"Không ít luận văn tốt nghiệp cao học đang có chất lượng "ảo". Khó có thể mong đợi tính vô tư của hội đồng khoa học khi gần đến ngày bảo vệ, trò lại đến nhà thày tâm tình", ông Nguyên bức xúc. Theo ông Nguyên, tình trạng trên một phần là do quy chế thiếu chặt chẽ. "Ở nước ngoài, đến ngày bảo vệ luận văn thí sinh mới biết những ai tham gia hội đồng khoa học. Trong khi ở Việt Nam, danh sách hội đồng được công bố trước hàng tuần", ông Nguyên nói.
Trưởng khoa Đào tạo và Quản lý sau ĐH, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư Đặng Đức Phú cũng cho rằng, việc chấm điểm 10 luận văn thạc sĩ hiện nay quá dễ dãi. Thí sinh chỉ cần đạt yêu cầu tối thiểu, năng đến nhà thầy là nhận được kết quả như ý. "Hình như chúng ta chưa quan tâm đến chất lượng luận văn. Yêu cầu đặt ra cho nghiên cứu sinh quá thấp, các chủ đề thường chung chung. Do vậy, luận văn bảo vệ xong chỉ để trong thư viện, khó có thể ứng dụng", ông Phú nói.
Ngay cả các thạc sĩ cũng tỏ ý chưa hài lòng với luận văn tốt nghiệp của mình. Chị Thu Huyền, tân thạc sĩ của ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, suốt thời gian làm luận văn, nhiều nghiên cứu sinh chỉ gặp người hướng dẫn 3-4 lần. Bản thân các thày cũng không có kinh nghiệm thực tế về đề tài hướng dẫn. Như vậy, khó có thể đánh giá chính xác chất lượng luận văn.
Chị Huyền nói: "Nghiên cứu sinh ở nước ngoài thường nằm trong các nhóm nghiên cứu khoa học, khi làm luận văn họ đã có kinh nghiệm thực tế. Trong khi ở Việt Nam, phương tiện nghiên cứu thiếu, các thày toàn giảng kiến thức sách vở".
Để tránh tình trạng điểm cao chất lượng thấp, Hiệu phó ĐH Kinh tế quốc dân Phan Công Nghĩa cho rằng, song song với nâng kỹ năng thực hành cũng phải nâng "chuẩn" luận văn. Nếu có thang điểm cụ thể, khắt khe hơn các thày sẽ không thể dễ dãi chấm vượt khung. Nghiên cứu đạt điểm xuất sắc phải được đăng báo, có tính ứng dụng cao.
Ông Nghĩa cũng đề nghị thành lập Hội đồng khoa học có nhiệm kỳ thay vì mỗi nghiên cứu sinh lại có một hội đồng như hiện nay. Ngoài yêu cầu về học hàm, học vị thành viên hội đồng phải có kiến thức chuyên ngành sâu liên quan đến công trình nghiên cứu.
Theo Vụ phó Vụ ĐH và sau ĐH Trần Thị Hà, không chỉ đánh giá thiếu nghiêm túc, một số hội đồng còn bỏ lọt những gian lận trong nghiên cứu khoa học. "Những khiếu nại gần đây chủ yếu tập trung vào 2 vấn đề: sao chép công trình của người khác và Hội đồng không làm hết trách nhiệm, không đúng quy trình. Bộ sẽ tiến hành thanh tra chất lượng luận văn tại các cơ sở đào tạo và có biện pháp xử lý nghiêm", bà Hà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận