09/03/2011 02:30 GMT+7

Lục bát cần tấm lòng hơn là danh hiệu

QUỐC LÊ
QUỐC LÊ

TT - Câu chuyện “Có nên lấy lục bát làm quốc thơ?” (Tuổi Trẻ ngày 7 và 8-3) tiếp tục được nhiều bạn đọc quan tâm, xin giới thiệu hai ý kiến sau:

Có nên lấy lục bát làm “quốc thơ”?Hầu hết người Việt đều yêu thơ lục bát

* Lục bát là thơ của tâm hồn dân tộc

Hiện nay, cả xã hội đang dấy lên một phong trào mà tác giả Phan Đăng gọi một cách ấn tượng là “quốc hóa”, với một loạt vật thể được đem ra bàn: quốc hoa, quốc phục, quốc tửu... để tuyển chọn xem cái nào xứng đáng đại diện cho nước nhà ở đẳng cấp cao nhất được mang chữ “quốc”. Nay đến lượt một khái niệm mới ra đời là “quốc thơ” cũng được dùng làm chuẩn để đưa thơ lục bát lên bàn cân.

Trước khi xem xét đẳng cấp của thể loại thơ lục bát, ta cần phải biết chuẩn cần đạt đó là cái gì. Trong tiếng Việt, khi cần diễn đạt một ý niệm khái quát và nghiêm trang, người ta thường dùng từ Hán - Việt; còn khi thể hiện những ý tưởng cụ thể mà bình dị, người ta dùng từ thuần Việt. Thuật ngữ “quốc thơ” gồm có chữ “quốc” là một từ Hán - Việt kết hợp với “thơ” là một từ thuần Việt, nên đã trở thành một đôi cọc cạch, không trang nghiêm mà cũng không bình dị, không hiểu đó là cái gì nên không thể dùng làm chuẩn. Muốn trở thành chuẩn phải được sửa là “quốc thi”. Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc xem có cần thiết phải dùng “quốc thi” để tôn vinh thơ lục bát hay không.

Lục bát đúng là thể loại thơ đặc trưng tuyệt vời của tâm hồn dân tộc Việt Nam, mà đỉnh cao là kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Xét về giá trị văn hóa, nếu người Trung Quốc đã coi tranh thủy mặc của họ là “quốc họa”, thì người Việt Nam hoàn toàn có thể coi thơ lục bát là “quốc thi” của mình. Quốc thi là giá trị văn hóa tinh thần của một quốc gia, nên chỉ do chính nhân dân nước mình tự khẳng định trên thực tế của nó, không cần có bằng sắc chứng nhận gì và càng không thể cầu xin người nước ngoài đến tôn vinh giùm.

Việc Liên Hiệp Quốc công nhận một di sản văn hóa ở nước nào đó là của toàn nhân loại không chỉ nhằm mục đích tôn vinh, mà chủ yếu để khuyến khích mọi người tôn trọng và bảo vệ di sản đó khỏi bị mai một. Thơ lục bát có sức sống mãnh liệt để trường tồn vĩnh cửu với dân tộc Việt Nam nên cũng không cần một sự công nhận như vậy.

* Xây dựng một quỹ phát triển thơ lục bát

Thơ lục bát, vốn là lời ăn tiếng nói của dân Việt, đã là sản phẩm văn hóa của dân tộc Việt thì liệu có nhất thiết phải gán thêm cho loại hình văn hóa này một danh hiệu có tính quốc gia không?

Và cách thức bình chọn như thế nào để mang tầm quốc gia cũng là một yêu cầu chưa được đặt ra trong những cuộc bình chọn khác. Nếu sử dụng số đông phải dùng các phương pháp của thống kê học: quy định tỉ lệ bao nhiêu, thành phần tham gia bình chọn là những người có trình độ nào, thuộc nhóm dân cư nào... mới đủ sức thuyết phục rằng: kết quả bình chọn này là đại diện cho toàn dân của nước Việt Nam.

Tuy nhiên, có thêm một danh hiệu “mang tính quốc gia”, theo tôi, cũng không làm “sang” hơn cho thơ lục bát. Trong khi đó, nếu thật sự những ai có lòng với thơ lục bát thì ít nhất có mấy việc sau đây có thể làm ngay, để không chỉ tôn vinh thơ lục bát mà còn góp phần nuôi dưỡng thơ lục bát trong lòng dân tộc:

1/ Làm cho giới trẻ Việt Nam yêu thích thơ lục bát: trong bối cảnh chuộng ngoại trong lĩnh vực thi ca như hiện nay, thơ lục bát Việt Nam chẳng mấy chốc sẽ không còn mấy ai làm nữa. Lời ăn tiếng nói của giới trẻ hôm nay với các loại biến tướng theo ngôn ngữ chat, message thì lưu giữ và ứng dụng lục bát thế nào. Cho nên nếu không làm cho giới trẻ yêu tiếng Việt, để tiếng Việt ngày một ít trong sáng đi thì lục bát cũng theo đó mà nhạt dần và có nguy cơ “tuyệt chủng” trong đời sống.

2/ Phải lập một giải thưởng có uy tín và có tầm quốc gia riêng cho thơ lục bát, dành trao cho những tác phẩm lục bát xuất sắc nhất trong từng lượng thời gian quy định. Giải thưởng này có ý nghĩa tôn vinh thơ lục bát.

3/ Xây dựng một quỹ phát triển thơ lục bát, hoạt động song song với giải thưởng thơ nói trên. Quỹ này sẽ hoạt động không thời hạn, tổ chức lãnh đạo và điều hành quỹ sẽ chuyển giao qua từng thế hệ.

Làm những việc ấy mới thật sự cần thiết và thật sự xuất phát từ những tấm lòng yêu mến thơ lục bát.

QUỐC LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên