơn, chỉ giới hạn với những độ tuổi nhất định", bà Hiển đề nghị.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

- Cuối tháng 7-2017, Bộ GD-ĐT thông qua lần cuối chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Đây là chương trình hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất người học, giảm kiến thức hàn lâm, khuyến khích vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

- Theo chương trình đã công bố, hệ thống môn học các cấp chia hai loại: môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.

- Chương trình được xây dựng tương ứng với điều kiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết học. Mỗi tiết học 35-40 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.

- Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ hướng đến hình thành 5 phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và 10 năng lực cốt lõi (3 năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; 7 năng lực chuyên môn) của học sinh.

- Trong các năm 2017-2018, Bộ GD-ĐT hoàn thiện việc xây dựng chương trình môn học, tiến hành thử nghiệm lần hai những nội dung mới của chương trình giáo dục mới ở một số trường học. Bên cạnh đó, bộ chủ trì việc tập huấn cho tác giả viết sách giáo khoa (SGK), thẩm định các bộ SGK và chỉ đạo biên soạn một bộ SGK từ lớp 1-12.

- Chậm nhất tháng 5-2019, các bộ SGK phải được đưa vào nhà in. Các tổ chức, cá nhân viết SGK chủ động tập huấn cho giáo viên sử dụng bộ SGK của mình.

NGỌC HÀ - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên