09/01/2019 20:03 GMT+7

Luật sư đưa 3 lý do không nên cấm ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp dân

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Luật tiếp công dân không cấm, chưa kể hành vi tung clip lên mạng đã bị chế tài bởi quy định Luật an ninh mạng, nên đó không phải lý do để cấm ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp dân.

Luật sư đưa 3 lý do không nên cấm ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp dân - Ảnh 1.

Trụ sở tiếp dân là của dân, sao phải cấm người dân ghi âm, ghi hình? - Ảnh: VIỆT HẢI

Đó là quan điểm của luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn luật sư TP Hà Nội, khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online xung quanh vụ Hà Nội cấm công dân ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp công dân.

Ông Ứng đưa ra 3 lý do không nên cấm người dân ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp công dân.

Thứ nhất, Luật tiếp công dân và nghị định 64/2014 hướng dẫn luật này đều không có quy định cấm ghi âm, ghi hình ở trụ sở tiếp công dân. Luật không cấm nghĩa là người dân được làm.

"Còn lập luận rằng muốn ghi âm, ghi hình tôi, phải được sự đồng ý cá nhân tôi cũng có lý. Nhưng không thể cấm, mà chỉ có thể quy định người dân được ghi âm, ghi hình khi được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân", ông Ứng nói.

Vì vậy, ông Ứng cho rằng việc TP Hà Nội thông báo cấm người dân khi luật không cấm là không đúng luật.

Lý do thứ hai, nếu mục đích của việc cấm công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm ở trụ sở tiếp công dân vì lo ngại họ đưa lên mạng, gây tổn hại đến uy tín của cán bộ tiếp công dân cũng không thuyết phục.

Việc ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp công dân không gắn liền với hành vi tung tin lên mạng vì mục đích nói xấu, bôi nhọ cán bộ tiếp dân.

Công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm lại để làm bằng chứng họ đã đến làm việc tại cơ quan tiếp công dân, để so sánh quá trình tiếp công dân là điều bình thường.

"Trường hợp dùng băng ghi âm, ghi hình để đưa lên mạng nhằm xúc phạm nhân phẩm cán bộ tiếp công dân thì đã có chế tài xử lý theo Luật tiếp cận thông tin và Luật an ninh mạng rồi, đâu cần ra thông báo cấm", ông Ứng nói.

Mặt khác, ông Ứng cho rằng trụ sở tiếp công dân là của dân, là ngôi nhà của công dân, cán bộ tiếp dân thay mặt Nhà nước để tiếp nhận tất cả các tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân.

"Cán bộ tiếp công dân làm nhiệm vụ giúp dân cơ mà, sao phải cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm? Ngược lại phải tạo thuận lợi tối đa cho người dân đến trụ sở tiếp dân", ông Ứng khẳng định.

Lý do thứ ba, theo ông Ứng, cần phân biệt trụ sở tiếp công dân không phải là nơi giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trụ sở tiếp dân chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận đơn thư, giấy tờ, nội dung khiếu nại, phản ảnh của người dân.

Có nghĩa hoạt động tiếp nhận chỉ dừng lại ở thủ tục hành chính, và sau đó cơ quan tiếp dân mới chuyển các ý kiến của dân đến người có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người dân, thì không có gì nghiêm trọng đến mức phải cấm quay phim, chụp ảnh.

Ông Ứng cho rằng nếu cấm ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp dân vì mục đích sợ cán bộ làm sai càng không được, cán bộ tiếp dân không hoàn thành nhiệm vụ thì TP Hà Nội phải thay cán bộ khác có đủ đạo đức, trình độ, năng lực.

Việc người dân quay phim, chụp ảnh, ghi hình sẽ giúp lãnh đạo thành phố nắm rõ hơn hiệu quả hoạt động các trụ sở tiếp dân, biết cán bộ này làm tốt, cán bộ kia làm kém, có thái độ tiếp dân không phù hợp. Đây là kênh phản ánh trung thực cán bộ tiếp dân có thực sự vì dân hay không.

Không được ghi âm, chụp ảnh cán bộ tiếp dân nếu chưa được phép Không được ghi âm, chụp ảnh cán bộ tiếp dân nếu chưa được phép

TTO - Người dân khi đến làm việc tại cơ quan tiếp công dân TP Hà Nội không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên