10/04/2018 20:25 GMT+7

Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Quan trọng nhất là chống đầu cơ đất

HỒNG LY
HỒNG LY

TTO - Đó là ý kiến góp ý của TS Trần Du Lịch tại hội thảo góp ý dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt diễn ra ngày 10-4 do đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức.

Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Quan trọng nhất là chống đầu cơ đất - Ảnh 1.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chủ trì buổi hội thảo - ảnh: HỒNG LY

Những ý kiến đóng góp sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sắp tới. "Cả 3 đặc khu, nhất là Phú Quốc, việc cần làm trước tiên là chống đầu cơ đất, chứ nếu không thì nói miễn giảm phí đất là nói chơi. Phú Quốc giỏi nhất chỉ còn giữ được rừng. Ở Phú Quốc đất đâu nữa mà miễn giảm? Tất cả đầu cơ đất hết, chỉ làm lợi cho đầu cơ thôi.", TS Lịch nói.

Không đồng tình với giá đất ưu đãi, TS Trần Du Lịch lấy ví dụ: hiện nay, ở 18 khu kinh tế ven biển, mặt trái của việc miễn giảm thuế đất chỉ tạo điều kiện để người dân chiếm đất để đó. Tình trạng người cần đất để làm thì không có đất, còn người giữ đất chờ để sang nhượng.

Căn cứ vào hiến pháp, TS Lịch nói về việc thành lập đặc khu có hai góc độ, một luật chung về đặc khu và luật cho từng đặc khu. "Mọi chính sách thành công hay thất bại, thông qua bộ máy tổ chức và con người. Chúng ta quy định cái gì quy định, nhưng nếu bộ máy tổ chức vận hành không tốt thì mô hình nào cũng thất bại hết.", TS Lịch nói.

Theo TS Lịch, mỗi đặc khu có những nét đặc biệt riêng, nếu chỉ dùng một luật áp dụng cho cả ba đặc khu thì sẽ gây ra nhiều khó khăn. Theo đó, TS Trần Du Lịch góp ý nên gom lại luật này là luật phổ biến về đặc khu, chế định một số nguyên tắc lớn để ban hành. Sau đó, quốc hội thông qua nghị quyết thành lập từng đặc khu, mỗi khu đặc biệt như thế nào, sẽ đưa vào cụ thể.

Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Quan trọng nhất là chống đầu cơ đất - Ảnh 2.

Tiến sĩ Trần Du Lịch tham gia góp ý tại hội thảo - ảnh: HỒNG LY

Về mô hình tổ chức, TS Lịch góp ý chỉ quy định một vài nguyên tắc về tổ chức bộ máy, và quốc hội giao cho ủy ban thường vụ quốc hội ban hành quy định cụ thể tổ chức, chức năng từng bộ phận, không thể sử dụng một luật chung cho cả ba đặc khu.

"Để rộng đường nữa, những chính sách đặc thù từng loại thì theo tôi, quy định luôn ở trong điều khoản này là quốc hội sẽ quyết định một số chính sách khác cho từng đặc khu theo nghị quyết quốc hội. Cái đó có thể ngang với luật", TS Trần Du Lịch góp ý.

Đồng tình với góp ý của TS Trần Du Lịch, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, góp ý cần có luật phổ biến chung về đặc khu với một số nguyên tắc. Sau đó, có nghị quyết cho từng đặc khu sẽ dễ dàng hơn, vì trong ba đặc khu thì Phú Quốc quá lớn, còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ.

"Về bổ nhiệm trưởng đặc khu, cần làm thế nào để người đứng đầu có quyền hạn nhiều, bổ nhiệm linh hoạt hơn, không phải vì kiểm soát mà bầu ra một hội đồng nhân dân như vậy. Cần thiết, ta cho nó cơ chế đặc thù, trực thuộc trung ương, chính phủ luôn. Nên xem xét nó thuộc ai, vì nó trên cấp huyện nên đừng xem nó là cấp huyện nữa.", bà Thảo nêu ý kiến.


HỒNG LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên