25/12/2012 07:31 GMT+7

Luật bất cập khiến dân bức xúc

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Tại phiên giải trình về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh do Ủy ban Pháp luật tổ chức ngày 24-12, Chính phủ thừa nhận “một số bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật” trong khi “đây là nhiệm vụ chủ yếu của công tác quản lý nhà nước”.

EGbddOsa.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên giải trình - Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Chất lượng bộ máy cũng được coi là nguyên nhân chính dẫn đến những quy định gây bức xúc, bất bình trong dư luận thời gian qua, khiến Chính phủ phải xét lại các quy định như xe chính chủ, chứng minh nhân dân có tên cha mẹ...

Đối tượng giải trình chính tại phiên họp này là Chính phủ với sự đại diện của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Một số bộ ngành khác chỉ cử cấp phó tham dự.

Độc quyền cho vàng SJC có hợp hiến?

Là người chất vấn đầu tiên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đặt vấn đề: Xin hỏi lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước rằng quyết định 1623 liên quan đến trao độc quyền cho nhãn hiệu vàng miếng SJC có đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, hợp hiến và hợp pháp không? Văn bản này không đảm bảo trình tự quy định của pháp luật, đây là sơ suất hay một kiểu lách luật? Quy định này gây thiệt hại cho doanh nghiệp và dân thì ai chịu trách nhiệm?

Đáp lại, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình khẳng định văn bản này đã được ban hành trên cơ sở nghị định của Chính phủ quy định trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp, bình ổn thị trường vàng. Quyết định 1623 là quyết định cá biệt, không phải văn bản quy phạm pháp luật. Ngân hàng Nhà nước cũng không buộc người dân phải đổi vàng miếng thương hiệu khác sang thương hiệu vàng SJC. “Quyết định này không gây hại gì cho người dân” - ông Bình khẳng định. Cho rằng ông Bình “trả lời không đúng”, bà Khánh “đề nghị Bộ Tư pháp và Ủy ban Pháp luật kiểm tra, giám sát để làm rõ vấn đề này”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhận khuyết điểm về “CMND ghi tên cha mẹ”

Về thông tư 27 của Bộ Công an quy định về mẫu chứng minh nhân dân mới, trong đó phải ghi tên cha mẹ, khi thực hiện thí điểm có nhiều ý kiến phản đối, trong đó có cả ý kiến chuyên gia của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết nghị định 05 (quy định nội dung trên) ra đời năm 1999 và nghị định 170 vào năm 2007, do đó khi có thông tư của Bộ Công an thì Bộ Tư pháp đã đồng tình. “Nội bộ Bộ Tư pháp đã kiểm điểm với nhau và nhận khuyết điểm về việc máy móc rằng cái gì đã có thì không thẩm định lại, không xem xét trên tình hình thực tế hiện nay” - ông Cường nói.

Liên quan đến tình trạng ban hành các quy định chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, như quy định chứng minh nhân dân có tên cha mẹ, phạt người đi xe không chính chủ, giao chính quyền cấp xã - phường thu phí bảo trì đường bộ..., Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông đề nghị đại diện Chính phủ nói rõ quan điểm và làm rõ trách nhiệm.

Theo ông Vũ Đức Đam, khác với nhiều nước, chúng ta còn nhiều mối quan hệ chưa có pháp luật điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa hợp lý. Về chứng minh nhân dân có tên cha mẹ, ông Đam cho biết: “Chính phủ vẫn đang chỉ đạo Bộ Công an làm thí điểm. Khi có dư luận không đồng tình, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp cùng với các chuyên gia pháp luật có uy tín đánh giá về vấn đề này, sau đó sẽ xem xét thực hiện tiếp hay dừng lại”. Về quy định xe chính chủ, ông Đam nói là “cần thiết, nhưng khi thực hiện thì tổ chức thực hiện không đúng bản chất quy định, lại đi truy xét người đi xe xem có chính chủ không. Khi dư luận phản ứng, Chính phủ đã yêu cầu dừng việc thực hiện này, giao các cơ quan chức năng nghiên cứu để thực hiện hợp tình, hợp lý”.

Không nên có thông tư

Thẳng thắn nhìn nhận vào những yếu kém trong công tác xây dựng pháp luật, ông Vũ Đức Đam cho rằng “nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn là công tác tổ chức, cán bộ”. “Không chỉ là đội ngũ chuyên trách, mà còn là nhận thức của cả bộ máy, đặc biệt là người đứng đầu. Cơ quan nào có người đứng đầu nhận thức sâu sắc được về tầm quan trọng của việc xây dựng nhà nước pháp quyền thì sẽ bố trí lực lượng cán bộ, công chức đủ tầm, tạo ra chuyển biến rõ rệt” - ông Đam nói.

Ông Đam cũng thừa nhận công tác phối hợp giữa các bộ ngành là điểm yếu, không chỉ trong lĩnh vực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Có tình trạng bộ ngành khi xây dựng văn bản pháp luật chỉ theo hướng có lợi cho sự quản lý của mình. Vì vậy mới ra những thông tư mà “cài” vào đó cả biện pháp thực hiện, thậm chí là “cài” cả bộ máy. “Chúng ta khắc phục theo hướng ngày càng công khai, vì công khai thì sẽ rõ ai làm việc có trách nhiệm. Thứ hai là nâng cao kỷ cương, nhất là trách nhiệm người đứng đầu” - ông Đam khẳng định.

Có một nguyên nhân được báo cáo của Chính phủ cho là khách quan, đó là các luật, pháp lệnh Quốc hội ban hành thời gian qua còn ủy quyền nhiều nội dung cho Chính phủ quy định chi tiết. Thậm chí có luật ủy quyền quá nhiều vấn đề như Luật viên chức có tới 23 nội dung, Luật cơ yếu có 11 nội dung, Luật cán bộ công chức cần tới 17 văn bản, Luật công nghệ cao cần 12 văn bản hướng dẫn thi hành. “Tôi cho rằng luật nên hướng tới chi tiết, cùng lắm là có nghị định, không nên có thông tư” - ông Đam bày tỏ. Ông Hà Hùng Cường bình luận rằng “không có nước nào mà luật ban hành ra cứ phải hướng dẫn thi hành nhiều như nước ta. Với cái kiểu vẫn cứ phải hướng dẫn thi hành thế này thì có đến Ủy ban Pháp luật khóa XX (hiện nay là Quốc hội khóa XIII - PV) mà yêu cầu giải trình thì vẫn có khuyết điểm”.

Nguyên nhân khác được người đứng đầu Văn phòng Chính phủ đưa ra rằng một số văn bản được nhân dân chưa đồng tình do báo chí tuyên truyền chưa tốt, khi xây dựng văn bản có đưa ra lấy ý kiến nhân dân nhưng gần như không nhận được đóng góp, đến khi có hiệu lực thi hành thì lại phản ứng.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh:

Không đúng!

Tôi không đồng tình với trả lời của đại diện Ngân hàng Nhà nước. Cách lý giải quyết định 1623 của Ngân hàng Nhà nước về nhãn hiệu vàng SJC là quyết định cá biệt, không gây ảnh hưởng cho doanh nghiệp và người dân là không đúng. Một quyết định làm dư luận xôn xao, gây ra sự chênh lệch giá giữa vàng miếng SJC và vàng thương hiệu khác mà lại nói là không gây ảnh hưởng đến người dân?

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền:

Dân góp ý sao được?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói rằng dân không chịu góp ý khi các bộ ngành lấy ý kiến. Nhưng tôi đã trao đổi với nhiều cử tri, người ta nói rằng muốn góp ý nhưng không biết bộ ngành, Chính phủ lấy ý kiến khi nào, chỉ thấy đăng tải qua loa trên một số trang web mà phần đông dân số nước ta chưa dùng máy tính thì sao mà vào đó góp ý được. Một số chuyên gia nói rằng từng góp ý nhưng không được tiếp thu, thậm chí ý kiến trái chiều thì người nhận góp ý khó chịu nên không muốn góp ý nữa. Vậy nên muốn dân góp ý thì phải cầu thị, tạo điều kiện cho người ta nói.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên